Doom phiên bản mới vẫn tuyệt vời như ngày nào, nhưng phần mở đầu của trò chơi khiến bạn dễ “bé cái lầm”.
Với những bạn nào không có một lịch sử “tuổi thơ game dữ dội”, thì Doom là một sê-ri khá dài hơi của id Software. Phiên bản đầu tiên được phát hành từ năm 1993, tính đến nay đã hơn 20 năm trôi qua. Doom 3 là tựa game “gần nhất” của sê-ri cũng được phát hành vào năm 2004, tính ra cũng hơn chục năm về trước. Kể từ khi ra mắt đến nay, sê-ri Doom luôn tạo rất nhiều hứng thú cho người chơi. Do đã có kinh nghiệm phát triển nhiều tựa game FPS, id Software rất biết người chơi cần gì, muốn gì và xây dựng một trò chơi tương xứng với mong đợi đó. Doom phiên bản 2016 hay có thể tạm gọi là Doom 4 cũng không là ngoại lệ, vẫn có rất nhiều “trò ăn chơi” cũ lẫn mới. Tựu chung, chúng đủ để tạo cảm hứng cho bạn trải nghiệm hết trò chơi một cách thỏa mãn sau ngần ấy thời gian chờ đợi. Nhưng Doom 4 không hẳn là cách gọi chính xác vì đây là phiên bản reboot của cả sê-ri này. Vì vậy trò chơi mới có tựa ngắn gọn là Doom.
Khởi điểm, nhiệm vụ ban đầu của trò chơi đem đến ngay những cảm giác rất quen thuộc từ hai phiên bản Doom và Doom 2. Cảm giác nhân vật di chuyển nhanh nhẹn từ điểm này sang điểm khác để qua màn rất quen thuộc. Những khẩu súng mà bạn nhặt được ban đầu cũng vậy, vẫn mang cảm giác bắn khá tốt trong trò chơi như “ngày xưa”. Ngay cả bầy quái trong những màn chơi ban đầu cũng thế khi chúng “ném” những viên plasma khiến nhân vật mất máu, cảm giác vừa lạ lại vừa quen. Trải nghiệm thật tuyệt. Thế nhưng đó chỉ là màn dạo đầu, tất cả những gì khiến bạn cảm phấn khích đó cũng chỉ mới là “phần hướng dẫn” để người chơi làm quen với lối chơi của trò chơi. Sau khi hoàn thành ngay màn chơi đầu tiên, bạn sẽ tiếp cận môi trường mới. Bản đồ màn chơi sẽ bung ra rất nhiều hướng, mang đến trải nghiệm khám phá rộng khắp.
Nói Doom là tựa game phiêu lưu hành động kinh dị có lẽ cũng không sai. Vì bên cạnh bắn súng và chất phiêu lưu khám phá, lũ quái vật trong trò chơi khá dị hình dị dạng. Điều này không có gì khó hiểu khi đối tượng mà người chơi phải đối mặt đích thực là lũ quỹ đến từ địa ngục. Và đó cũng là câu chuyện trong Doom. Bạn đang ở trên sao Hỏa. Nơi này đang có một lũ quỹ dữ đến từ địa ngục đang chờ đón. Nhiệm vụ của người chơi là diệt hết lũ quỹ và tiếp cận vị trí qua màn.
Nếu nhìn tổng thể, lối chơi của Doom có thể mang nặng tính lặp lại. Nhưng bạn chẳng bao giờ kịp nhận thấy điều đó với tiết tấu rất nhanh của trò chơi. Nó trái ngược với các game bắn súng khác trên thị trường, buộc người chơi phải luôn tìm chỗ núp rồi “nhô đầu” lên bắn, khá “lề mề”. So với Doom 3 mang nặng kiểu chơi sinh tồn thì bản Doom reboot này gần giống với trải nghiệm từ Doom và Doom 2 cũ hơn. Nó xoay vòng theo kiểu người chơi tìm đường trên những hành lang, xong bạn sẽ tiếp cận một “khu đấu trường” để diệt quái số lượng lớn, sau đó lại tiếp tục tìm đường trên những hành lang và lại vào đấu trường. Người chơi diệt quỷ khi không còn sót lại đứa nào và bạn có thể lựa chọn rất nhiều loại súng.
Súng là một trong những điểm hấp dẫn khi trải nghiệm lối chơi FPS của Doom. Bạn có pistol, shotgun, heavy assault rifle, rocket launcher. Nhưng không chỉ vậy, còn có khẩu shotgun “hàng khủng” hơn và không thể không kể đến khẩu BFG danh tiếng cùng nhiều loại súng “hạng nặng” khác. Nếu thắc mắc BFG là loại súng gì thì tôi khuyến cáo bạn nên tìm xem lại phim Doom chuyển thể của năm 2005. Mức độ cân bằng của các loại súng cũng khá tốt, luôn khiến người chơi phải để dành đạn cho các loại quái “hạng nặng” hơn là bắn lung tung. Dù vậy, thường thì bạn chẳng bao giờ để ý đến điều này khi hòa mình trong tiết tấu của trò chơi, và đôi lúc nó có thể gây rắc rối về sau.
Nhưng súng chỉ là một trong những màn hấp dẫn của trò chơi, thứ hấp dẫn hơn là hệ thống Glory Kill. Mỗi khi bắn lũ quỷ vừa đủ khiến chúng chớp màu, người chơi có thể tiếp cận và tung những đòn cận chiến để kết liễu chúng, khiến lũ quỷ nổ tung như quả banh đầy hơi bị vỡ. Nó giúp tăng máu cho nhân vật, như một cách để thưởng cho đòn kết liễu bạo tàn mà người chơi thực hiện. Ngay cả chainsaw cũng vậy, không được xem là vũ khí cận chiến nữa mà trong Doom chỉ còn là một công cụ. Nó có thể giúp người chơi tiêu diệt được bất kỳ quái vật nào miễn là đủ nhiên liệu cho chiếc máy. Vận dụng chainsaw đúng lúc có thể giúp bạn kiếm được rất nhiều đạn, thứ mà đôi lúc có thể không đủ để sử dụng trong màn chơi.
Hệ thống kẻ thù trong Doom cũng có nhiều điểm mới. Một trong những điểm thú vị nhất là lũ quỷ Baron of Hell. Chúng vừa “trâu bò” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, và to cao nếu không muốn nói là khổng lồ. Các Baron of Hell có thể trở thành nỗi ám ảnh của những người chơi. Chúng không chỉ nhanh, mạnh mà còn rất nhiều vũ khí hủy diệt có thể khiến bạn tan xác chỉ trong vài nốt nhạc. Cảm giác mỗi khi diệt được những con quỷ khổng lồ này rất phấn khích. Nó đòi hỏi không chỉ phản xạ nhanh nhạy, mà còn ở trình độ quan sát của người chơi. Biết “bài” của lũ Baron nhưng không đủ khả năng phản ứng né đòn cũng có thể khiến nhân vật xuống địa ngục sớm. Những trận chiến này không để bạn có lấy một giây để kịp suy nghĩ, trừ khi bạn muốn nghỉ game sớm!
Gameplay hấp dẫn như vậy, nhưng đáng tiếc trò chơi có vẻ đuối sức sau khoảng 2/3 thời lượng. Ở thời điểm này, Doom hầu như không còn những “trò mới” để gây ngạc nhiên cho người chơi nữa. Mọi thứ bạn thấy đều quen thuộc, từ kẻ thù cho tới môi trường màn chơi. Nếu trước đó các màn chơi rộng lớn và rẽ nhiều nhánh, thì về sau nó càng mang nặng lối đi tuyến tính và ít bí mật hơn. Có cảm giác nhà phát triển hy sinh nhịp độ của trò chơi để đào sâu hơn vào các đấu trường khổng lồ và gia tăng các đợt tấn công của kẻ thù. Nhưng ở mặt khác, tôi có suy nghĩ rằng họ đã hết ý tưởng mới nên quyết định chọn hướng đi này. Tuy nhiên, quyết định như thế có lẽ đã khiến nhiều người chơi cảm thấy không còn cảm giác thỏa mãn như ban đầu, như cảm nhận của tôi.
Nhưng với tôi, ấn tượng nhất vẫn là đồ họa của trò chơi. Doom sử dụng id Tech, vốn là game engine “cây nhà lá vườn” của id Software. Và nó khá ấn tượng đủ để bạn thấy choáng ngợp nên tôi sẽ không nói nhiều về nó, nhường cho các bạn trải nghiệm. Trên thị trường game hiện nay, Unreal được nhiều nhà phát triển sử dụng nhất, vị trí kế đó thuộc về Unity, nên việc id Tech mang đến đồ họa đáng kính ngạc giống như thổi một luồng gió mới vậy. Đáng tiếc là hiện chỉ có game của id Software mới sử dụng engine này.
Sau cuối, thật sự Doom 2016 không có nhiều sáng tạo như phiên bản Doom đầu tiên hay Doom 3. Tuy nhiên trải nghiệm mà nó mang đến chắc chắn vẫn đủ để thỏa mãn nhiều người chơi yêu thích thể loại FPS. Tất nhiên nếu bạn muốn tìm tựa game bắn súng có cốt truyện hay thì Doom đã không phải là lựa chọn ban đầu. Còn nếu thích tựa game hành động bắn súng không phải nghĩ ngợi nhiều, hãy chơi Doom để tung hoành trên sao Hỏa và tiêu diệt lũ quỷ. Chúng rất đông và hung hãn đấy, nhất là lũ “đầu trâu mặt ngựa” Baron of Hell. Hãy cẩn thận!
Doom hiện có cho PC (Windows), PlayStation 4 và Xbox One.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!