Agony rất thành công trong việc xây dựng cái địa ngục đầy rẫy những u uất đeo bám lấy người chơi, nhưng lại thất bại trong những khía cạnh khác.
Ngay từ khi phát động chiến dịch góp vốn trên Kickstarter cách đây hai năm, Agony đã nhanh chóng trở thành một trong những tựa game kinh dị sinh tồn được mong đợi nhất suốt thời gian qua. Thế nhưng sau khi trải nghiệm phiên bản chính thức của trò chơi, trong tôi lại là những cảm xúc khá lộn xộn mà phần lớn là bực mình vì những vấn đề không đáng có của Agony. Dường như nhà phát triển đã quá vội vã phát hành trò chơi khi nó chưa thật sự hoàn thiện.
Vấn đề đầu tiên không thể không đề cập là trò chơi quá tối. Đồng ý là bối cảnh địa ngục thì phải tối và u ám, nhưng ở đây lại quá tối đến mức tôi hầu như chẳng nhìn thấy được gì và thường xuyên lao đầu vào chỗ chết chỉ vì điều này. Thậm chí ngay cả phần chỉnh gamma ở đầu trò chơi cũng đánh đố người chơi bằng việc hiển thị ba hình biểu tượng của game, nhưng lại không nhắc bạn cần điều chỉnh độ sáng lại theo tiêu chí nào như những tựa game khác. Đó là chưa kể nếu chỉnh gamma quá cao thì bạn sẽ càng dễ thấy được nhiều “mặt xấu” của trò chơi.
Trải nghiệm thậm chí còn tệ hơn khi kết hợp với vấn đề hiệu năng tồi tệ của Agony. Thứ nhất là tốc độ khung hình khá thất thường, gây khó chịu cho người chơi không ít trong quá trình trải nghiệm. Cảm giác như đây chỉ là một bản thử nghiệm và chưa được tối ưu tốt trước khi phát hành chính thức. Thứ hai là mặc dù đôi chỗ vẫn mang đến đồ họa khá “chất”, nhưng phần lớn những hình ảnh đẹp đẽ này chỉ nhìn hấp dẫn trong screenshot của trò chơi nhờ vào màu sắc tươi sáng. Kỳ thực đồ họa của trò chơi không ấn tượng, đặc biệt khi nhìn cận cảnh đều trông khá thô nên hay khiến người chơi gặp khó khăn trong việc tìm kiếm những vật phẩm cần thiết.
Nhưng phiền không kém là những lỗi game và glitch tồn đọng trong Agony khá nhiều, và chúng thường khiến bạn phải restart checkpoint. Vấn đề này nghiêm trọng tới mức khiến tôi nhớ đến lần phát hành đầy tai tiếng của Friday the 13th: The Game cũng gặp vấn đề tương tự. Đã vậy các checkpoint của trò chơi cũng được sắp đặt thiếu hợp lý, có những chỗ chẳng có gì thì lại xuất hiện khá dày. Trong khi những đoạn “chua lè” khác thì lại lại chơi sốc người chơi bằng việc đặt cách nhau rất xa, khiến tôi phải chơi lại vài đoạn đường dài không cần thiết mỗi khi chết. Thậm chí nếu bạn không thiết lập lại từ trước khi vào game thì cứ sau ba lần chết lại mất checkpoint, sẽ là một thảm họa đầy ám ảnh!
Ngay cả nhiều cơ chế gameplay của Agony cũng được thiết kế thiếu cân bằng, gây bực bội không ít trong quá trình trải nghiệm. Một trong những ví dụ điển hình của điều này chính là khả năng chiếm hữu (possession) đóng vai trò quan trọng trong trò chơi, nhưng lại khiến bạn chết rất nhiều vì thiết kế của nó. Về cơ bản, bạn phải tìm kiếm những linh hồn mới để chiếm hữu vì yếu tố sinh tồn trong trò chơi. Tuy nhiên không chỉ cơ chế này mà còn rất nhiều cơ chế khác trong trò chơi đều không có sự giải thích rõ ràng về cách thức vận hành của nó, chẳng khác nào đánh đố người chơi.
Vấn đề ở chỗ mỗi, khi bạn sử dụng “ve sầu thoát xác” thì luôn đi kèm với một bộ đếm giờ, và thời gian này “quá nhanh, quá nguy hiểm” nên thường dẫn đến hệ quả tất yếu là phải reload checkpoint. Ở khía cạnh trải nghiệm, tôi hiểu được dụng ý của nhà phát triển khi thiết kế cơ chế này là muốn tạo cảm giác khẩn trương, nhưng việc không cho phép tương tác khi trong trạng thái này kỳ thực là một hạn chế không cần thiết. Mặc dù trạng thái này giúp bạn tránh được hàng loạt bẫy rập bằng cách tận dụng cái chết để tìm lối đi tắt này nọ, nhưng càng về sau thì các “vật chủ” luôn trùm kín đầu. Điều này khiến người chơi không thể thực hiện chiếm hữu nếu trước đó chưa tương tác trực tiếp họ trong thân thể của mình, khiến yếu tố này trở thành một thiết kế rắc rối không cần thiết.
Màn chơi trong Agony khá rộng lớn, nhưng lại được chia ra thành nhiều địa điểm nhỏ, khiến tôi phải đặt dấu chấm hỏi cho lối thiết kế này. Nó không chỉ tạo cảm giác địa ngục chỉ là hàng loạt những “con đường làng” rộng mở với những âm thanh kêu thét và ám thị đầy ám ảnh, mà còn được thiết kế trông khá quen thuộc. Chưa kể, nhiều chỗ trốn trong môi trường màn chơi đều khá vô dụng, đặc biệt khi chúng chỉ có tác dụng nếu những kẻ rình mò người chơi không phát hiện ra sự xuất hiện của bạn. Kết quả là trò chơi mang đến cảm giác trải nghiệm cực kỳ ức chế và thiếu thân thiện với bất kỳ ai muốn dấn thân vào địa ngục trong Agony.
Tuy nhiên, không phải mọi thứ trong Agony đều đáng chê trách. Ít nhất thì cái địa ngục mà trò chơi tạo nên cũng khá ấn tượng, nhưng không phải ở khía cạnh đồ họa mà là chất liệu xây dựng. Nếu so với nhiều tựa game khác từng xuất hiện trên thị trường, cái địa ngục được mô tả trong trò chơi thật sự độc đáo mà chắc chắn bạn chưa bao giờ thấy ở bất kỳ game nào khác. Agony không có nhạc nền mà vận dụng âm thanh và những tiếng vọng để tạo không khí âm u và chết chóc ở địa ngục nơi đây. Những tiếng thét vang khắp mọi ngóc ngách, những thi thể nằm lăn lóc quanh những thứ rác rưởi không rõ là gì, hay những con quỷ đáng sợ rình rập bạn khắp nơi, tất cả đều có thể khiến bạn chết trong tức tưởi với bất kỳ sai lầm nào.
Thế nhưng, đó cũng là thứ duy nhất mà Agony làm rất tốt. Còn mọi khía cạnh khác thì thật đáng chê trách. Cái chết trong trò chơi luôn tạo cảm giác bất công, không bao giờ có chuyện “thất bại là mẹ thành công” để bạn có thể rút kinh nghiệm từ đó. Tính năng gợi ý tìm đường cũng vậy, thường không giúp ích chút gì khiến người chơi cứ loay hoay không biết phải làm gì và lang thang mò mẫm để rồi tự dẫn mình vào chỗ chết. Thậm chí, dù tôi khá thích cái địa ngục độc đáo có một không hai của Agony, nhưng cũng khó có thể bào chữa cho trò chơi. Vì ngay cả di chuyển trong những địa hình gồ ghề của địa ngục trong Agony cũng không hiếm lần nhân vật bị kẹt lại.
Sau cuối, đúng như cái tên của nó, Agony thật sự mang đến một trải nghiệm đầy đau khổ mà bạn có muốn lên đỉnh địa ngục cũng “vạn sự khởi đầu nan, gian nan bắt đầu nản”. Có lẽ trò chơi chỉ hướng đến những người chơi hardcore, thích những tựa game thử thách lòng kiên nhẫn của họ, có thể tự khám phá và trải nghiệm mà không cần bất kỳ chỉ dẫn nào của trò chơi. Hoặc là dành cho những ai thích trải nghiệm cái địa ngục có một không hai của trò chơi, chấp nhận cảm giác trải nghiệm đầy tra tấn theo đúng nghĩa đen. Còn không, tốt nhất bạn nên chờ vài tháng để xem nhà phát triển có vá lỗi và khắc phục các vấn đề tồn đọng của trò chơi không. Chỉ khi đó thì Agony mới xứng đáng là một trải nghiệm địa ngục khiến bạn lên đỉnh. Chờ đợi là hạnh phúc!
Agony được phát hành trên Windows, PlayStation 4 và Xbox One.
Bài viết sử dụng game do Madmind Studio hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác