Moonlighter biến trải nghiệm “lê lết trong hang động” trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết nhờ hàng loạt cơ chế thú vị đầy bất ngờ.
Moonlighter là tên một cửa tiệm trong thị trấn Rynoka mà nhân vật của người chơi được thừa kế và tiếp tục phát triển kinh doanh. Tuy nhiên trò chơi không thuộc thể loại giao thương xây dựng như bạn dễ lầm tưởng, mà đặt nặng trải nghiệm dungeon crawler hay được gọi vui là “lê lết trong hang động”. Dòng game này chủ yếu tập trung vào việc khám phá, chiến đấu với kẻ thù và quan trọng nhất là tìm kiếm chiến lợi phẩm.
Nếu thoạt nghe có vẻ quen quen thì khả năng cao là bạn đã từng trải nghiệm qua mà không biết đó thôi. Dungeon crawler là một phần trải nghiệm “đi động đánh quái săn đồ” thường thấy trong hầu hết các game nhập vai, nhưng được lược bớt nhiều yếu tố gameplay thành thể loại riêng. Nó từng khá thịnh từ những năm 80 khi trò chơi điện tử còn nhiều hạn chế về phần cứng, và vắng bóng một thời gian dài sau đó. Nhưng với trào lưu hoài cổ những năm gần đây của các nhà phát triển game indie thì thể loại này xuất hiện trở lại ngày càng nhiều.
Thật ra, Moonlighter là một tựa game nhập vai hành động nhưng đặt nặng yếu tố “đi động đánh quái săn đồ” nên rất khó để phân loại cụ thể. Nếu chỉ xét theo gameplay thì có thể nói đây là một dungeon crawler, nhưng nếu xét trên toàn diện mọi thứ thì có thể tạm xem đây là một game nhập vai hành động với đồ họa phong cách pixel. Tuy nhiên, dù bạn có xếp trò chơi vào thể loại gì thì cũng không thể phủ nhận hàng loạt cơ chế gameplay được nhà phát triển lấy cảm hứng từ nhiều game khác, nhưng cải tiến thú vị hơn để làm mới trải nghiệm so với những game khác cùng thể loại trên thị trường.
Về cơ bản, nhiệm vụ của người chơi trong Moonlighter chỉ đơn giản là sáng làm thương gia, tối đi cày sâu cuốc bẫm trong các hang động với đầy rẫy quái vật. Từ số tiền kiếm được đó, bạn sẽ đầu tư tiền vào sự phát triển của thị trấn, mở thêm những cửa hiệu mới để có thể sắm sửa và tạo một nền kinh tế xoay vòng. Tất nhiên bạn cũng sẽ được hưởng lợi từ sự đầu tư đó, nhất là càng về sau khi việc đi động đánh quái ngày càng khó khăn. Mặc dù nghe có vẻ phức tạp và mang nặng tính lặp lại, nhưng kỳ thực những gì người chơi trải nghiệm đơn giản nhưng hấp dẫn hơn nhiều, khiến bạn gần như không có thời gian nghĩ về vấn đề đó nữa.
Như đã nói ở trên, lối chơi của Moonlighter tập trung vào hai yếu tố làm thương gia và đi động đánh quái săn đồ, nhưng chủ yếu vẫn là vế sau. Cứ mỗi buổi tối, người chơi sẽ đi lùng sục trong các hang động diệt quái, tìm kiếm những món đồ có giá trị và mang về bán trong tiệm. Hai hệ thống này là nét chính trong gameplay, nhưng được trò chơi kết hợp hoàn hảo đến mức bạn khó có thể tách rời chúng trong trải nghiệm. Sự kết hợp đó thành công như vậy phải kể đến là hàng loạt những cơ chế tuy nhỏ, nhưng được pha trộn khéo léo vào trải nghiệm của trò chơi và thường tạo thêm việc cho người chơi theo nghĩa tốt.
Các ý tưởng đơn giản bổ trợ rất tốt cho trải nghiệm “lùng sục hang động” vốn quá quen thuộc với nhiều tựa game trên thị trường, tạo được nét riêng cho trò chơi. Thú vị là những ý tưởng này lại có mục tiêu riêng để người chơi thêm việc để làm, đồng thời thưởng liên tục cho những công sức bạn đã bỏ ra. Đây chính là điểm hấp dẫn của trò chơi khiến bạn rất khó dứt ra một khi bắt đầu trải nghiệm. Có một điều đáng đề cập đến là mặc dù các hang động mà người chơi khám phá được phát sinh ngẫu nhiên bằng thuật toán, nhưng tôi nhận thấy thuật toán này không vận hành tốt như mong đợi. Trong nhiều trường hợp bạn vẫn có thể bắt gặp những cảnh giống hệt nhau, kể cả quái vật trong đó.
Hệ thống chiến đấu của Moonlighter tập trung vào khả năng di chuyển chính xác với những đòn tấn công đúng thời điểm và sử dụng góc nhìn top-down. Kẻ thù cũng có sự đầu tư thiết kế nhất định, chúng không chỉ khác biệt về hình dạng đủ loại mà còn có những chiêu thức riêng. Người chơi phải khám phá điểm yếu của chúng và tận dụng điều đó để việc diệt quái trở nên hiệu quả hơn. Nếu dây dưa quá lâu trong một cảnh, bạn sẽ bị nhận sự trừng phạt của trò chơi và có thể mất hết toàn bộ chiến lợi phẩm kiếm được. Điều này biến trải nghiệm đi động đánh quái quen thuộc diễn ra khá khẩn trương, không có chỗ cho sự chậm rãi nên có lẽ không phù hợp với những người chơi casual.
Vấn đề ở chỗ, càng đi sâu vào các hang động, bạn sẽ như bị “bùa yêu” dẫn dắt và muốn khám phá nhiều hơn, chiến đấu với quái vật mạnh hơn để kiếm những chiến lợi phẩm có giá trị hơn. Trải nghiệm này cũng giống như cái vòng lặp lẩn quẩn nhưng ảnh hưởng đến nhau rất rõ nét, đặc biệt lại hấp dẫn đến mức không tạo cảm giác lặp lại như thường thấy. Nếu muốn có nhiều đồ ngon để bán và thu về nhiều tiền hơn, người chơi không có cách nào khác ngoài việc đi động đánh quái. Tiền kiếm được càng nhiều, bạn càng nâng cấp thị trấn tốt hơn và chế tạo được nhiều trang bị ngon hơn. Tất cả những thứ này lại phục vụ cho việc đi động đánh quái và săn đồ.
Lối thiết kế này dường như khá hoàn hảo, kết quả là hai hệ thống gameplay chính luôn hỗ trợ lẫn nhau và rất khó để tách rời chúng. Điều này rất dễ nhận thấy, vì một khi bạn làm tốt một khía cạnh gameplay này thì khía cạnh còn lại cũng lập tức bị tác động ngay. Đây là lý do khiến Moonlighter luôn mang đến cảm giác “máu me” cho những ai mới lần đầu trải nghiệm, hay nói cách khác là nó rất dễ gây nghiện. Nhưng nếu chỉ có vậy thì vẫn chưa đủ để gây hấp dẫn cho người chơi. Trò chơi bổ sung rất nhiều ý tưởng thú vị vào những chiến lợi phẩm mà bạn nhặt được trong các hang động.
Bên cạnh giá trị khác biệt, một số vật phẩm thu được cũng đòi hỏi một số điều kiện nhất định và có thể gây tác động đến những vật phẩm khác trong hành trang. Chẳng hạn, có vật phẩm sẽ phá hủy một vật phẩm khác trong hành trang khi bạn rời khỏi động và trở về làng, số khác lại có thể biến vật phẩm kề cận của nó thành một thứ khác. Thậm chí còn có cả những vật phẩm rất khó tính luôn, bắt buộc bạn phải đặt chúng ở một vị trí nhất định trong hành trang mới chịu. Cơ chế quản lý hành trang trong Moonlighter không những khiến người chơi thêm việc phải làm, mà còn buộc bạn phải luôn cân bằng giữa lợi ích cá nhân và yếu tố tài chính để sắp đồ trong hành trang cho hợp lý.
Chưa hết, hàng đống trò vui khác vẫn đang chờ bạn khi về thị trấn với công việc thương gia. Về cơ bản, người chơi có toàn quyền với tiệm của mình, từ bán những vật phẩm nào và định giá bao nhiêu nhưng khách hàng mới là những người quyết định “hãy chọn giá đúng” cho một món hàng. Nếu bạn định giá sai, khách hàng sẽ phản ứng bằng những biểu cảm khác nhau và bỏ đi, hay thậm chí chôm luôn đồ của bạn chỉ vì ghét cái giá bán. Nếu bán quá rẻ thì họ có biểu cảm rất tinh ranh vì “trúng quả”. Do vậy, bên cạnh việc định giá và vật phẩm muốn bán, người chơi còn phải chú ý biệt đội “bàn tay nhám” có thể “nẫng” đồ của bạn. Mặc dù cơ chế gameplay này thường chỉ diễn ra vài phút mỗi lần nhưng nó khá hài hước, vừa mang tính thư giãn mà cũng không kém phần cân não. Thế mới độc!
Sau cuối, Moonlighter thật sự mang đến một trải nghiệm hấp dẫn với nhiều cơ chế được triển khai khá tinh tế vào lối chơi quen thuộc của trò chơi. Điều thú vị là đồ họa pixel của trò chơi có thể không hấp dẫn với một số đối tượng người chơi, nhưng bạn khó có thể phủ nhận chất lượng đồ họa khá ấn tượng và chi tiết, bất chấp việc nó được xây dựng trên những hình ảnh pixel art. Nhà phát triển thật sự đã có sự đầu tư toàn diện cho trò chơi chứ không phải chỉ tập trung vào một số yếu tố nhất định như nhiều tựa game indie khác, khiến công sức của họ rất xứng đáng để bạn ủng hộ.
Moonlighter hiện chỉ có trên Windows, PlayStation 4 và Xbox One.
Bài viết sử dụng game do 11 bit studios hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!