Tuổi trẻ nào chẳng có những sai lầm và với Max Caulfield, cô sinh viên khoa nhiếp ảnh của học viện Blackwell trong Life is Strange cũng vậy, nhưng cô lại có thể lựa chọn rút kinh nghiệm từ những sai lầm. Và cũng giống như bạn, Max cũng trải qua những trải nghiệm lần đầu với rất nhiều thứ ở cái tuổi 18. Có bao giờ bạn từng làm điều gì hối tiếc và ước gì mình có thể quay ngược thời gian để lựa chọn lại chưa?
Khi người ta lớn lên, có những khoảnh khắc nhìn lại cuộc sống nhiều năm về trước khiến bạn bất giác tự mỉm cười vì nhiều lẽ. Tùy mỗi người mà thời sinh viên của bạn có vui vẻ, hạnh phúc với nhiều trải nghiệm đáng nhớ hay chỉ là những nỗi buồn kéo dài từ ngày này sang ngày khác. Nhưng bạn không thể phủ nhận rằng đó là thời khắc giao thoa biến một đứa trẻ trở thành người trưởng thành, và ai mà chẳng có những sai lầm trong khoảng cuộc đời đó. Nếu có thể quay ngược thời gian để sửa chữa sai lầm, thay đổi cả tương lai, hiện tại và quá khứ, bạn sẽ làm gì? Đó chính là điều mà bạn sẽ trải nghiệm khi nhân vật chính chợt nhận ra siêu năng lực của cô và nó cũng là yếu tố gameplay chính của Life is Strange.
Điều khiển thời gian tuy là ý tưởng đơn giản nhưng mang đến những kết quả rất hấp dẫn, nhất là khi yêu cầu người chơi phải thử nghiệm với những hướng giải quyết khác nhau, đồng thời phải gánh chịu hậu quả của hành động đó, nếu có. Cái hay của trò chơi là luôn đặt người chơi vào những lựa chọn khó, gây hậu quả rất lớn đến các sự kiện về lâu về dài chứ không chỉ là những kết quả nhãn tiền. Bất chấp khả năng quay ngược thời gian của nhân vật chính, các quyết định của người chơi đều tạo cảm giác ảnh hưởng rất lớn đến các sự kiện. Đây có lẽ là một điểm thu hút của Life is Strange, khiến bạn luôn cảm thấy căng thẳng trước những chọn lựa trong trò chơi, nhất là khi lại không thể biết được hậu quả về lâu dài sẽ là gì.
Tuy nhiên, Life is Strange không phải chỉ có vấn đề thời gian, mà đó là cuộc sống và là trải nghiệm của một người trẻ trước những mối quan hệ trong xã hội. Trò chơi có một cốt truyện khá đời thường, khiến bạn luôn cảm thấy phảng phất trong đó một phần cuộc đời sinh viên của mình được phản chiếu qua cuộc sống của Max, Chloe hay thậm chí là các nhân vật khác trong trò chơi. Từ bác lao công già yêu động vật, cho tới cả hình tượng ông thầy đẹp trai vui tính và tài năng. Họ đều mang lại cái gì đó rất dỗi quen thuộc, cảm giác như nhìn lại chính cuộc sống của chúng ta từ những nhân vật đó vậy. Nhà phát triển đã rất hay khi lồng ghép trong đó cả một câu chuyện trinh thám ly kỳ, yếu tố buộc người chơi dùng nhiều đến năng lực siêu phàm của mình để giải quyết vấn đề. Nó có khi là cách giải quyết theo tính cách của từng người chơi, nhưng cũng có khi là bằng mọi giá để đạt được mục đích nhất định.
Những khi không ngồi “nghịch” thời gian, trải nghiệm trong Life is Strange lại khá giống nhiều tựa game phiêu lưu khác. Người chơi khi đó cũng sẽ tương tác với nhiều vật thể khác nhau trong môi trường để tạo diễn biến cho câu chuyện. Đó có thể là một thứ đồ vật gì đó ảnh hưởng trực tiếp đến cốt truyện, hoặc cũng có khi chỉ đơn thuần để trang trí. Trên hết, càng không thể thiếu những cuộc trò chuyện với các nhân vật khác để “moi” thông tin toàn cảnh về vịnh Arcadia mà trò chơi lấy làm bối cảnh chính. Phần trải nghiệm này tuy không có gì khác biệt so với các game khác, nhưng vẫn mang đến cảm giác giải trí thú vị khi người chơi theo dõi tình tiết và sự việc diễn ra. Việc tương tác cũng khá đơn giản vì mọi thứ đều có dấu hiệu thông báo khi nhân vật đến gần, kết hợp khá tự nhiên với trải nghiệm game nhằm mang đến cho người chơi chiều sâu nội dung và cảm giác đời thật.
Một điều cũng khiến tôi ấn tượng với Life is Strange chính là đồ họa mang phong cách tả thực khá ấn tượng, cùng với phần nhạc rất tuyệt vời. Những bài nhạc luôn khiến tôi “phiêu” với câu chuyện và những hình ảnh trong trò chơi. Mọi thứ, từ học viện Blackwell, ngôi nhà của Chloe hay những con thú hoang dã luôn khiến người chơi cảm giác như có sự kết nối thực thụ với trò chơi. Nhà phát triển thật sự không hề xem nhẹ điều này, khắc họa rất tỉ mỉ thậm chí là những chi tiết nhỏ nhặt nhất, chẳng hạn như lũ sóc ở học viện Blackwell. Tôi thích tình tiết mà ở mỗi chapter, Max đều có ít nhất một góc ngồi để cô có thể thư giãn và suy nghĩ mọi thứ, nhìn cuộc sống và thời gian trôi qua. Ngay cả những âm thanh tiếng động môi trường cũng được chú ý và lồng ghép khá cẩn thận vào trò chơi, tạo nên một thế giới hết sức sống động như đời thật vậy.
Ngay cả cách mà trò chơi xây dựng nội dung lồng ghép được rất nhiều vấn đề xã hội và thông điệp đáng nhớ, cũng khiến tôi ngạc nhiên với những gì trải nghiệm trong Life is Strange. Mọi góc tối trong cuộc sống dường như đều có đủ trong này, từ những trò quấy rối bắt nạt trên mạng cho tới tự sát, hay thậm chí là dùng thuốc kích thích quá liều v.v… Đó thật sự là cuộc sống thực tế tàn nhẫn mà không phải ai cũng dễ dàng vượt qua được nếu lâm vào những tình huống như thế. Gần như mọi vấn đề nổi cộm trong xã hội những năm gần đây đều được phơi bày và đưa vào khéo léo trong trò chơi.
Thế nhưng, mọi thứ trong nội dung của trò chơi cũng không hẳn là hoàn hảo. Có một số vấn đề tôi cảm thấy nó vượt quá xa tính thực tế, gần như được đưa vào để tăng sự kịch tính của nội dung hơn. Dù vậy, phần cốt truyện chính của Life is Strange vẫn tập trung vào việc buộc người chơi đưa ra những quyết định đầy rủi ro, dẫn dắt nhân vật theo một hướng đi mà bạn mong muốn, chẳng hạn trưởng thành hơn hay theo tính cách riêng của người chơi. Về khoản này thì trò chơi đã làm rất tốt, thể hiện được cái yếu tố “người” trong cả trò chơi lẫn người chơi. Vì ai cũng có điểm yếu, điểm tốt, mặt mạnh và mặt xấu, không có nhân vật nào là hoàn hảo, kể cả khi bạn cố gắng biến nhân vật chính trở nên hoàn hảo thông qua những lựa chọn trong trò chơi. Chính vì vậy mà các nhân vật trong Life is Strange có cảm giác rất đời thường, rất quen thuộc.
Nếu có điều gì đó mà tôi không thích ở Life is Strange, có lẽ nằm ở biểu cảm nhân vật đôi khi khá khó hiểu, không tạo đúng cảm giác với tình tiết trong trò chơi. Thứ nữa đó là phần nhép miệng theo lời thoại đôi khi cũng khá sai lệch với giọng lồng tiếng. Tuy nó không gây ảnh hưởng gì đến trải nghiệm nhưng có thể khiến một số người xem khó tính cảm thấy khó chịu. Và cuối cùng chính là cách thiết kế buộc người chơi phải quay về menu và chọn episode mới để chơi tiếp sau khi kết thúc episode trước đó, kể cả khi bạn đã mua trọn gói trò chơi. Lẽ ra trò chơi nên có yêu cầu người chơi xác nhận tiếp tục trải nghiệm episode kế tiếp, hay tạm nghỉ sau khi kết thúc một episode thay vì chọn cách thiết kế hơi rườm rà này. Một vấn đề khác cũng không thể không nhắc đến nằm ở cách kết thúc nội dung của trò chơi. Life is Strange tuy có nhiều kết thúc khác nhau tùy thuộc vào lựa chọn của người chơi, thế nhưng không có kết thúc nào giải quyết trọn vẹn toàn bộ mọi vấn đề. Dù vậy, tôi cũng không thật sự xem đây là điểm yếu của trò chơi, vì vốn dĩ cuộc sống nó đã như vậy rồi, được cái này thì phải chấp nhận mất cái khác.
Sau cuối, Life is Strange là một câu chuyện trải nghiệm rất hay về cuộc sống luôn đầy ắp những điều kỳ lạ. Tuy nhiên, trò chơi có lẽ ở chỗ nó không dành cho tất cả mọi người. Nội dung trong game đề cập đến nhiều vấn đề chỉ phù hợp với người trưởng thành, chưa kể các nhân vật lại văng tục khá nhiều. Mặt khác, để có thể thấu hiểu được cốt truyện của trò chơi và đưa ra những quyết định, bạn sẽ phải có một trình độ tiếng Anh kha khá nhiều vốn từ để có thể đọc và hiểu được tốt, nếu không sẽ cảm thấy vô cùng khó khăn với trải nghiệm trong trò chơi. Nếu muốn tìm một tựa game phiêu lưu có cốt truyện hấp dẫn, giàu cảm xúc và giá trị chơi lại cao thì Life is Strange chính là thứ mà bạn tìm kiếm. Hơn nữa, đây cũng là một tựa game rất phù hợp để bạn có thể vừa trải nghiệm nội dung và vừa học thêm từ vựng tiếng Anh vì không có giới hạn thời gian khi đưa ra những lựa chọn trong trò chơi.
Life is Strange hiện có cho PC (Windows, macOS), PlayStation 4, Xbox One, Xbox 360, PlayStation 3, Android và iOS. Trò chơi chia thành năm chương và miễn phí chương đầu tiên để người chơi có thể trải nghiệm trước khi quyết định mua các chương còn lại.
Bài viết sử dụng game do Square Enix hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!