Nhiều năm nay, dòng game kinh dị sinh tồn đang ngày càng trở nên lai tạp, làm mất đi cái tinh túy thuần khiết nhất của thể loại này. Còn đâu những trải nghiệm sinh tồn khiến người chơi “lạnh tóc gáy” như những phiên bản Alone in the Dark đầu tiên? Đó có lẽ là điểm khiến Amnesia: The Dark Descent bất ngờ tỏa sáng giữa đám đông “mất chất” khi quyết định quay về cội nguồn ban đầu, mang đến một trải nghiệm kinh dị sinh tồn thuần khiết đầy ắp nỗi sợ hãi về mặt tâm lý.
Amnesia: The Dark Descent tạo cảm giác trải nghiệm khá khác thường khi truyền những cảm giác sợ hãi mà dường như chỉ có bạn mới tự lý giải được. Người chơi trải nghiệm ở góc nhìn thứ nhất với những hình ảnh khá dị thường, cứ như qua cái nhìn của một kẻ say rượu lúc mờ lúc tỏ. Nhân vật của người chơi tỉnh dậy giữa một tòa lâu đài cổ đại, không có chút ký ức gì về bản thân ngoại trừ các tên Daniel. Thứ đầu tiên mà bạn phát hiện chính là một lá thư gửi cho chính bản thân, nói nhân vật hãy tìm đường xuống tầng hầm của lâu đài và tiêu diệt một nhân vật già nua có tên là Alexander. Thế nhưng, mọi chuyện dường như không chỉ đơn giản như vậy, càng đào sâu khám phá trong tòa lâu đài, Daniel tìm thấy nhiều mảnh nhật ký và những dữ kiện cho thấy một bức tranh toàn cục không như mong đợi.
Trước đây, tôi từng chơi khá nhiều game thuộc thể loại kinh dị sinh tồn khác, có thể kể một số tượng đài như Dead Space, F.E.A.R, Resident Evil hay Siren. Hầu hết các game này đều ít nhiều tạo cảm giác sợ hãi cho người chơi, chẳng hạn như Dead Space khá thành công trong việc tạo không khí nặng nề và đơn độc. Vấn đề ở chỗ các tựa game này không hoàn toàn mang đến trải nghiệm kinh dị sinh tồn, khi trang bị cho người chơi lượng vũ khí đạn dược đủ để “làm trùm” trong các màn chơi. Hay một trường hợp khác là series Resident Evil đang ngày càng “hành động hóa” trong nhiều năm về trước và thậm chí đến nay yếu tố này vẫn giữ vai trò chủ đạo trong gameplay của phần game mới nhất trong series này.
Không đi vào vết xe đổ của các đàn anh, Amnesia: The Dark Descent quay trở lại với trải nghiệm kinh dị sinh tồn khá thuần khiết, mang nhiều cảm giác trải nghiệm tương tự như Alone in the Dark của những năm 90. Đó mới là cảm giác sinh tồn kinh dị thật sự, khi người chơi không thể chiến đấu với kẻ thù, thậm chí là nhìn nếu không muốn chúng “đá lông nheo” lại với bạn hoặc giảm đi sự tỉnh táo của nhân vật. Với lối chơi khá đơn giản, chủ yếu chỉ có cơ chế vật lý liên quan đến cầm nắm đồ vật trên tay và ném, thế nhưng trải nghiệm lại khá rùng mình trong tâm trí người chơi.
Tòa lâu đài mà Daniel phải khám phá ẩn chứa rất nhiều bí mật, thậm chí thường xuyên thưởng cho người chơi rất nhiều thứ nên rất cuốn hút. Từ những mảnh ghép của câu chuyện, hay các môi trường khá đa dạng và thậm chí gây ngạc nhiên thú vị khi tương tác để giải đố. Tuy nhiên, các câu đố dù không mang tính sáng tạo nhưng độ khó có thể không hề thấp đối với một số người chơi. Nó thường được giấu đâu đó ở một vị trí khó ngờ mà bạn rất dễ bỏ sót, dẫn đến việc không biết phải làm gì hay đi đâu. Mặt khác, trò chơi thiết kế theo kiểu ít trừng phạt người chơi nên nếu bạn để nhân vật chết bởi một kẻ thù khó, thì lần sau sẽ đối mặt với kẻ thù khác dễ hơn hoặc thay đổi vị trí xuất hiện của kẻ thù nhằm tạo sự bất ngờ cho người chơi.
Yếu tố gây sợ hãi trong Amnesia: The Dark Descent chủ yếu đến từ cảm giác của người chơi. Trên thực tế, người ta có xu hướng sợ hãi những gì mà họ không thể hiểu được. Kẻ thù trong trò chơi cũng vậy, chúng thường xuyên xuất hiện và biến mất khi bạn “chảnh” không thèm liếc mắt ngó đến chúng, dù mục đích chính để giữ sự tỉnh táo. Chính vì vậy mà người chơi gần như không thể biết được chúng có những giới hạn nào. Cảm giác mơ hồ không biết khi nào chúng sẽ bất ngờ xuất hiện khiến người chơi luôn mang tâm trạng căng thẳng khi trải nghiệm. Và đó là điểm sáng của trò chơi, nhưng cũng đồng thời là điểm tối của nó, khi trò chơi càng hình ảnh hóa kẻ thù rõ ràng hơn về sau.
Dù vậy, trò chơi vẫn có một số khoảnh khắc “căng như dây đàn” mà nhân vật tạo nên, nhất là khi sự tỉnh táo của Daniel hạ xuống mức quá thấp, khiến mọi thứ trước mắt bắt đầu chao đảo gây tác động không nhỏ đến trải nghiệm của người chơi. Nhạc tuy không có gì đáng chú ý nhưng tạo cảm giác hồi hợp rất tốt, nhưng có thể khiến bạn cảm thấy mệt tai khi phải nghe lâu. Chưa kể, một cơ chế khác là tinderbox dùng để thắp nến, đốt đuốc và lantern cũng khiến bạn phải cân nhắc đắn đo trước khi sử dụng. Đó là sự đánh đổi, không chỉ là bóng tối để Daniel có thể trốn kẻ thù mà đây là vật phẩm khá khan hiếm được giấu khắp nơi trong tòa lâu đài và không dễ để tìm thấy nhất là khi bóng tối ở khắp mọi nơi. Liệu bạn có muốn mất đi một chỗ trốn, để soi đường tìm vật phẩm hay vì lý do tương tác giải đố? Đó không phải là một câu trả lời dễ dàng khi trải nghiệm.
Sau cuối, Amnesia: The Dark Descent là một tựa game kinh dị sinh tồn tạo được cảm giác căng thẳng thật sự trong tâm trí người chơi và khéo léo trong cách dẫn dắt nội dung. Với lối chơi đơn giản mà hiệu quả trong cách điều khiển khiến trải nghiệm thật sự lôi cuốn và dễ dàng khiến người chơi chìm đắm trong cuộc khám phá tòa lâu đài Brennenburg cổ đại. Nếu có gì đáng chê trách có lẽ là thời lượng chơi không dài và đồ họa không thật sự ấn tượng, nhất là khi khoảnh khắc kẻ thù trong trò chơi bắt đầu mất đi sự bí ẩn vốn có ban đầu và hiện hình. Nếu muốn tìm kiếm một trải nghiệm kinh dị sinh tồn thì đây chắc chắn là tựa game không thể bỏ qua.
Amnesia: The Dark Descent hiện có cho PC (Windows, macOS, Linux), PlayStation 4 và Xbox One. Xem thêm kinh nghiệm chơi game Amnesia: The Dark Descent.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!