Nếu như dự án Android4Lumia vẫn còn khiến bạn đắn đo, thì bài viết này hy vọng sẽ giúp bạn sớm giải tỏa điều đó.
Android4Lumia là dự án “rảnh rỗi sinh nông nổi” của một nhóm các thành viên diễn đàn XDA để biến chiếc điện thoại Lumia 520/525/720 sử dụng Windows Phone thành một chiếc máy thuần Android. Trước đây Trải Nghiệm Số từng hướng dẫn cách thực hiện, và lần này chúng ta sẽ cùng xem xét hiệu năng của nó khi chạy Android 6 như thế nào, cụ thể là với chiếc Lumia 525.
Đáng tiếc là điện thoại của tôi qua nhiều năm sử dụng đã nhanh chóng bị chai pin. Mặc dù tôi đã tìm mua nhưng không tìm được viên pin nào tử tế ưng ý nên không thể xem xét thời lượng sử dụng của nó. Hơn nữa, viên pin của Lumia 525 có dung lượng khá ít, việc đánh giá thời lượng pin cũng không thực tế lắm. Mặt khác, dự án Android4Lumia vẫn chưa hoàn chỉnh phần pin, vì nó vẫn báo khá “ảo” chứ không thật sự chính xác.
Còn bây giờ, trước hết chúng ta sẽ cùng xem lại cấu hình phần cứng của Lumia 525. Đây là mẫu điện thoại được ra mắt vào cuối năm 2013, có màn hình 4 inch với độ phân giải 480 x 800. Nó sử dụng CPU dual core với tốc độ xung nhịp 1 GHz và GPU Adreno 305. Mặc dù Adreno 305 không phải là GPU mạnh nhưng với độ phân giải 480p, thì đây có vẻ là lợi thế cho Lumia 525 trong trải nghiệm game vì không đòi hỏi khả năng xử lý cao.
Play Store (CH Play) và tốc độ Wi-Fi
Chiếc điện thoại Lumia 525 của Trải Nghiệm Số đã được cài đặt hoàn chỉnh Lineage OS 13 với nhân Android 6.0.1. Để sử dụng và cài đặt ứng dụng từ Play Store, tôi đã dùng A-GAPPS phiên bản 32 bit. Nhìn chung, đây là một bộ Google Apps khá ổn định và có dung lượng tương đối nhỏ. Dù vậy, thỉnh thoảng khi cài đặt nhiều app cùng một lúc tôi vẫn gặp tình trạng Play Store bị đơ hoặc thoát về màn hình chính. Không rõ đây là vấn đề từ A-GAPPS hay từ chính Google Play Store, vì trên thực tế tôi thỉnh thoảng cũng bị tình trạng tương tự trên các máy sử dụng Android khác.
Việc cài đặt ứng dụng bằng Wi-Fi cho tốc độ khá ổn định, thỉnh thoảng xê dịch từ 200KB/s đến 400KB/s, phần lớn là khoảng 250KB/s. Đây không phải là tốc độ quá nhanh nhưng khá đủ để bạn có thể cài đặt ứng dụng trên dưới 1GB mà không mất quá nhiều thời gian. Trong suốt quá trình sử dụng, tôi không gặp tình trạng rớt Wi-Fi hay mất kết nối nào. Nhìn chung, kết nối Wi-Fi khá ổn định và không có vấn đề gì đáng đề cập.
Chiến binh game casual
Trước khi bắt đầu thử nghiệm hiệu năng của Lumia 525 khi chơi các game nhẹ, tôi đã cài Antutu Benchmark vào để có đánh giá sơ bộ xem có thể trông đợi gì ở chiếc điện thoại hơn bốn năm tuổi này nhưng không may là nó cứ đứng ở 0% mà không nhích miếng nào. Tất nhiên với phần cứng nói trên, bạn không thể mong chờ ở một “phép màu” nào đó, nhưng bất chấp Antutu không hoạt động, thú vị là nó vẫn “cân tốt” hầu hết những game casual mà tôi thử qua.
Đầu tiên là Subway Surfer mang đến trải nghiệm khá mượt mà, cảm ứng phản hồi rất tốt và không có tình trạng giật hay quẹt một đường trên màn hình phản hồi một kiểu như tôi lo ngại lúc đầu. Phiên bản mới nhất của trò chơi trên Android mang đến cảm giác trải nghiệm tốt tương tự như bản “lỗi thời” trên Windows Phone.
Temple Run 2 thì có hơi đáng tiếc, mặc dù ngay đầu trò chơi có chút giật hình trước khi vào phần trải nghiệm, nhưng trong suốt quá trình chơi thử cũng không có tình trạng giật hay phản hồi cảm ứng kém. Mọi thứ đều vận hành mượt mà ngoài mong đợi khi đến đoạn cần có con quay hồi chuyển để nhặt tiền thì tôi chịu thua. Điều này là do dự án Android4Lumia chưa thể khai thác hoàn toàn mọi phần cứng trên chiếc điện thoại này, và con quay hồi chuyển là một trong số đó.
Tiếp theo là Swordigo, tuy không thật sự là game casual nhưng với đồ họa đơn giản, nên tôi đưa vào phần này. Đây là một tựa game hành động nhập vai có gameplay khá hay và tôi cũng không hề gặp phải bất cứ vấn đề gì trong quá trình trải nghiệm. Điều này cũng dễ hiểu vì trò chơi thậm chí được phát hành trước cả thời điểm Lumia 525 ra mắt.
Một tựa game khác cũng được thử nghiệm và mang lại kết quả rất tốt là Neighbours From Hell, có lẽ vì đồ họa 2D khá nhẹ nhàng so với Lumia 525.
Gameloft: trải nghiệm mượt nhưng có chút sự cố
Minion Rush cũng là trường hợp đáng tiếc như Temple Run 2. Lumia 525 thừa sức mạnh để trải nghiệm trò chơi, nhưng lại chưa thể sử dụng con quay hồi chuyển để thực hiện một số pha hành động nhất định mà trò chơi yêu cầu. Do vậy dù phần hướng chơi dẫn ban đầu vận hành rất mượt mà, nhưng đến khi đến phân đoạn đòi hỏi phải có con quay hồi chuyển thì tôi không cách nào để vượt qua được, nên đành thoát game trong tiếc nuối.
Tiếp đến, tôi thử Asphalt 8: Airborne, một tựa game đua xe khá nổi tiếng của Gameloft. Ngay từ menu đã có dấu hiệu bị giật và phản hồi rất kém sau mỗi lần chạm. Cứ tưởng như vậy là không thể trải nghiệm game nhưng tôi vẫn cố kiên nhẫn chờ đến khi vào được màn đua. Bất ngờ là khi vào phần đua xe thì mọi thứ lại rất mượt mà, tất nhiên tôi cũng đã phải chỉnh lại phần điều khiển sang cảm ứng thay vì dùng con quay hồi chuyển như mặc định. Tôi thậm chí còn bất ngờ hơn khi cảnh dựng bằng 3D ban đầu để giới thiệu màn đua thường có một đoạn giật hình với hầu hết trên những chiếc điện thoại tầm trung khác, thì lại hoàn toàn mượt mà trên Lumia 525. Quả thật dù GPU Adreno 305 không phải mạnh, nhưng chính độ phân giải 480p đã giúp chiếc điện thoại này có thể “cân” được khá nhiều game không hề nhẹ. Tuy nhiên, chơi đua xe bằng cảm ứng lại không dễ điều khiển bằng dùng con quay hồi chuyển nên tôi chỉ đua hai vòng thì nghỉ.
Tựa game tiếp theo mà tôi cài đặt là Dungeon Hunter 5. Đây là một game hành động nhập vai khá nổi tiếng. Thú vị là game này lại mang đến trải nghiệm hết sức mượt mà, cảm giác chặt chém khá thỏa mãn thậm chí không giật lần nào khiến tôi hết sức ấn tượng. Đáng tiếc là sau khi trải nghiệm khoảng vài nhiệm vụ, đến khi trò chơi đòi tải thêm dữ liệu mới cho các màn chơi mới thì cứ kết thúc màn hình loading là văng game. Có lẽ do vấn đề tương thích gì đó nên đành tôi chia tay với Dungeon Hunter 5.
Vẫn chơi được game “sát thủ phần cứng”
Sau khi thấy Lumia 525 có thể chơi tốt Asphalt 8 và Dungeon Hunter 5 nên tôi quyết định thử luôn Dead Trigger 2. Tất nhiên với cấu hình của chiếc điện thoại hơn bốn năm tuổi này thì chỉ có thể trải nghiệm các game nặng có thiết lập min. Thế nhưng Dead Trigger 2 lại chơi khá mượt mà không có chút “lăn tăn” nào như tôi tưởng.
Quá hoan hỉ, tôi thử tiếp Shadow Fight 3, một tựa game khá đình đám gần đây. Đến đây thì trải nghiệm có phần “mất hình tượng” hơn khi thỉnh thoảng có cảnh bị giật nhẹ khi chiến đấu. Cảm giác trải nghiệm tuy vẫn ở mức có thể chơi được nhưng không còn cảm giác mượt mà như ban đầu nữa. Phần phim chuyển cảnh cũng vậy, tuy vẫn trình chiếu khá mượt mà nhưng đôi lúc vẫn giật nhẹ một cái giống như không kịp tải dữ liệu vậy. Đáng nói là giao diện menu phản hồi rất kém và chậm, có độ trễ cao.
Tôi lại tải tiếp Zombie Avengers: (Dreamsky) Stickman War Z. Đây là một game chặt chém với hình ảnh khá đơn giản, nhưng lại dùng nhiều hiệu ứng đồ họa màu mè. Trải nghiệm vẫn tốt, nhưng khi sử dụng tuyệt kỹ lại bị giật nhẹ vài giây. Xem ra khả năng của Adreno 305 đã tới mức giới hạn của nó.
Đổi gió một chút thôi, lần này là Hay Day. Mặc dù nhiều người vẫn xem Hay Day là game giải trí nhẹ nhàng, nhưng thực tế đây là một game khá nặng và “uống” pin rất dữ, nhất là bản cập nhật mới nhất vừa mở thêm đất khá nhiều, lại vừa nhiều máy sản xuất và cây trồng mới. Không may là Lumia 525 chỉ ở mức có thể chơi được Hay Day chứ không mượt mà như mong đợi.
Tiếp tục với một tựa game khác mà tôi cũng muốn thử cho trót là Garena Liên Quân Mobile. Về cơ bản, Lumia 525 vẫn có thể chơi được game này, thế nhưng thỉnh thoảng khi màn hình có nhiều tướng của kẻ thù cùng lúc thì trò chơi sẽ bị giật nhẹ. Đây là thời điểm bạn rất dễ bị chết mà không hay biết. Do vậy nếu bạn chỉ chơi cho vui thì không sao, chứ nếu chơi “máu me” thì chắc chắn đây không phải là chiếc điện thoại phù hợp để trải nghiệm.
Cuối cùng là Space Marshals 2. Đây là game hành động bắn súng góc nhìn từ trên xuống khá hay. Đáng tiếc là chỉ ngay trong màn đầu khi vào trận chiến với kẻ thù, trò chơi đã chậm đến mức không thể nào trải nghiệm nổi. Tới đây thì tôi kết thúc cuộc thử nghiệm. Xem ra các game nặng không thể chơi tốt trên Lumia 525 “già nua” này rồi.
Tóm lại, có thể thấy Lumia 525 vẫn “cân” tốt hầu hết các game nhẹ nhẹ từ casual cho tới yêu cầu cấu hình tầm trung, tuy nhiên với các game nặng hoặc có thêm yếu tố online thì dường như quá sức chịu đựng của chiếc điện thoại hơn bốn năm tuổi này. Với tôi thì kết quả này vẫn khá ấn tượng, và hy vọng dự án Android4Lumia sẽ sớm hoàn thiện những gì còn thiếu sót.