Dòng game Souls từ khi ra mắt lần đầu đến nay đã trở thành cảm hứng của rất nhiều tựa game khác. Cũng theo hướng đi mang tính trào lưu này, nhà phát triển Deck13 Interactive đã rất thành công với tựa game Lords of the Fallen năm 2014. Năm nay, họ lại tiếp tục đem đến tựa game The Surge với nhiều dấu ấn gameplay riêng hơn.
Cốt truyện ban đầu cho thấy trái đất đã cạn kiệt tài nguyên bởi chiến tranh và hậu quả của biến đổi khí hậu. The Surge mở đầu với nhân vật Warren trong ngày đầu tiên đi làm tại CREO. Đây là tập đoàn ứng dụng công nghệ khoa học tiên tiến để đem lại cuộc sống bình thường cho những người khuyết tật.
Sau công đoạn “kết nối” với hệ thống exoskeleton đầy đau đớn và máu me, một vụ nổ bỗng xảy ra khiến mọi thứ thay đổi 180 độ. Những con người-máy giờ đây bỗng quay sang tìm mọi cách tiêu diệt người chơi. Warren trở thành mục tiêu “thấy là diệt” của toàn bộ “nhân viên” nhà máy rộng lớn của tập đoàn CREO. Nhiệm vụ của bạn là làm sao sống sót để tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra tại đây.
Mang nhiều nét học hỏi từ dòng game Souls, The Surge cũng sử dụng góc nhìn thứ ba. Tuy nhiên, vấn đề đầu tiên khiến tôi khó chịu ngay từ đầu game là góc nhìn camera chạy theo nhân vật khá… nhiệt tình. Bên cạnh đó, có rất nhiều quầng sáng xanh chớp tắt trong màn chơi rất nhức mắt. Chúng kết hợp với nhau khiến tôi mau chóng mặt khi trải nghiệm. Đây là tựa game góc nhìn thứ ba đầu tiên khiến tôi có cảm giác đau đầu khi trải nghiệm trong thời gian dài.
Ban đầu, trò chơi cho phép bạn lựa chọn giữa hai lớp nhân vật, một cầm vũ khí sát thương thấp nhưng nhanh nhẹn linh hoạt và còn lại thì cầm vũ khí vũ khí sát thương cao nhưng ra đòn chậm. Tuy nhiên, lựa chọn này gần như thêm chút màu mè cho có chứ không mang nhiều ý nghĩa.
Về sau The Surge cho phép người chơi rất nhiều khả năng tùy biến và nâng cấp nên lựa chọn ban đầu chỉ tạo chút lợi thế, tùy vào lối chơi của từng người. Còn thực tế, người chơi có thể sử dụng bất kỳ loại vũ khí nào cũng được, xóa nhòa vai trò của lớp nhân vật trong trò chơi. Cá nhân tôi thấy lựa chọn này khá dư thừa.
Tương tự Bonfire trong dòng Souls, The Surge sử dụng Med Bay làm trung tâm cho việc nâng cấp nhân vật. Người chơi sử dụng Tech Scrap nhặt được khi tiêu diệt kẻ thù làm “tiền tệ” cho hầu hết việc nâng cấp và chế đồ.
Thăng cấp nhân vật tương ứng với nâng cấp độ Power Core, cho phép bạn gắn được nhiều kỹ năng và mở cửa đòi hỏi “cấp” cao hơn. Trong khi đó, các kỹ năng còn lại chủ yếu xoay quanh việc nâng thanh Health, Stamina và Power cho nhân vật. Nói chung, yếu tố nhập vai không đặt nặng các thông số cơ bản cho nhân vật. Thay vào đó, khả năng tùy biến cho nhân vật mới là điểm hấp dẫn của The Surge.
Người chơi có thể thu thập rất nhiều bộ phận máy của kẻ thù. Thậm chí, nếu nhặt được vũ khí hoặc giáp mới từ kẻ thù, trò chơi sẽ cung cấp schematic để bạn chế đồ. Cách thiết kế này góp phần khuyến khích người chơi tiêu diệt kẻ thù thật nhiều để kiếm đồ ngon, “cày” Tech Scrap để chế đồ, nâng cấp cho nhân vật mạnh hơn.
Tuy nhiên, không dễ để “cày” Tech Scrap trong The Surge. Kẻ thù trong game chơi rất xấu, tuy chậm chạp nhưng đôi lúc chúng bất ngờ nhảy bổ vào bạn từ xa, nện cho bạn vài phát không kịp né, là dòng chữ đỏ “No Vital Signs” xuất hiện trên màn hình. Thậm chí bọn này còn ma mãnh hơn, thường hay tranh thủ lúc bạn đang mải chiến đấu với đứa khác, lại chơi trò đánh lén bất ngờ từ xa ở góc khuất camera. Tôi thường chết nhiều nhất trong trường hợp này.
Cái chết của nhân vật Warren trong The Surge cũng để lại hậu quả tàn nhẫn không kém. Nếu để thiệt mạng giữa màn chơi, tất cả mọi thứ bạn kiếm được sẽ nằm lại nơi bạn gục ngã. Còn nhân vật sẽ hồi sinh tại Med Bay và có bộ đếm giờ xuất hiện trên màn hình. Nếu không kịp quay lại lấy đồ rơi ra đó trước khi thời gian kết thúc, hoặc xui xẻo hơn lại chết tiếp trước khi kịp quay về vị trí cũ, tất cả đồ “vô chủ” khi đó sẽ biến mất, bạn mất sạch mọi công sức bỏ ra.
Vấn đề ở chỗ, khi bạn hồi sinh, toàn bộ kẻ thù cũng tái sinh lại ngay đúng vị trí cũ đó, sẵn sàng chờ bạn đến để tử chiến lại lần nữa. Và kết quả đôi khi vẫn y như cũ, khiến bạn mất trắng công sức ban đầu, hết sức ức chế. Trò chơi thậm chí còn “mạnh tay” khuyến khích người chơi hạn chế về Med Bay để “cất đồ”, bằng cách tăng tỉ lệ rơi đồ hay Tech Scrap cao hơn khi bạn chơi một lèo và hạn chế quay lại Med Bay lâu nhất có thể.
Trừng phạt người chơi nghiệt ngã như vậy, nhưng hệ thống chiến đấu của trò chơi không được ấn tượng như mong đợi. Lối chiến đấu cận chiến của trò chơi khá chậm chạp, không nhanh nhẹn và thiếu linh hoạt. Ở khía cạnh này nó khiến các trận đánh mất đi tính chiến thuật của dòng game hành động nhập vai.
Ngay cả trận chiến với lũ boss người máy khổng lồ cũng không khác biệt nhiều về chiến thuật. Hầu hết đều có tính lặp lại và thật sự đây là điểm khiến tôi thấy khá tiếc cho trò chơi. Cảm giác giống như nhà phát triển thiếu tiền nên làm không tới vậy. Thế nhưng, điểm đáng khen là phần chiến đấu có cải tiến so với dòng Souls, cho phép bạn nhắm vào những bộ phận trên cơ thể kẻ thù. Đặc biệt, sự khác biệt các phần cơ thể này còn là cách để người chơi nâng cấp cho nhân vật.
Tôi lấy ví dụ thế này. Chẳng hạn bạn thấy kẻ thù cầm trên tay vũ khí ngon và muốn có nó. Bạn có thể tấn công đến thời điểm thanh power đạt mức tối đa, sẽ có dấu hiệu cho phép thực thi đòn kết liễu. Thực hiện hoàn hảo, Warren sẽ chặt phần cánh tay máy của kẻ thù cho bạn mang về chế đồ để sử dụng.
Tương tự, nếu thấy kẻ thù có giáp ngon, việc “xẻ” giáp của chúng sẽ rơi ra schematic dùng để chế bộ giáp đó. Nhìn chung, lối chơi của The Surge luôn khuyến khích người chơi “liều ăn nhiều”, khi đi kèm với sự trừng phạt cho sai lầm của người chơi rất mạnh tay. Chắc chắn với độ khó như thế, trò chơi không phải dành cho những người chơi casual.
Cũng học hỏi dòng game Souls, các màn chơi trong The Surge không khác gì mê cung. Chúng ẩn chứa những lối tắt thông nhau, vô số kẻ thù luôn chực chờ nhảy bổ vào bạn, và càng không thiếu vật phẩm bí ẩn giấu kín đâu đó. Các yếu tố này có lẽ sẽ làm hài lòng những người chơi thích khám phá.
Tuy nhiên, các thứ khác như nhạc, tiếng động, thiết kế boss hay thậm chí là lồng tiếng đều tạo cảm giác không có sự đầu tư đúng mức. Phần tiếng động chẳng hạn, cảm giác như nhà phát triển chỉ phát vài file âm thanh xài xen kẽ cho mọi kẻ thù trong trò chơi vậy. Các yếu tố khác cũng tương tự vậy, khiến tôi không tránh khỏi cảm giác trò chơi không đủ chi phí để đầu tư đúng mức, buộc phải bỏ bớt nhiều khâu để tiết giảm chi phí.
Nếu bỏ qua các yếu tố ảnh hưởng nhiều từ dòng game Souls, thật sự The Surge vẫn có nét riêng để tạo sự mới mẻ. Khả năng tùy biến nhân vật cao là điểm cộng khác để thu hút người chơi, nhưng độ khó cao lại là điểm trừ tương ứng.
Còn ở mặt trải nghiệm, dù bối cảnh có thay đổi, nhưng trò chơi đã thành công trong việc tạo cảm giác quen thuộc với fan của dòng game Souls. Với tôi, đấy cũng là thành công của The Surge khi thoát khỏi cái bóng “clone” của dòng Souls. Trò chơi được phát hành trên PlayStation 4, Xbox One và PC.