Trào lưu 8 bit đang ngày càng phát triển mạnh khoảng một năm gần đây. Capcom cũng không muốn đứng ngoài quy luật đó. Năm ngoái họ đã ra mắt Mega Man Legacy Collection, được người chơi đón nhận rất nồng nhiệt. Thừa thắng xông lên, Disney Afternoon Collection tiếp tục được ra đời.
Thật ra, ban đầu khi nghe những phiên bản tái phát hành game NES 8 bit xưa cũ cho các nền tảng chơi game hiện đại ngày nay, tôi không khỏi tự nhủ “chắc lại là trò kiếm thêm chút tiền lẻ từ người chơi đây”. Nhìn lại, suy nghĩ này không phải không có cơ sở. Bản chất của việc phát hành game dù cũ hay mới, vẫn là thu tiền từ người chơi game, đặc biệt là fan. Và với việc các game cũ hiện nay được remaster liên tục chỉ để nâng độ phân giải, bổ sung chút công nghệ đồ họa hiện đại rồi tái phát hành trên các nền tảng console hiện đại, khiến tôi càng thêm thất vọng.
Nhưng trường hợp của các game 8 bit lại khác. Ngày nay bạn dễ dàng trải nghiệm chúng trên các trình giả lập miễn phí nhan nhản trên mạng. Đáng tiếc, thời đại LCD ngày này đã khiến việc trải nghiệm chúng không còn cảm giác như thời kỳ TV CRT thống lĩnh mọi nhà. Hãy thử hỏi bất kỳ những người chơi nào lớn lên cùng thế hệ game 8 bit, tôi bảo đảm họ đều dễ dàng chỉ ra sự khác biệt rất lớn này. Còn đâu nét quyến rũ hoài cổ với những đường scanline sọc ngang mờ nhòe của TV CRT? Chính điều này mới đích thực là nét đẹp của một game 8 bit mà tôi vẫn còn nhớ. Và màn hình LCD hiện nay không thể mang đến trải nghiệm xưa cũ đáng nhớ đó vì công nghệ pixel quá hoàn hảo so với các TV CRT ngày xưa.
Tuy nhiên, với Disney Afternoon Collection, nhà phát triển Digital Eclipse đã cố gắng tái hiện cảm giác hoài cổ, vốn là nét đẹp của những tựa game 8 bit từ những năm 80, 90. Thực tế, bộ sưu tầm game này cho người chơi trải nghiệm đầy đủ những hạn chế từ thời xưa đó, đi kèm đó là độ khó rất cao nhưng với một số cải tiến dành cho những người chơi casual.
Disney Afternoon Collection có tổng cộng sáu game: DuckTales (1989), DuckTales 2 (1993), TaleSpin (1991), Darkwing Duck (1992), Chip ‘n Dale Rescue Rangers (1990) và Chip ‘n Dale Rescue Rangers 2 (1993). Trừ TaleSpin mang lối chơi na ná Gradius thời xưa, các tựa game còn lại đều mang nhiều dấu ấn gameplay đi cảnh tương tự như Mega Man hay Contra quen thuộc với một chút biến tấu. Đơn cử như Chip ‘n Dale mang nặng lối chơi nhảy nhót leo trèo, kết hợp tiêu diệt hoặc né tránh kẻ thù bằng cách ném đồ vào chúng.
Vấn đề ở đây là các game NES thời xưa đều có độ khó rất cao. Và Disney Afternoon Collection cũng không là ngoại lệ. Nhà phát triển đã xây dựng một nền tảng ảo và trích xuất dữ liệu của các game NES ra, “cắt” chúng thành những thành phần khác nhau để tạo thêm các lớp tính năng mới cho nền tảng hiện đại. Trong số những tính năng đó, tôi thấy đáng chú ý nhất là rewind. Bạn cứ tưởng tượng trải nghiệm game như xem một bộ phim bằng băng VHS thời xưa. Với mỗi sai lầm của người chơi, bạn có thể tua ngược “bộ phim” đó lại, rồi sửa chữa sai lầm. Tính năng này hoạt động tốt cả trong trường hợp nhân vật mất mạng và đã chuyển sang mạng mới, nhưng vẫn có thể “rewind” về mạng cũ, sửa chữa sai lầm và chơi tiếp. Một tính năng khác là save state cho phép bạn save và load game ở bất kỳ đâu. Tính năng này quá quen thuộc trên các trình giả lập nên tôi sẽ không nói thêm về nó nữa.
Bên cạnh những bổ sung giúp “giảm tải” độ khó cao của các game NES thời xưa, nhà phát triển còn thêm chế độ chơi Time Attack và Boss Rush cho những ai thích thử thách leaderboard. Như cái tên của nó, Time Attack là phần chơi tính giờ để khoe “thành tích” trên bảng xếp hạng. Boss Rush cũng tương tự, cũng tính giờ nhưng là trải nghiệm đánh boss từ đầu đến cuối chứ không có đi màn như Time Attack. Tất nhiên cả hai chế độ chơi này đều không hỗ trợ tính năng rewind và save state để bảo đảm tính công bằng. Mặt khác, nó tận dụng danh sách bạn bè của người chơi trên từng nền tảng để tạo tính thách đấu lẫn nhau. Ngoài hai chế độ chơi này ra, Disney Afternoon Collection cũng chỉ bổ sung thêm một số artwork của cả sáu trò chơi.
Song song những tính năng mới được đưa vào, Disney Afternoon Collection còn bổ sung một số filter và cho phép điều chỉnh khung hình trò chơi để tạo cảm giác hoài cổ chân thực hơn. Xét trên chia sẻ của nhà phát triển muốn tái hiện cảm giác hoài cổ chân thật nhất có thể, cá nhân tôi cảm thấy chúng có vẻ không thiết thực lắm. Nó mang nhiều cảm giác chiều lòng “chín người mười ý” của người chơi hơn. Mặt khác, phần hình ảnh và nhạc vẫn giữ nguyên. Thậm chí những phân đoạn chiếu chậm do khả năng xử lý của phần cứng NES thời xưa cũng được tái hiện lại y chang. Ở khía cạnh nào đó nó làm trải nghiệm mang cảm giác không mượt mà khiến tôi không thích lắm.
Nếu chỉ nói riêng khía cạnh trải nghiệm cảm giác hoài cổ, không thể phủ nhận Disney Afternoon Collection đã làm khá tốt. Thậm chí xét về mức giá và tính năng so với Virtual Console trên các nản tủng của Nintendo, rõ ràng bộ sưu tầm Disney Afternoon có sự đầu tư nhiều hơn và mức giá cũng rẻ hơn đáng kể. Tuy nhiên, với hàng loạt “tính năng” chẳng khác nào cheat được xây dựng sẵn, tôi không cảm nhận được rõ ràng cảm giác hoài cổ mà Digital Eclipse muốn hướng đến. Thậm chí, những tính năng cheat này được thiết kế tiện dụng tới nỗi như khuyến khích tôi tận dụng triệt để trong trải nghiệm. Và tôi không thích thế một chút nào.
Disney Afternoon Collection hiện có cho PC (Windows), PlayStation 4 và Xbox One.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!