Animal Crossing: Pocket Camp đã làm khá tốt vai trò của nó được Nintendo giao phó là nhằm thu hút người chơi đến với hệ sinh thái của hãng.
Series game Animal Crossing vốn đã có một lịch sử khá lâu đời của thể loại mô phỏng xã hội, nhưng chỉ hiện diện trên hệ sinh thái của Nintendo. Chỉ đến năm ngoái thì nó mới lần đầu tiên được ra mắt bên ngoài hệ sinh thái này, cùng với nhiều series game nổi tiếng khác của Nintendo bắt đầu đổ bộ lên nền tảng di động. Đáng tiếc là Animal Crossing: Pocket Camp, phiên bản đầu tiên trên di động và cũng là mới nhất trong series này lại cắt gọt khá nhiều yếu tố gameplay từng mang đến cảm giác “chơi mãi không biết chán” từ những người em của nó.
Nói như vậy không có nghĩa Pocket Camp đáng thất vọng, ngược lại là khác khi trò chơi vẫn mang đến một trải nghiệm Animal Crossing khá tương đối ở mức cơ bản, vẫn có những “người dân” trong một khu làng mà giờ đây thu nhỏ thành một khu cắm trại, cũng có nhiều thứ cần quản lý và tất nhiên cũng không thiếu những nhiệm vụ phải hoàn thành. Trò chơi khởi đầu bằng việc thiết kế diện mạo cho nhân vật của người chơi, không có một cốt truyện cụ thể và bạn chỉ được biết mình phải quản lý một khu cắm trại qua lời giới thiệu của NPC Isabelle khá quen thuộc từ những tựa game cũ trong series này.
Hoan hô tình bạn
Ngay từ đầu trò chơi, Animal Crossing: Pocket Camp đã làm khá tốt việc hưởng dẫn những điểm cơ bản trong gameplay, từ cách thức di chuyển hay tương tác cho đến câu cá và bắt bướm. Nhiệm vụ của người chơi là quản lý khu cắm trại, kết bạn thật nhiều và xây dựng một mức độ bạn bè thân tình thông qua các nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu của họ. Bạn chỉ đơn giản là đi vòng quanh các địa danh trong trò chơi để thu thập về những thứ được yêu cầu, sau đó nhận lại phần thưởng là các nguyên vật liệu để chế tạo đồ, Bell (một loại tiền tệ trong trò chơi) và điểm kinh nghiệm để thăng cấp cho nhân vật.
Yếu tố cấp độ cho nhân vật không mang nhiều ý nghĩa lắm ngoài việc mở khóa thêm nhiều vật phẩm trong trò chơi, mà với tần suất làm nhiệm vụ thông thường bạn hầu như không bao giờ có thể chế tạo được hết trước khi thăng cấp. Ở khía cạnh ngược lại, nguyên vật liệu và Bell lại đóng vai trò không nhỏ trong việc chế tạo độ. Vấn đề ở chỗ, mỗi NPC mà bạn kết bạn có tính cách riêng cũng như sở thích khác nhau, và bạn phải có những món đồ họ thích mới có thể mời họ đến chơi tại khu cắm trại của bạn. Đây cũng gần như những bước khởi đầu để xây dựng một mức độ tình bạn với các NPC.
Bên cạnh những người bạn NPC là thú, người chơi cũng có thể làm quen với những người chơi khác. Bạn cũng có thể ghé thăm khu cắm trại của họ, kết bạn với họ, dành cho họ “những lời có cánh” (kudo) và ngược lại. Tuy nhiên nếu xét về tính tương tác thì yếu tố này không mạnh trong trò chơi bằng các NPC thú. Chưa kể, số lượng người chơi Animal Crossing: Pocket Camp theo tôi nhận thấy cũng không nhiều khi quanh quẩn chỉ có vài gương mặt quen thuộc trong suốt một tuần trải nghiệm.
Nặng tính lặp lại
Cơ chế gameplay trong Pocket Camp nhìn chung vẫn là khá đơn giản so với những tựa game Animal Crossing khác trong series này, thậm chí có thể gây nhàm chán với một số người chơi. Trò chơi được thiết kế để mang đến trải nghiệm nhanh trong thời gian ngắn hơn là kéo dài. Phần lớn nhiệm vụ của người chơi chỉ là bắt côn trùng hoặc bước, bắt mực hoặc cá rồi cuối cùng là hái trái cây và chế tác vật phẩm để đáp ứng nhu cầu của những NPC thú khác. Điều khiến tôi cảm thấy đáng khen ngợi chính là trò chơi không quá đặt nặng vấn đề IAP hay đưa ra những lời chào mời bạn một cách thái quá như những tựa game khác sử dụng cùng mô hình kinh doanh này.
Thay vào đó, nếu chịu khó bỏ chút thời gian mỗi lần khoảng 5 đến 10 phút để thực hiện các yêu cầu của NPC thú và các thử thách hàng ngày, bạn gần như không thiếu thốn tiền Bell. Ngay cả tiền ảo Leaf Ticket cũng được trò chơi thưởng khá tương đối, đủ để bạn sắm được đầy đủ những slot thêm dùng để chế tác đồ, do vậy cũng gần như không cần phải bỏ tiền thật ra để mua, trừ khi bạn muốn tăng tốc độ chế tác đồ hoặc mua những món vật phẩm “độc lạ” chỉ có thể mua bằng tiền tươi. Thậm chí tôi còn ấn tượng hơn khi ngay cả hệ thống loot box cũng được thể hiện rõ ràng tỉ lệ phần trăm mà các vật phẩm có thể rơi ra, điều mà nhiều game hiện nay trên thị trường luôn cố giấu người chơi để tận thu tối đa.
Dễ chơi, dễ quên
Dù vậy, vấn đề của Animal Crossing: Pocket Camp nằm ở yếu tố gameplay mang nặng tính lặp lại. Đây là tựa game chỉ phù hợp để trải nghiệm nhanh trong từng khoảng thời gian ngắn, theo kiểu bạn chơi tà tà từ ngày nay sang ngày khác với mỗi ngày khoảng từ một đến hai tiếng. Còn nếu chơi liên tục hàng giờ liền thì bạn sẽ rất mau chán do chỉ có vài cơ chế gameplay lặp đi lặp lại. Hầu hết thời gian của người chơi là đi thu thập các vật phẩm mà các NPC yêu cầu, mục đích là để tăng mức độ bạn bè lên cao và cấp độ của nhân vật lên, không những nhận thưởng tiền Bell và nguyên liệu mà từ đó sẽ mở khóa ra thêm nhiều điều bạn có thể làm với các NPC đó hoặc thêm tính năng mới cho trải nghiệm.
Chẳng hạn khi “thả tim” lên đến mức độ 4 thì bạn có thể thay đổi trang phục cho NPC, đẩy mức độ “thả tim” lên cao hơn hoặc mở khu vườn trồng hoa, lai tạo hoa cho người chơi kiếm thêm việc để làm. Tuy nhiên, trải nghiệm chủ yếu vẫn là đáp ứng yêu cầu của NPC bằng việc thu thập vật phẩm và chế tác đồ mà thôi. Và đây cũng là điểm kém thu hút của trò chơi khi bạn bắt đầu lên cấp càng cao, thì nhân vật càng lâu thăng cấp và “thả tim” cũng lên rất chậm, nhưng công việc phải làm ngày càng nhiều mà lại chỉ xoay quanh gói gọn trong hai yếu tố thu thập và chế tác là chính. Mặc dù trò chơi vẫn có thể một số thử thách hàng ngày nhưng hầu như đều na ná nhau, chẳng hạn như ngày nào cũng bắt đi khen ngợi các nhân vật của người chơi khác.
Yếu tố thu hút nhất của trò chơi nằm hệ thống chế tác đồ vật, cho phép người chơi trang trí khu cắm trại của mình bằng những vật phẩm này. Điều tương tự cũng có thể được làm với chiếc xe mà bạn dùng để di chuyển khắp nơi, tất nhiên với mức phí không hề nhỏ nhưng cho phép bạn “trả nợ” sau. Yếu tố tô điểm cho các nhân vật bằng vô số quần áo rất đa dạng cũng khá thú vị, nếu bạn thuộc tuýp người thích thời trang vì có nhiều bộ đồ “đẹp lồng lộn”. Tôi chỉ không thích các NPC thú mà người chơi phải kết bạn, vì phần lớn đều được xây dựng từ 12 con giáp với một số tiểu tiết được thay đổi bao gồm cả tên để tạo sự đa dạng, nhưng những nét chung thì vẫn giống nhau nên càng về sau càng tạo cảm giác nhàm chán. May mắn là yếu tố này có thể được giảm nhẹ phần nào nhờ vào những bộ trang phục bạn “ép” các NPC này phải mặc.
Thế nhưng, vấn đề lớn nhất của Animal Crossing: Pocket Camp nằm ở yếu tố loading của trò chơi. Mỗi địa danh cần đến đều bật lên màn hình loading chừng chục giây, trong khi việc phải làm ở mỗi nơi này thường rất ngắn, có khi không tới một phút nên đây là một công đoạn hết sức phiền hà. Mặt khác, có lẽ vì quá lo lắng việc hack trong game nên trò chơi được xây dựng như một game online, bất kỳ hành động nào của bạn cũng đều phải kết nối với mạng mới có thể thông qua trong trò chơi, do vậy bạn không thể trải nghiệm offline tựa game này. Chính vì vậy, với yếu tố gameplay khá đơn giản và mang nặng tính lặp lại, vấn đề loading gần như là điểm yếu chết người của trò chơi, dễ dàng khiến bạn nản lòng sau một thời gian trải nghiệm ban đầu.
Thêm bạn, thêm vui
Sau cuối, Animal Crossing: Pocket Camp thật đáng tiếc đã không mang đến một trải nghiệm hấp dẫn như những anh chị của nó, phần lớn chỉ đủ để giúp bạn chút thời gian giải trí hoặc những khoảnh khắc tẻ nhạt trong cuộc sống. Thế nhưng, nếu xét mục đích ban đầu của Nintendo khi đưa những series game thuộc sở hữu riêng của hãng lên nền tảng di động, là nhằm quảng bá và thu hút người chơi tiếp cận các phiên bản đồ sộ hơn trên hệ sinh thái của hãng, thì chỉ có thể nói họ đã thành công bước đầu. Vì chắc chắn sau những trải nghiệm như Super Mario Run, Fire Emblem Heroes hay mới nhất là Animal Crossing: Pocket Camp, có lẽ không ít bạn sẽ bị hấp dẫn và tò mò bởi những gameplay đơn giản này và tìm đến những phiên bản đầy đủ của chúng hoặc ngược lại. Chưa kể, trò chơi có đồ họa hết sức đáng yêu và phù hợp với mọi lứa tuổi.
Animal Crossing: Pocket Camp hiện có trên iOS và Android tuy nhiên ở thời điểm hiện tại thì riêng phiên bản iOS không hiểu sao lại không có trên App Store Việt Nam dù bản Android lại có. Xem thêm kinh nghiệm chơi game Animal Crossing: Pocket Camp.