Mặc dù đã râm ran từ cả năm trước nhưng việc VinaPhone vừa mới tung ra ứng dụng OTT vẫn được xem là bất ngờ đối với thị trường.
OTT của VinaPhone mang tên VietTalk có khi đã lấy đi mất cái tên của nhà mạng khác đã tính tới. Bước đi của VinaPhone cho thấy nhà mạng này đã phải khẩn trương hơn trong việc xúc tiến ra mắt các sản phẩm mới sau khi MobiFone tách ra khỏi VNPT.
Thời gian gần đây, sau khi Facebook Messenger tách ra khỏi mạng xã hội Facebook trở thành ứng dụng OTT độc lập (tất nhiên vẫn còn được hậu thuẫn nhờ nền tảng mạnh mẽ của mạng xã hội Facebook), nhiều người dùng chat bằng Messenger này bỗng trở nên khó khăn hơn. Mà thắc mắc gì đây khi chính Facebook cũng đã ép người dùng phải sử dụng Messenger của họ thì mới tăng lên được tới con số 500 triệu người dùng chỉ trong vài tháng. Song ở góc nhìn trực diện, việc VinaPhone ra mắt VietTalk cho thấy tương quan cạnh tranh và thị trường OTT Việt Nam đã bắt đầu bước sang thời kì dữ dội hơn.
Trong bài viết này xin chưa vội đánh giá về tính năng hay giao diện của VietTalk mà trước hết chỉ đề cập đến sự ra đời của nó. Một điều các nhà cung cấp dịch vụ OTT đều thấy rõ rằng, nhà mạng luôn có lợi thế nếu họ cung cấp ứng dụng OTT, vì sẽ được họ hỗ trợ từ băng thông, gói cước cho đến các chính sách khuyến mãi đối với khách hàng. Những OTT khác được cho rằng sống “kí sinh” một phần trên hạ tầng mạng 3G (cùng với trên kết nối Wifi) đương nhiên là mang thân phận phụ thuộc. Còn một khi nhà mạng cũng có OTT, cuộc cạnh tranh giữa OTT nhà mạng với OTT ngoài nhà mạng có thế tương quan khác hẳn.
Nếu trước đây, các doanh nghiệp OTT vì bất cứ những lí do khách quan hay chủ quan nào đó chậm tiến triển trong mối hợp tác gói cước OTT với nhà mạng thì bây giờ, sau khi VietTalk ra mắt, có lẽ tiến độ đó sẽ được thúc đẩy nhanh chóng hơn. Trước mắt là VinaPhone, nhưng chắc chắn sau đó sẽ kéo theo Viettel rồi MobiFone cũng sẽ nhập cuộc. Các nhà mạng Việt Nam, đặc biệt là 3 nhà mạng hàng đầu, lâu nay vẫn luôn bám đuổi nhau từng chút. Một khi cả 3 nhà mạng nắm tới hơn 130 triệu thuê bao di động hiện nay đều có OTT, không biết số phận của những Viber, LINE, Zalo…sẽ như thế nào tại thị trường Việt Nam.
Làm ra một ứng dụng OTT dễ hơn là duy trì cho nó “sự sống”. Thách thức lớn nhất trong tương lai gần và xa của VietTalk và VinaPhone cũng chính là vấn đề này. Trên thị trường OTT Việt Nam, không ít những trường hợp OTT của các đại gia nửa đường gãy gánh như WeChat, KakaoTalk. Bán mình được đến 19 tỉ USD như WhatsApp nhưng cũng chưa có được vai vế gì ở thị trường Việt Nam. Viber sau thời kì “tọa sơn quan hổ đấu” đã bắt đầu cho thấy sự đuối sức và mất dần cảm tình của người dùng khi trở thành ổ chứa tin nhắn rác. Nếu một khi sau VinaPhone tới lượt Viettel và MobiFone cũng tung ra ứng dụng OTT trong đầu năm 2015, một áp lực quá lớn sẽ đè lên những cái tên OTT trong cuộc “đại chiến phần I”.
Với những nhà quan sát thì, thị trường OTT Việt Nam sắp tới sẽ có nhiều chuyện để nói mà không loại trừ trong đó các cuộc “đấu tố” nhau sẽ diễn ra nóng hổi hơn. Chưa biết VietTalk chỉ muốn dừng lại ở phạm vi một ứng dụng OTT cho phép nhắn tin và gọi điện miễn phí và có phí hay sẽ dần tiến tới một nền tảng mạng xã hội di động như hướng đi của LINE hay Zalo đang triển khai. “Lớn thuyền lớn sóng”. Tham vọng càng lớn thì VietTalk càng phải được chăn chút và chi phí nhiều hơn để thu hút người dùng.
Theo Thụy Lâm (echip)