Bloodstained: Curse of the Moon mang đến một trải nghiệm hoài cổ tuyệt vời và ấn tượng với dung lượng game “siêu nhỏ” đến bất ngờ.
Bloodstained: Curse of the Moon tuy chỉ là một dự án nhỏ như phần quà dành cho những người ủng hộ chiến dịch góp vốn cộng đồng Kickstarter của game Bloodstained: Ritual of the Night, nhưng trải nghiệm mà nó mang lại xứng đáng là kẻ kế thừa của series game hành động đi cảnh Castlevania 8 bit kinh điển. Đặc biệt hơn khi nó được xây dựng bởi ông Igarashi Koji, người được mệnh danh là cha đẻ của series game Castlevania huyền thoại khi ông còn làm ở Konami.
Đồ họa của trò chơi gợi nhắc rất nhiều đến trải nghiệm những tựa game Castlevania kinh điển thời NES, nhưng với chất lượng cao hơn nhiều. Thậm chí có hiện tượng xé màn hình thỉnh thoảng hay xuất hiện trong trò chơi, tạo cảm giác như bạn đang chơi một tựa game NES vậy. Không hiểu đây là do Bloodstained: Curse of the Moon không hỗ trợ V-Sync hay chỉ đơn thuần là thiết kế đầy chủ ý của nhà phát triển. Phần nhạc cũng không là ngoại lệ, sử dụng những bài nhạc từ tựa game Bloodstained: Ritual of the Night nhưng được chuyển thể thành những giai điệu mô phỏng như thời NES còn hạn chế phần cứng là một điểm cộng dành cho trò chơi.

Yếu tố gameplay của Bloodstained: Curse of the Moon được vay mượn từ tựa game NES kinh điển Castlevania III, nhưng nhiều cải tiến tốt hơn. Trò chơi cho phép bạn chuyển đổi qua lại giữa bốn nhân vật khác nhau, mỗi nhân vật lại có kỹ năng đặc trưng và phong cách chiến đấu khác nhau. Đáng chú ý là các nhân vật này cũng mang nhiều gợi nhớ đến những gương mặt quen thuộc trong game Castlevnia III. Chẳng hạn như ma cà rồng Gebel khiến người chơi dễ liên tưởng đến Alucard, hay pháp sư Alfred hao hao như Sypha. Thậm chí ngay phân đoạn mở đầu của trò chơi, bạn cũng sẽ nhận ra điểm khá giống nhau giữa Castlevania III và tựa game này, nếu không biết cả hai đều có chung cha đẻ thì người chơi rất dễ tưởng lầm Bloodstained: Curse of the Moon ăn cắp chất liệu hình ảnh trong Castlevania III.
Không chỉ vậy, Bloodstained: Curse of the Moon còn có một tính năng như cái tên của trò chơi, cho phép bạn có thể điều chỉnh lại những lựa chọn đường đi trong màn chơi của người chơi trước đó, xóa toàn bộ dấu vết màn chơi và những gì đã đạt được trước đó. Đây là một tính năng thú vị dành cho những ai muốn tìm kiếm và thu thập những vật phẩm ẩn giấu trong mỗi màn chơi mà trước đó bạn đã bỏ lỡ. Những vật phẩm này sẽ giúp bạn tăng chỉ số cho nhân vật của mình, mang lại lợi thế hơn cho người chơi. Chưa kể nó giúp tăng thêm điểm giúp bạn kiếm được thêm nhiều mạng hơn cho những độ khó cao hơn ở những lần trải nghiệm sau. Đây cách thiết kế rất hay, giúp trò chơi có giá trị chơi lại cao, đặc biệt sau khi bạn hoàn tất trò chơi và có nhiều kết thúc khác nhau.

Nhìn chung, Bloodstained: Curse of the Moon kế thừa và xây dựng mọi thứ tốt hơn nhiều so với người tiền nhiệm của nó, khắc phục hầu hết các vấn đề hạn chế của Castlevania III trước đây. Chẳng hạn nếu trước đây bạn luôn cảm thấy bực bội với tốc độ di chuyển như sên bò của nhân vật chính, thì giờ đây nhân vật đi nhanh hơn nhiều và không còn gây bực bội cho người chơi nữa. Nhiều ý tưởng gameplay cũ cũng được mở rộng hơn trong việc thiết kế nhân vật, kỹ năng và màn chơi. Chưa kể, Bloodstained: Curse of the Moon còn bổ sung hệ thống độ khó mới và cất giấu những bí mật cùng thử thách mới trong đó, hứa hẹn sẽ làm hài lòng cả người chơi cũ lẫn những fan kỳ cựu của series game kinh điển này.
Thú vị là thay vì sử dụng kiểu tăng độ khó bằng việc tăng máu của kẻ thù, Bloodstained: Curse of the Moon lại vận dụng cách thay đổi cơ cấu gameplay. Độ khó được phân biệt bằng số lượng mạng hạn chế cho cả nhóm bốn nhân vật của người chơi, đồng thời thêm yếu tố nhân vật bị giật ngược quen thuộc từ thời NES mỗi khi bạn trúng đòn của kẻ thù. Cách thiết kế màn chơi cũng thay đổi, tuy vẫn tuyến tính nhưng mở rộng thêm nhiều hướng đi khác nhau và đều dẫn tới boss ở cuối màn, cho phép bạn có thể tận dụng được lợi thế của các nhân vật hiện có. Cách làm này khá hay vì có những lối đi sẽ dễ dàng hơn khi bạn sử dụng một nhân vật nào đó.

Tuy nhiên, nếu người chơi để chết nhân vật giúp mang đến lợi thế đường đi ngắn hơn, bạn sẽ chịu hình phạt phải đi những con đường khó khăn nhiều chông gai hơn. Các checkpoint mỗi khi bạn làm mất mạng một nhân vật hoặc tất cả các nhân vật cũng rất hợp lý, không gây bực bội cho người chơi. Chính lối thiết kế này giúp người chơi không dễ nản mỗi khi để chết một hoặc tất cả các nhân vật, nhưng vẫn mang tính trừng phạt ở mức độ cơ bản bằng cách trao cho bạn thêm cơ hội thứ hai hay thậm chí là thứ tư, nhưng thử thách hơn. Nói một cách khác, dù có độ khó không hề thấp nhưng Bloodstained: Curse of the Moon thiết kế rất cân đối, trải nghiệm luôn tạo cảm giác khó nhưng công bằng chứ không hề bất công như sai lầm của nhiều tựa game khác.
Boss cũng là một yếu tố khiến tôi phải khen ngợi nhà phát triển, vì cách mà chúng hành xử hơi khác so với những tựa game NES thời xa xưa mà tôi vẫn nhớ. Thay vì chỉ “diễn tuồng” theo một kịch bản cố định kiểu như sau khi xuất chiêu A thì xuất đến chiêu B và tiếp tục đến chiêu C rồi cứ thế xoay tua, boss trong Bloodstained: Curse of the Moon xuất chiêu nào cũng theo ngữ cảnh nhất định và khá sáng tạo trong chuỗi tấn công, nên thường tạo cảm giác bất ngờ khi lần đầu bạn chiến đấu với chúng. Đặc biệt là càng về sau thì boss càng yêu cầu “hợp đồng tác chiến” giữa các nhân vật trong từng phân đoạn chiến đấu hơn, khiến việc để mất một nhân vật sẽ khiến trải nghiệm trở nên khó khăn hơn.

Sau cuối, Bloodstained: Curse of the Moon thật sự là một tuyệt tác game kế thừa và phát huy những gì đã làm nên thành công của series Castlevania kinh điển, từ gameplay, điều khiển, thiết kế màn chơi, đồ họa, âm nhạc và cả những trận đánh boss thú vị đều xứng đáng được khen ngợi. Tuy nhiên, nếu không thích cảm giác phải chơi đi chơi lại một trò chơi nhiều lần thì đây có thể không phải là tựa game dành cho bạn.
Bloodstained: Curse of the Moon có trên Windows, PlayStation 4, Xbox One, Nintendo Switch, Nintendo 3DS và PlayStation Vita.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác