Đánh giá Floor Kids – cao thủ breakdance

Đăng bởi: Ngày: 20/05/2018

Floor Kids mang đến một trải nghiệm âm nhạc vừa lạ lẫm vừa hết sức thú vị dành cho những ai yêu thích breakdance.

Thật ra Floor Kids không phải là một tựa game mới, mà nó đã được phát hành độc quyền trên Switch một thời gian hạn chế và mãi đến gần đây thì phiên bản PC mới được ra mắt. Đây là một tựa game âm nhạc thú vị và hiếm hoi trên thị trường về breakdance, môn nghệ thuật từng một thời là trào lưu phát triển rất mạnh trong giới trẻ và vẫn tiếp tục duy trì đến nay.

Theo một số thông tin do nhà phát triển chia sẻ thì đây là dự án có sự hợp tác giữa họa sĩ JonJon và nhạc sĩ kiêm DJ nổi tiếng Kid Koala người Canada, thành viên của nhóm hip-hop Deltron 3030. Trong đó, JonJon phụ trách phần đồ họa của trò chơi và thú vị nhất chính là chuyển động đầy sôi động của các nhân vật đều được họa sĩ này vẽ tay. Còn phần nhạc thì không ai khác chính Kid Koala là người sáng tác. Và đây là dự án đầy đam mê và nó thật sự đã cho ra quả ngọt với những ai yêu thích môn nghệ thuật hip-hop và breakdance.

Nếu bạn không biết thì breakdace có gốc gác là một môn nghệ thuật đường phố với phong cách sôi động, thuộc dòng nhảy hip-hop của những bạn trẻ người Mỹ gốc Phi và Latin. Nó xuất phát từ khu South Bronx của thành phố New York, thuộc nước Mỹ trong những năm đầu thập kỷ 70 và từng một dạo trở thành xu hướng của giới trẻ Việt. Breakdance thường được nhảy với nhạc funk hay hip-hop, nhưng các trào lưu hiện đại ngày nay thường cho phép lựa chọn nhạc đa dạng hơn.

Floor Kids screenshot

Lối chơi của Floor Kids thật ra khá đơn giản, nhưng vẫn tuân thủ nguyên tắc nhảy chính của breakdance là tổ hợp của các kiểu bước nhảy được trong giới gọi là Toprock, Downrock, Power và Freeze. Đây là bốn kiểu nhảy chính của người chơi, trong đó Toprock và Downrock là hai kiểu cơ bản nhất. Người chơi có thể dễ dàng chuyển đổi giữa hai tư thế nhảy này bằng cách gạt lên hoặc xuống cần analog trái. Mặc dù cũng là những tổ hợp nút nhấn như bao thể loại game âm nhạc khác, nhưng trò chơi thực hiện bài bản hơn.

Với Power và Freeze thì phức tạp hơn một chút và đòi hỏi thao tác nhiều hơn. Bạn có thể triển khai bước nhảy Power bằng cách xoay cần analog trái theo chiều kim đồng hồ hoặc ngược lại. Freeze thì giống như cái tên của nó, được thực hiện bằng việc giữ cố định cần analog trái ở một vị trí trái, phải, lên hoặc xuống. Trong khi đó, dàn nút chính ở mặt phải của gamepad được sử dụng để thay đổi giữa các chuyển động khác nhau. Mỗi nút nhấn sẽ là một tư thế chuyển động tay hoặc chân cụ thể nào đó, khi cùng kết hợp lại tạo nên những chuyển động khá giống với breakdance ngoài đời thật.

Floor Kids screenshot

Toprock cơ bản

Tuy nhiên hấp dẫn và kịch tính nhất là màn Breakdown, một dạng trải nghiệm nhấn nút theo màn hình khá quen thuộc của thể loại game âm nhạc. Người chơi phải nhấn các nút tương ứng xuất hiện trên khung nhạc, nhưng phải khớp thời gian với nhịp nhạc là con trỏ chạy trên màn hình. Mặc dù phân đoạn này khá ngắn và cũng không tới mức quá khó, nhưng nó được nhà phát triển lồng ghép khéo léo vào gameplay khiến trải nghiệm trở nên hấp dẫn hơn, thay vì chỉ xoay quanh giữa bốn bước nhảy cơ bản nói trên.

Đáng tiếc là cơ chế này có một chút vấn đề, chủ yếu là cách trò chơi hiển thị các nút nhấn theo yêu cầu. Thay vì như các game khác là nút nhấn sẽ xuất hiện theo một khung nhạc chạy theo chiều ngang của màn hình, thì Floor Kids lại chia ra từng khung theo chiều dọc. Lối thiết kế “lạc trôi” này khiến tôi thường xuyên bị khựng một chút khi chuyển ánh nhìn từ khung nhạc ở trên xuống khung nhạc ở dưới, dẫn tới việc bấm hụt nốt nhạc một cách rất oan uổng thay vì có thể liên tiếp “chạy ngay đi”. Cách duy nhất để giải quyết vấn đề này là bạn phải “có khi nào rời xa” theo âm nhạc để bấm cho chính xác, nhưng nó lại đòi hỏi người chơi phải có khả năng cảm thụ nhạc tốt, điều mà không phải ai cũng có khả năng.

Floor Kids screenshot

Kỹ thuật Power kinh điển

Nếu như đọc tới đây bạn nghĩ gameplay trong Floor Kids quá đơn giản thì coi chừng “sai lầm vẫn là anh”. Cái khó khi trải nghiệm trò chơi nằm ở yếu tố bạn phải phối ghép các bước nhảy và các chuyển động làm sao cho thật hài hòa, nhịp nhàng để tạo thành một chuỗi combo đẹp mắt, mục tiêu là kiếm được nhiều điểm thưởng. Điểm càng cao thì mới được nhiều sao đánh giá sau mỗi màn chơi, từ đó mới nhanh chóng gián tiếp mở khóa thêm những màn chơi mới cho đến sự kiện Battle of the Year chính là mục tiêu cuối cùng. Nói thì nghe rất dễ, nhưng để giữ được điểm cao bằng những chuỗi bước nhảy nhuần nhuyễn mà không gượng ép hoặc té bẹp mông mới chính là điều khó đối với người chơi.

Thậm chí càng về sau thì nhiều khi việc kiếm được hai sao cũng đã là khó khăn chứ không đơn giản. Trò chơi yêu cầu bạn không những phải hiểu được những ưu và khuyết điểm của nhân vật để thực hiện những bước nhảy hợp lý, mà còn phải phối hợp giữa các điệu nhảy sao cho nhuần nhuyễn. Cuối cùng là phần Breakdown phải biểu diễn hoàn hảo và hạn chế sai sót nhất có thể. Ban đầu, có thể việc mày mò giữa các bước nhảy để cho ra một điệu nhảy hoàn chỉnh không hề dễ dàng, nhưng càng về sau bạn sẽ có nhiều kinh nghiệm phối ghép hơn và chắc chắn không sớm thì muộn sẽ tìm ra được một “vũ điệu hoang dã” phù hợp nhất, giúp nhân vật giành được nhiều điểm nhất.

Floor Kids screenshot

Không phải tự nhiên mà trong suốt thời gian trải nghiệm, bạn sẽ thường nhận được những gợi ý thường xuyên thử kết hợp những xâu chuỗi bước nhảy khác nhau, để sáng tạo điệu nhảy mới từ trò chơi. Vấn đề ở chỗ, cho dù bạn kết hợp như thế nào thì Floor Kids cũng sẽ mất đi yếu tố hấp dẫn về sau, chủ yếu do các chuyển động mà bạn thấy sẽ luôn mang tính lặp lại và không tạo được cảm giác hấp dẫn cho mắt nhìn như ban đầu nữa, gián tiếp làm giảm giá trị chơi lại của Floor Kids.

Về mặt thiết kế, đây có thể xem như là vấn đề của trò chơi vì đã đơn giản hóa gameplay ở mức độ như thế này. Nó giúp Floor Kids có thể trải nghiệm dễ dàng với hầu hết người chơi, nhưng đồng thời cũng làm giảm đi giá trị tiềm ẩn của trò chơi. Tôi nghĩ sẽ hấp dẫn hơn nếu ngoài việc có thể mở khóa nhân vật ra, thì người chơi còn có thể mở khóa thêm được những kỹ năng hoặc các chuỗi combo mà muốn sử dụng bạn phải nhấn theo một tổ hợp phím nào đó, giống như sử dụng tuyệt chiêu trong những game song đấu vậy. Đáng tiếc là điều này đã không xảy ra.

Floor Kids screenshot

Màn breakdown “thần thánh”

Sau cuối, Floor Kids là một tựa game khá hấp dẫn về âm nhạc và môn nghệ thuật breakdance tràn đầy sức sống. Mặc dù trò chơi vẫn có những hạn chế nhất định, nhưng không thể phủ nhận đây là một tựa game mang lại cảm giác trải nghiệm khá mới mẻ, nếu so với những tựa game về âm nhạc khác trên thị trường. Chỉ có một điều hơi đáng tiếc là phần nhạc tuy không thiếu “chất” và cũng rất sôi động, nhưng nhiều lúc mang cảm giác nghe bài nào cũng cứ na ná nhau chứ không có sự đa dạng như mong đợi. Nếu bạn yêu thích breakdance và hip-hop, thì đây là một tựa game đáng để mắt tới, nhưng lưu ý là trò chơi đòi hỏi bạn phải có gamepad để trải nghiệm chứ không hỗ trợ chơi bằng chuột và bàn phím trên Windows.

Floor Kids hiện chỉ có trên Windows và Switch.

Floor Kids
Floor Kids
Developer: MERJ Media
Price: $ 19.9

Bài viết sử dụng game do MERJ Media hỗ trợ.