Jurassic World Evolution là game mô phỏng xây dựng công viên giải trí với đề tài thú vị, nhưng có nhiều vấn đề về thiết kế gameplay.
Với thể loại mô phỏng xây dựng, trải nghiệm của Jurassic World Evolution khá đơn giản khi yêu cầu người chơi xây dựng các công viên khủng long trên những hòn đảo màn chơi. Đây có lẽ là tựa game ăn theo phim Thế giới khủng long: Vương quốc sụp đổ đang làm mưa làm gió ngoài rạp. Những tưởng người chơi sẽ có những giây phút giải trí thú vị với đề tài hấp dẫn của trò chơi, nhưng kết quả lại không được như mong đợi vì những “hạt sạn” không đáng có.

Vấn đề nghiêm trọng nhất của trò chơi nằm ở cơ chế lai tạo khủng long của trò chơi. Jurassic World Evolution có khoảng hơn 40 loài khác nhau nhưng để mở khóa được đầy đủ thật sự là một quá trình hết sức nhàm chán và mất thời gian, khiến người chơi dễ bỏ cuộc. Bạn phải mở bản đồ và tìm đến các địa điểm đào bới khảo cổ được đánh dấu, với hy vọng sẽ tìm được những mảnh hóa thạch của một loài nào đó rồi gọi “đội đào bới” tới và chờ bộ đếm giờ hoạt động. Sau đó là nhận một loạt các mẫu vật hóa thạch ngẫu nhiên y như mở lootbox vậy, rồi người chơi chọn các mẫu hóa thạch nào bạn muốn nghiên cứu hoặc bán kiếm tiền. Tuy nhiên, bạn gần như chẳng có quyền quyết định gì cả vì người chơi cũng chỉ được bán những gì trùng và đã có chứ không phải thích thì bán. Mệt mỏi nhất là những thao tác tẻ nhạt đến buồn ngủ, và bạn phải thực hiện rất rất nhiều lần trong trò chơi.
Ngay cả khi bạn qua được “ải buồn ngủ” để tìm bộ gene rồi thì muốn mở khóa một loài khủng long mới, lại dính đến Vietlott. Về cơ bản, mỗi loài khủng long đều có một tỷ lệ phần trăm khả năng mở khóa nhất định, tùy vào số lượng gene mà bạn đã nghiên cứu cũng như những thay đổi về di truyền mà bạn tác động vào. Yếu tố may rủi này quyết định trực tiếp đến việc bạn sẽ mở khóa được một con quái vật khổng lồ mới hay là “đốt” cả trăm ngàn đô chi phí thực hiện và kết quả thường là vế sau hơn.

Không chỉ vậy, điều khá bất ngờ là trò chơi không có nút tăng tốc độ trải nghiệm như bất kỳ tựa game mô phỏng xây dựng nào khác. Thiếu nó không chỉ làm mất thời gian của người chơi khi chờ tiền về, mà còn tạo ra những khoảnh khắc “ngồi chơi xơi nước” một cách vô lý. Kỳ thực tôi chưa từng gặp phải tựa game mô phỏng xây dựng nào lại thiếu tính năng này. Từ những cái tên rất cũ như SimCity cho tới tựa game ra mắt khoảng một năm nay là Aven Colony hay gần đây nhất là Frostpunk, tất cả đều có tính năng có thể nói là cơ bản của thể loại này. Vậy mà Jurassic World Evolution lại không có!
Khía cạnh mô phỏng xây dựng của trò chơi cũng có vấn đề. Màn chơi nào cũng khá chật hẹp không gian xây dựng, gần như không chừa chỗ để người chơi có thể thỏa sức sáng tạo cho diện mạo khu công viên khủng long của họ. Thậm chí các màn chơi cũng được thiết kế nhìn cứ hao hao nhau, quanh quẩn chỉ có rừng rậm bao quanh những cánh đồng cỏ xanh rờn, không tạo được sự khác biệt của từng màn chơi. Để tạo sự khác biệt về mặt thị giác, lẽ ra nên trải dài các màn chơi này bằng nhiều điều kiện đảo khác nhau, hay thậm chí là hoang mạc hóa một phần hòn đảo chẳng hạn, buộc người chơi phải vun đắp trong suốt thời gian trải nghiệm để “hô biến” nó thành vùng đất trù phú. Đáng tiếc là nhà phát triển đã không làm thế, hoặc có thể do trò chơi được xây dựng như vậy một cách cố ý nhằm giảm chi phí phát triển, nhưng nó càng đáng chỉ trích hơn khi không phải là vấn đề duy nhất trong trò chơi.
Mục tiêu cho người chơi cũng khiến bạn cảm thấy bực bội hơn là thoải mái thực hiện. Nhiệm vụ chính của người chơi trong trải nghiệm là tìm cách đáp ứng ba yếu tố: an ninh (security), khoa học (science) và giải trí (entertainment). Tuy nhiên ba yếu tố này thường trong tình trạng “bằng mặt chứ không bằng lòng”, khiến người chơi không thể cân bằng được cả ba mà chỉ có thể ưu tiên đi theo một yếu tố nhằm mở khóa một nâng cấp cần thiết nào đó và cứ thế. Thảm họa cũng bắt đầu xuất hiện từ đây. Khi bạn cố gắng ưu tiên một yếu tố nào đó thì hai yếu tố còn lại bắt đầu “biểu tình” với hàng loạt vấn đề cần giải quyết, như một cách trả thù cho việc bạn dám ưu tiên yếu tố đó. Mô tả như thế này quả thật rất buồn cười, nhưng khi trải nghiệm bạn sẽ thấy nó đúng hơn thế 69 lần.
Chính vì vậy mà hầu hết thời gian trải nghiệm là bạn điều động xe đi làm những công việc linh tinh như bổ sung thức ăn hay dập tắt một bệnh dịch nào đó. Nghe có vẻ nhàm chán, nhưng nếu muốn bạn cũng có thể điều khiển trực tiếp xe hay máy bay trực thăng đi làm những công việc vặt này. Đáng tiếc là ngoại trừ việc “trực tiếp chỉ đạo” để có thể chụp hình khủng long hoặc quan sát chúng sinh hoạt ra sao, thì tính năng này gần như không có công dụng gì khác ngoài việc tiêu tốn thêm thời gian của người chơi. Dĩ nhiên, càng không có mô típ xe bị chết máy rồi hư hỏng này nọ hay khủng long xổng chuồng đi “càn quét” khắp nơi như bạn thấy trong phim đâu.
Tuy nhiên bạn vẫn có thể tổ chức những cuộc đối kháng tương tự như trong game Primal Rage để tăng yếu tố giải trí. Nhưng đó cũng là một cuộc chiến đầy may rủi như “vé số chiều xổ”, mà kết quả đôi khi là con khủng long bạo chúa T-rex trị giá vài triệu đô của bạn bị một con khủng long chỉ vài trăm ngàn đô cắn chết. Chưa kể, cho dù là con khủng long nào chết thì thiệt hại nặng nề vẫn thuộc về người chơi, vì cả hai đều là tài sản của bạn và tiền thì không dễ kiếm trong Jurassic World Evolution, nhất là khi không thể tăng thời gian trải nghiệm như những game cùng thể loại khác. Quả là một trò giải trí tốn kém.
May mắn thay, trò chơi cũng có một hay hai yếu tố có thể gỡ gạc lại chút giá trị, và đó không gì khác là đồ họa khá ấn tượng ngay từ những cái nhìn đầu tiên. Cây cỏ và các công trình được xây dựng khá chi tiết, nhưng hấp dẫn nhất vẫn là những con khủng long được dựng hình không những rất ấn tượng mà còn khá chi tiết với chuyển động tuyệt vời. Nếu phim Jurassic World: Fallen Kingdom chưa đủ làm bạn thỏa mãn, thì đây là cơ hội để bạn có thể ngắm nhìn chúng tùy thích bao lâu cũng được. Mặt khác, những con khủng long cũng có những đặc tính riêng mà bạn phải cân nhắc, nếu không muốn nói đây là bài toán quan trọng mà bạn phải giải quyết khi trải nghiệm Jurassic World Evolution. Chẳng hạn như trường hợp của T-rex thì con quái thú này vốn nổi tiếng là khủng long bạo chúa và thích tàn sát cho vui ngay cả với đồng loại của nó, nên không thể nhốt chung với con khủng long nào khác. Hoặc có loài khủng long thì thích sống theo bầy đàn, nếu không đủ số lượng trong bầy thì chúng sẽ chạy tán loạn rất là phiền phức.
Sau cuối, trừ khi bạn thích ngắm khủng long và yêu thích cái cảm giác đó thì Jurassic World Evolution còn có chút giá trị để “thích thì nhích”. Tuy nhiên đây vẫn là một lý do khá khiên cưỡng với mức giá của trò chơi. Lời khuyên của tôi là thôi, hãy quên đi thế giới khủng long và kiếm game khác mà chơi. Chỉ mỗi đồ họa thì không đủ sức để cứu vãn mọi vấn đề về thiết kế và cơ chế gameplay của trò chơi.
Jurassic World Evolution được phát hành trên Windows, PlayStation 4 và Xbox One.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!