God of War là bản tái khởi động nhẹ với hướng tiếp cận nội dung hoàn toàn mới của series game phiêu lưu hành động “chặt chém” nổi tiếng suốt bao thế hệ PlayStation.
Thông tin God of War được reboot ban đầu khiến không ít người chơi và fan của series game đình đám này lo ngại, nhưng xem ra một tựa game lớn mang lại danh tiếng cho PlayStation 4 không thể bị xem nhẹ trước quyết định reboot này. Có thể nói đội ngũ phát triển đã làm rất tốt những gì cần làm, dù trò chơi vẫn không tránh khỏi vài vấn đề thiếu hoàn hảo. Dù vậy, điểm cộng đầu tiên là cho dù bạn đã từng chơi những phần chơi trước trong series game này hay chưa, thì vẫn có thể tiếp cận được với bản reboot này do mọi thứ đều theo hướng nội dung khác biệt so với các phần trước. Thay vì thần thoại Hy Lạp thì nội dung đã được chuyển sang thần thoại Bắc Âu.
Mọi chuyện bắt đầu trong khu rừng, với nhân vật Kratos trong vai một người cha khắc khổ, cặm cụi chặt gỗ lậu với cậu con trai đứng làm cảnh giới. Rồi sau đó hai cha con thả cây trôi sông để trốn kiểm lâm kéo về nhà. Khuôn mặt khắc khổ của Kratos khiến người xem liên tưởng đến việc ông đang phải chịu một nỗi đau nào đó, hoặc đang trăn trở một điều gì đó, thật khó biết. Thế nhưng những chuyện sau đó diễn ra khá bất ngờ khiến tôi cũng cảm thấy ngỡ ngàng, cứ như có gì đó sai sai. Cảm giác ban đầu từ tò mò dần chuyển sang trăm ngàn câu hỏi kiểu như “game gì đây? Kratos nào đây? thế giới gì đây? tôi đang chơi cái quái gì vậy nè?”. Những thắc mắc này sẽ dần dần được hé lộ trong suốt quá trình chơi kéo dài, ngắn nhất là gần một ngày trời trải nghiệm liên tục của bạn.
Đập vào mắt người chơi đầu tiên là những hình ảnh ấn tượng của trò chơi, nhất là khi trải nghiệm trên PlayStation 4 Pro. Môi trường được xây dựng cực kỳ chi tiết, thậm chí bạn có thể thấy những đường vân gỗ trên cánh cửa hay các thanh gỗ của ngôi nhà ở nơi heo hút của cha con Kratos. Không chỉ vậy, sự chuyển động của lá cây xào xạc, râu của Kratos khi gió nổi lên hay môi trường thời tiết như lá rơi rụng đến những cảnh tuyết rơi, đều rất ấn tượng. Ngay cả bộ giáp và vũ khí của Kratos và cậu con trai cũng được đội ngũ phát triển “chạm khắc” khá tỉ mỉ, khiến tôi cực kỳ ấn tượng ngay từ những phút đầu trải nghiệm. Tuy nhiên, trò chơi vẫn khiến tôi hơi thất vọng khi những cảnh núi non xa xa trông khá giả tạo khi chúng không được đổ tuyết lên bao phủ. Chưa kể lớp cơ bắp của Kratos đôi lúc trông cũng thiếu tự nhiên, với những đường lồi lõm có vẻ được đội ngũ thiết kế “quá tay”.
Màn chơi trong God of War được thiết kế như cố tình mang đến cảm giác rộng cho người chơi, nhưng không hề mở. Chính điều này khiến bạn dễ có cảm giác đôi chút gò bó, vì đường đi trong God of War có phần hơi tuyến tính, nếu bạn không mất thời gian đi lượm “bạc cắc” Hacksilver, một loại tiền tệ để nâng cấp và chế tạo trang bị cho nhân vật. Từ trước đến nay, series game God of War chưa bao giờ làm tốt khâu câu đố và điều này cũng không hề ngoại lệ với bản reboot này. Hầu hết những câu đố trong trò chơi đều khá đơn giản, phần lớn xoay quanh việc bạn quan sát và tìm chỗ ném cây rìu Leviathan của Kratos chính xác, từ đó mở niêm phong các hòm rương lấy đồ. Bạn có thể bỏ qua không lấy đồ cũng được, nhưng những thứ bạn lấy được sẽ giúp nhân vật mạnh hơn một chút, “dễ thở” hơn trên chuyến hành trình của hai cha con Kratos.
Điều khiến tôi có hơi thất vọng chính là ở hệ thống chiến đấu được được đội ngũ phát triển cho là mới của phiên bản reboot God of War. Kỳ thực, hệ thống chiến đấu này ngoài yếu tố “bình cũ rượu mới” bằng cách thêm yếu tố trang bị và cây kỹ năng nhiều tầng cho có vẻ phức tạp hơn một chút, thì thật ra không tạo khác biệt nhiều so với bản Ascension trên PS3 trước đây về cảm giác chiến đấu. Nếu có gì khác biệt, thì có lẽ là việc Kratos giờ đây sử dụng vũ khí tầm xa nhiều hơn mà thôi, nhưng lại không loại bỏ hoàn toàn được yếu tố tấn công cận chiến.
Thay đổi rõ rệt nhất là bên cạnh cây rìu Leviathan, nhân vật Kratos còn được hỗ trợ từ cậu con trai Atreus như mở đường đi, bắn tên từ xa hỗ trợ theo lệnh của người chơi hoặc dịch các ngôn ngữ cổ hay gợi ý bạn nên làm gì. Cảm giác của tôi là God of War bản reboot đang có xu hướng muốn phức tạp hóa hệ thống chiến đấu một cách không cần thiết, theo kiểu kiếm thêm việc cho người chơi làm thay vì tập trung vào yếu tố “chặt chém” trước đây. Dù vậy, tôi cảm thấy khá thú vị với mối quan hệ của hai cha con Kratos và Atreus được nhà phát triển lồng ghép khéo léo vào cốt truyện trong trò chơi lẫn gameplay, không tạo cảm giác khiên cưỡng.
Đáng tiếc nhất trong bản reboot God of War nằm ở cảm giác chiến đấu, có vẻ như là một bước lùi của trò chơi so với Ascension. Mặc dù càng về sau, Kratos càng thu thập thêm được nhiều kỹ năng mới và các trang bị này nọ cũng tăng cường sức mạnh hơn, nhưng lối chiến đấu thật sự vẫn không có nhiều thay đổi, vẫn chủ yếu xoay quanh đỡ đòn (parry) và lộn vòng né tránh quen thuộc như trong Ascension. Hầu như các trận chiến của Kratos đều xoay quanh chiến đấu với nhóm kẻ thù cùng một loại, dẫn đến cảm giác chiến đấu mang nhiều tính lặp lại do “bài” của chúng đều giống nhau về cách thức tấn công và hóa giải đòn thế của chúng.
Kỳ thực, việc phải liên tục chiến đấu hết đám này đến đám khác chung một “bài” như thế này khiến tôi cảm thấy tẻ nhạt, thậm chí các hoạt cảnh kết liễu cũng giống y chang nhau nên càng về sau càng nhàm chán. Lẽ ra nên trộn lẫn các loại quái có lối chiến đấu khác nhau để phong phú trải nghiệm chiến đấu hơn như các phiên bản cũ. Một điều đáng chê trách khác là số lượng boss cũng không nhiều so với thời lượng chơi khá dài của trò chơi nhằm thay đổi cảm giác chiến đấu cho người chơi, dẫn đến trải nghiệm thật sự không thỏa mãn. Dù rằng đánh boss cảm giác rất khác nhưng việc phải chiến đấu quá thường xuyên với bọn “cắc ké” chỉ có một bài cũ rích khiến tôi hết sức thất vọng với yếu tố “chặt chém” không có gì mới mẻ của trò chơi.
Sau cuối, ngoài vấn đề nhỏ về đồ họa đề cập ở trên không ảnh hưởng đến trải nghiệm, God of War khiến tôi hoàn toàn ấn tượng với bước chuyển mình về nội dung thật sự rất có chiều sâu và nhiều nút thắt bất ngờ. Đáng tiếc là cảm giác chiến đấu lại là một câu chuyện khác, phần lớn khiến tôi cảm thấy đây là bước lùi của series game này hơn là bước cải tiến trong phiên bản này. Dù vậy, đây vẫn là một tựa game hiếm hoi về “chiến thần” Kratos với cốt truyện rất sâu sắc mà bạn khó có thể bỏ qua, thậm chí kết thúc của game cũng mang đến nhiều bất ngờ cho người chơi hơn bất kỳ phần chơi God of War nào trước đây. Phần trải nghiệm đặc sắc này xin dành cho bạn tự đánh giá lại.
God of War hiện chỉ được phát hành độc quyền trên PlayStation 4. Xem thêm kinh nghiệm chơi game God of War.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!