Năm ngoái, game FMV The Bunker thuộc thể loại point-and-click đã gây được tiếng vang. Năm nay, Late Shift tiếp nối thành công đó, với gameplay dựa vào những quyết định của người chơi để xây dựng cốt truyện. Ít nhiều, cách làm này mang đến giá trị chơi lại cao hơn, nhưng cũng có thứ phải đánh đổi.
Hồi thập niên 80, làn sóng game FMV (full-motion video) đầu tiên xuất hiện. Sau đó, nhờ vào sự phổ biến của CD-ROM, nó phát triển mạnh vào những năm 90. Thành công này còn nhờ sự tiếp tay của vô số hệ console thịnh hành ở thời điểm đó như 3DO, CD-i và SegaCD “ăn theo” ý tưởng này. Thế nhưng, do nhiều hạn chế trong công nghệ, cộng với gameplay mang giá trị chơi lại thấp, dòng game này thoái trào dần rồi hoàn toàn biến mất đến nay. Chỉ vài năm gần đây, game FMV tái xuất với nhiều cải thiện đáng kể. Hay ít nhất đó cũng là trường hợp của Late Shift.
Late Shift đưa người chơi đến với chàng sinh viên Matt Thomson. Ngoài việc đi học, buổi tối anh làm bảo vệ tầng hầm giữ xe cho một khu dân cư giàu có với nhiều xe sang. Cuộc đời của Matt xoay chuyển khi vô tình dính vào một vụ cướp trong ca trực đêm. Thật ra, nội dung như Late Shift không mới, bạn có thể thấy nhiều trong phim Hollywood khai thác đề tài này. Nhưng Late Shift không chỉ đơn thuần là một bộ phim hay trò chơi. Thực tế, bạn có thể gọi đây là một trò chơi với những cảnh phim do người thật đóng, hoặc một bộ phim với khả năng tương tác. Người chơi vừa theo dõi, vừa đưa ra những quyết định để tạo nội dung hoàn chỉnh cho phim.
Nói Late Shift là phim tương tác cũng đúng, mà gọi là game phim cũng không sai. Với thể loại đặc trưng này, gameplay của trò chơi không thể dễ dàng hơn. Người chơi chỉ theo dõi phim và đưa ra những chọn lựa trên màn hình hiện ra. Tùy vào đó mà phần phim sẽ được kết nối với nhau để tạo nội dung ra sao. Những quyết định này sẽ góp phần dẫn dắt cốt truyện theo những kết thúc phim khác nhau. Có tất cả bảy kết thúc khác nhau, và trong đó chỉ duy nhất một kết thúc “đẹp” nhất theo đúng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Trước đây, các game FMV thường thiết kế theo kiểu chờ lựa chọn của người chơi trước khi chuyển sang cảnh mới. Trong thời gian chờ bao lâu cũng được đó, trò chơi thường cho “tua đi tua lại” một đoạn clip, chẳng hạn nhân vật hút thuốc thả khói hay ngắm nghía móng tay v.v…, khá nhàm chán. Late Shift đã giải quyết vấn đề này bằng thiết kế bỏ hẳn thời gian chờ vô nghĩa. Nếu bạn không đưa ra lựa chọn trong thời gian cho phép, nội dung phim sẽ vẫn tiếp diễn. Tôi không rõ nó diễn ra theo kịch bản sắp đặt trước hay sao, nhưng với nhịp độ phim khá nhanh, rõ ràng cách làm này khó có thể làm hài lòng tất cả.
Thực tế, những lựa chọn chờ người chơi định đoạt có thời gian cực ngắn. Thường bạn chỉ có vài ba giây để đưa ra quyết định, mà toàn là những tình huống khó. Diễn tiến trên màn hình liên tục, không dễ để bạn đưa ra bất kỳ lựa chọn quan trọng nào trong thời gian ngắn ngủi đó. Ở khía cạnh thiết kế, cách làm này tạo sự hấp dẫn, thu hút được người chơi trải nghiệm từ đầu đến cuối để biết nội dung. Với nhịp độ nhanh, rõ ràng vấn đề “bạn không quyết thì để game quyết” này không thể vừa lòng tất cả người chơi. Nhưng nghĩ đơn giản một chút thì đó là cái giá đánh đổi để không phải xem những đoạn “phim chờ” lặp lại nhàm chán.
Cá nhân tôi khá thích lối thiết kế này. Nó buộc người chơi luôn đặt mình trong hoàn cảnh của nhân vật, với sức ép không hề nhỏ giữa những lựa chọn quan trọng. Còn ở góc độ người xem phim, thiết kế này giúp bạn thưởng thức bộ phim một cách tương đối trọn vẹn mà không cần tương tác gì. Thú vị đấy chứ?
Có câu “Được cái này thì mất cái kia”, đúng là chẳng sai. Mặc dù Late Shift mở đầu khá kịch tính, nhưng nội dung lại diễn ra quá nhanh. Thật sự, các nút thắt là mấu chốt quan trọng với bất kỳ cốt truyện nào. Và cách nó được mở ra sẽ quyết định câu chuyện kể có hấp dẫn hay không. Đáng tiếc là nội dung trong Late Shift khá dồn dập, nút thắt vừa mở xong đã nhảy sang nút thắt mới. Diễn tiến quá nhanh khiến tôi liên tục bị cuốn theo mạch nội dung, không kịp cảm nhận gì. Ở mặt thụ cảm, nó vô tình phá hỏng phần kể chuyện của trò chơi.
Nhân vật Matt Thomson do Joe Sowerbutts thủ vai. Trong số những bộ phim do anh đóng thì tôi lại chưa từng xem phim nào. Còn trong Late Shift, vai diễn của Joe Sowerbutts ở mức khá. Tuy vậy, do kết cấu nội dung, hoặc có thể do đạo diễn, hầu hết từ đầu đến cuối phim bạn chỉ đưa ra quyết định để giải quyết vấn đề cho Matt. Tuy không tới mức nhân vật Matt Thomson “tự biên tự diễn” từ đầu đến cuối, nhưng nếu tập trung nhiều hơn sang những nhân vật khác nữa sẽ hay hơn. Mặt khác, diễn tiến dồn dập nhưng Late Shift không bổ sung những khoảnh khắc hài hước, vui vẻ để tạo thêm “sắc màu cuộc sống” cho trò chơi. Ở một khía cạnh nào đó, cảm giác trải nghiệm của tôi không thấy thỏa mãn. Nó cứ ở mức lưng chừng và nhanh chóng kết thúc trước khi tôi kịp cảm được nội dung.
Nói đến kết thúc, Late Shift có tổng cộng bảy “ending” khác nhau. Có nghĩa là những quyết định của người chơi sẽ đẩy câu chuyện theo những hướng khác nhau, tác động không nhỏ đến kết cục nội dung. Cái hay của trò chơi là xây dựng tương tác tốt, người chơi hay xem đều khó đoán trước được lựa chọn nào sẽ dẫn đến tình huống nào. Cách thiết kế này khiến bạn luôn phải cân nhắc mỗi khi ra quyết định. Nhưng do thời lượng khá ngắn nên thường chỉ là lựa chọn cảm tính. Đây có lẽ cũng là cách để tạo giá trị chơi lại cho trò chơi. Vì lần đầu tiên, tôi không thể lấy được “happy ending”. Sau khi trải nghiệm một lần, biết trước được phần nào nội dung, tôi mới có thể đưa ra những quyết định mang tính bước ngoặt, đẩy cốt truyện theo hướng mới. Nói một cách khác, nhà sản xuất Late Shift đã khéo léo thiết kế mọi lựa chọn đều có sức nặng như nhau, đem lại giá trị chơi lại cho trò chơi, điều mà các game FMV trước đây chưa làm được.
Trong cuộc sống, lựa chọn tạo nên con người và cuộc đời của họ. Thật khó để biết chúng gây tác động đến tương lai của mỗi người như thế nào. “Sai một li đi một dặm”, những quyết định của mỗi người trong cuộc sống là những ngã rẽ hết sức quan trọng mà ai cũng ít nhất một lần phải đối mặt trong đời. Đó cũng là điều bạn sẽ học được trong Late Shift, hay với tôi là thế.
Late Shift hiện có trên PC (Windows, macOS), PlayStation 4, Xbox One, Nintendo Switch, iOS và Apple TV. Cấu hình PC yêu cầu CPU Core i3 / AMD A6 2,4GHz, RAM 2 GB, GPU NVIDIA Geforce GTX 260 / AMD Radeon HD 5750, dung lượng trống 7500 MB.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!