Full Throttle Remastered tuy vẫn giữ được trọn vẹn lối chơi cốt lõi nhưng gây nên ý kiến trái chiều giữa fan cũ và những người chơi mới.
Trào lưu remaster đang ngày càng được nhiều hãng game tận dụng để đem những tựa game cũ đến với thế hệ người chơi mới. Và điều này tiếp tục được người ta thực hiện với game phiêu lưu giải đố point-and-click kinh điển Full Throttle. Đáng tiếc, những điều chỉnh trong bản remaster của trò chơi đã không đủ sức thuyết phục những fan kỳ cựu của Full Throttle. Đặc biệt, điều này còn đáng thất vọng hơn khi so với bản Grim Fandango Remastered, rõ ràng Full Throttle đã có sự “đại tu” lệch hướng khỏi định hướng ban đầu của trò chơi.
Nếu bạn từng một thời mê mẩn những tựa game point-and-click của LucasArts, chắc hẳn cái tên Full Throttle không hề xa lạ. Đây là dự án do Tim Schafer “cầm đầu”, kiêm nhiệm cả khâu biên kịch và thiết kế. Ông này khá nổi tiếng với hàng loạt tựa game nhấn và trỏ chuột rất thành công vào thập niên 90 như Secret of Monkey Island, Monkey Island 2: LeChuck’s Revenge, Days of the Tentacle hay Grim Fandango. Thú vị là các game này đều được remaster lên các nền tảng hiện đại và Full Throttle cũng không phải ngoại lệ. Thú vị là những ý tưởng bị loại bỏ khỏi quá trình phát triển trò chơi đã được thai nghén thành tựa game đi cảnh Psychonauts.
Full Throttle ra mắt năm 1995 với phong cách đồ họa pixel chất lượng cao. Đây là giai đoạn dòng nhạc metal đang bắt đầu thoái trào sau thời kỳ cực thịnh từ năm 1983 đến 1991. Trong đó, năm 1986 có lẽ là đỉnh cao thời hoàng kim của thể loại nhạc metal. Bản thân Full Throttle mang nhiều cảm hứng metal ở thời đại đó, từ âm nhạc, tông màu đến thiết kế nhân vật cũng khiến người chơi nhận thấy rõ điều này. Đáng tiếc, bản remaster dường như đã bỏ qua yếu tố quan trọng này, thiết kế lại đồ họa mang đậm nét cartoon và màu sắc cũng tươi sáng hơn. Nó làm mất hẳn những gì đã làm nên một Full Throttle huyền thoại kinh điển, triệt tiêu đi nhiều chi tiết tinh tế của trò chơi ban đầu. Tôi có cảm giác đội ngũ phát triển đã không thể “phục dựng” những chất liệu 2D cũ lên độ phân giải cao hơn do một số hạn chế nào đó, và họ quyết định làm lại toàn bộ phần đồ họa mới để che đi dấu ấn cũ.
Từ trước đến nay, hầu hết các game của Tim Schafer nói riêng hay LucasArts (đã bị Disney mua lại) thường nổi tiếng với những câu đố phức tạp và hài hước lạ thường. Tuy nhiên Full Throttle Remastered lại là một ngoại lệ khá thú vị. Trò chơi chủ yếu sử dụng những câu đố với cách giải mang nặng tính thực tiễn, không như một tựa game khác của Tim là Broken Age. Chắc chắn ít nhiều, điều này khiến những fan kỳ cựu dòng game point-and-click của LucasArts với trí tưởng tượng phong phú sẽ cảm thấy khá lúng túng. Câu chuyện của Full Throttle Remastered vẫn giữ nguyên vẹn, đưa người chơi đến với nhân vật Ben vốn là “soái ca” của một băng nhóm chơi xe phân khối lớn. Nhân vật chính vô tình vướng vào một vụ tranh giành quyền lực và bị đổ tội mưu sát mà anh không hề thực hiện. Để bảo vệ danh dự bản thân và nhóm mô tô, anh chàng phải tìm ra hung thủ cùng chứng cứ và vật chứng. Tới đây chắc bạn đã biết nhiệm vụ của người chơi là gì rồi đấy.
Lúc mới phát hành, Full Throttle đã làm tôi thích thú với sự thay đổi trong các câu đố và đến nay cảm giác vẫn nguyên vẹn với phiên bản remaster. Nó tạo sự mới mẻ trong trải nghiệm, nhất là những ai đã quá quen với những câu đố phức tạp trong các game của LucasArts. Mặt khác, những câu đố đời thường thế này giúp loại bỏ lối chơi thử và sai thường thấy theo kiểu “ăn may” khi trải nghiệm thể loại point-and-click. Nhưng được cái này thì mất cái kia, điều này vô tình biến trò chơi mang nhịp chơi nhanh hơn bình thường, không còn kiểu “tà tà” muốn giải đố lúc nào cũng được. Ở khía cạnh trải nghiệm, nó khá hợp lý khi câu chuyện trong game có dính đến mô tô phân khối lớn. Thậm chí, người chơi còn được trải nghiệm một cuộc truy đuổi trên đường phố “khó nhằn” gần cuối game. Tuy vậy, nếu xem xét kỹ thì những phân đoạn này không chiếm phần lớn nội dung.
Ở khía cạnh còn lại, nó cũng khiến trò chơi kết thúc “quá nhanh quá nguy hiểm”, không kịp đọng lại gì trong lòng người chơi. Cốt truyện của trò chơi chỉ ở mức trung bình và không nhiều kịch tính, những câu đố cũng quá ít để bạn phải nhớ nhiều đến nó. Đáng nói hơn, thời lượng chơi của Full Throttle Remastered khá ngắn so với hầu hết các game point-and-click khác, chỉ khoảng năm đến sáu tiếng đồng hồ là tối đa. Nếu nhanh nhạy trong việc giải các câu đố, trò chơi chỉ tốn của bạn từ hai đến ba giờ trải nghiệm, thật sự quá ngắn nhưng đây không phải là lỗi của bản remaster mà do thiết kế ban đầu của game. Một điểm cũng đáng chê trách khác là phần menu chính của Full Throttle Remastered được thiết kế khá lạc lõng với tổng quan của trò chơi, nhất là phần hướng dẫn. Nó có chất lượng “lùi khá xa” so với đồ họa được “cải biên” hoàn toàn mới, khiến tôi cảm thấy rất khó hiểu.
Sau cuối, nếu là fan cũ, rõ ràng Full Throttle Remastered không đáng để bạn phải cân nhắc vì những thay đổi mang đến cảm giác tiêu cực về đồ họa hơn là tích cực như trường hợp của Grim Fandango Remastered. Tuy nhiên, người chơi có thể chuyển qua lại giữa đồ họa và âm nhạc phiên bản gốc và remaster tùy thích là một điểm cộng khổng lồ. Còn nếu bạn là fan ruột của dòng game point-and-click kinh điển và chưa từng trải nghiệm Full Throttle trước đây, bản remaster cũng đáng để cân nhắc mỗi khi có đợt giảm giá từ nhà phát hành hoặc lựa chọn phiên bản di động có giá “dễ chịu” hơn.
Full Throttle Remastered được phát hành trên PC, PlayStation 4, iOS và PlayStation Vita. Hiện chưa có phiên bản dành cho Android.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác