Broken Age chiếm được cảm tình người chơi nhờ đồ họa dễ thương, nội dung thú vị nhưng vẫn mắc phải khuyết điểm lớn.
Khởi điểm là một tựa game “xin vốn” từ cộng đồng Kickstarter, nhưng Broken Age nhanh chóng trở thành hiện tượng. Chiến dịch góp vốn ban đầu chỉ tìm khoản kinh phí 400,000USD nhưng bất ngờ thu được hơn ba triệu USD. Kiếm được nhiều tiền khiến dự án trở nên tham vọng và đồ sộ hơn. Nhưng liệu nhiêu đó có đủ để khiến Broken Age trở thành một “bom tấn” của thể loại phiêu lưu giải đố point-and-click kinh điển? Đáng tiếc là không!
Nếu là fan của dòng game point-and-click, có lẽ bạn không thể không biết đến tượng đài Monkey Island hay Sam & Max nổi tiếng. Điểm chung của những tượng đài này là sử dụng cùng một công thức thu hút người chơi bởi lời thoại thú vị và những màn giải đố hấp dẫn. Thật sự, Broken Age không làm hỏng công thức “kiếm tiền” này nhưng cải tiến nó bằng lối đồ họa dễ thương và phần kịch bản khá “chất”.
Cốt truyện Broken Age dẫn dắt người chơi khá tốt. Mặc dù trò chơi có những chỗ này chỗ kia khá phi lý, nhưng nó đủ khơi gợi sự tò mò, khiến bạn muốn tìm hiểu đến phút cuối. Những thắc mắc đầy bí ẩn ban đầu đều được lý giải và kết nối với nhau, mang đến những lời giải thích khá thỏa mãn. Kỳ thực, nội dung game được làm khá tốt để giữ chân người chơi đến phút cuối. Chưa kể về sau, trò chơi có những hướng xoay chuyển nhân vật, giữ được trải nghiệm của người chơi không bị “tụt mood”, thật sự rất đáng khen.
Broken Age đưa người chơi nhập vai hai nhân vật Shay và Vella. Điểm thú vị là bạn có thể chuyển đổi giữa hai nhân vật này bất cứ lúc nào. Đó là anh chàng phi hành gia thám hiểm không gian Shay đang rất nhàm chán vì phải làm những công việc giống hệt nhau mỗi ngày. Và nhân vật còn lại là cô gái trẻ Vella với “niềm vinh dự” được cúng tế cho một con quái vật khổng lồ. Mỗi nhân vật đều có những rắc rối riêng và câu chuyện riêng của họ. Thật sự nội dung không có gì đáng chê trách, quá tốt cho một game phiêu lưu giải đố.
Vấn đề nằm ở những câu đố của trò chơi, thứ lẽ ra phải hấp dẫn nhất trong lối chơi point-and-click. Đáng tiếc, Broken Age không làm tốt điểm này. Bạn sẽ thường gặp những câu đố khá khó chịu, khiến bạn thường xuyên lắc đầu “bó tay”. Tệ hơn, một số câu đố lại bị lạm dụng, như thể nhà phát triển đã xài hết ý tưởng có thể nên đành “chơi trò ma giáo” để kéo dài thời lượng. Những câu đố khó ưa này buộc bạn phải thực hiện nhiều lần đến phát nản. Chẳng hạn, có một câu đố bắt bạn phải giải quyết bằng giải pháp thử và sai đến khi đúng, không chỉ mất thời gian và còn chẳng ra làm sao. Tôi khá dị ứng với những câu đố như thế trong game phiêu lưu giải đố vì nó chỉ bắt bạn tốn thời gian vô ích chứ không mang lại cảm giác trải nghiệm đáng tự hào hay thú vị nào. Thế nhưng khi tìm được lời giải đúng, bạn lại phải thuộc nằm lòng nó để sau này còn tái sử dụng. Có quá đáng không khi tôi khuyên bạn nên chuẩn bị sẵn giấy và bút để ghi chép lại lời giải cho các câu đố ở Act sau của trò chơi?
Vấn đề ở chỗ, Broken Age không có hệ thống gợi ý để hỗ trợ người chơi. Giải pháp khả dĩ nhất khi bí đường, là lên mạng nhờ Bing hay Google tìm hướng dẫn để giải quyết câu đố. Còn nếu bạn có sự kiên nhẫn thượng thừa, thì ráng căng não ra mà tìm giải pháp thôi. Và không quá lời khi cả hai giải pháp trên chẳng có phương pháp nào khiến tôi cảm thấy thỏa mãn cả. Tôi không nghĩ người ta thiết kế một game giải đố và tin rằng người chơi sẽ cố động não để các giải quyết tất cả các câu đố của trò chơi mà không cần dùng đến hướng dẫn. Chắc chắn có những người chơi “hardcore” như thế, nhưng số đó không nhiều và không đại diện cho toàn bộ người chơi. Chưa kể, khó khăn gì mà không làm hệ thống gợi ý để tất cả mọi người chơi đều cảm thấy vui vẻ khi trải nghiệm?
Kỳ thực, đây là lối thiết kế của các game phiêu lưu từ thuở sơ khai, đến thời đại này không hiểu sao vẫn được “ưu ái” sử dụng. Một trong những tựa game phiêu lưu giải đố gần đây tôi chơi là bản remaster của Grim Fandango cũng mắc phải vấn đề tương tự. Nhưng đó là một câu chuyện khác vì Grim Fandango là một game cũ gần hai chục năm trước, từ những năm cuối thập niên 90, nên điều đó có thể chấp nhận được. Còn với Broken Age thì là sự thất vọng, nhất là khi đây là tựa game hiện đại của thế kỷ 21. Phải chăng nhà thiết kế Tim Schafer quá bảo thủ với phong cách thiết kế game cũ kỹ của ông hay vì lý do nào khác nữa? Bản thân khi giới thiệu dự án trên Kickstarter, ông Tim từng chia sẻ Broken Age là “tựa game phiêu lưu point-and-click kinh điển”, và quả thật nó thật sự “kinh điển” với lối thiết kế gameplay rất cũ đó.
Sau cuối, nếu bạn từng một thời yêu thích những tựa game giải đố của LucasArts, thì Broken Age cũng xứng đáng có một cơ hội trải nghiệm. Phần thoại và biên kịch của trò chơi được làm khá tốt, giống như những gì tôi từng nhớ về một thời huy hoàng của thể loại point-and-click. Chưa kể, phong cách đồ họa đáng yêu của trò chơi đã tạo một “nước gỗ mới”, đủ để bạn thấy thú vị. Cảm giác giống như lần đầu tiên thấy đồ họa của The Curse of Monkey Island hay Escape from Monkey Island vậy. Chỉ đáng tiếc câu đố lại là phần hạn chế dễ gây bực bội nhất, đặc biệt là đoạn từ gần cuối trò chơi.
Broken Age được phát hành trên Windows, OS X, Linux, PlayStation 4, Xbox One, Ouya, iOS, Android và PlayStation Vita.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác