Curse of Anabelle là tựa game kinh dị thiên về câu chuyện kể, kết hợp với không khí rùng rợn và một chút yếu tố giải đố để mang đến cảm giác trải nghiệm nhuốm đầy màu sắc tâm linh.
Curse of Anabelle là câu chuyện về nhân vật Nathan, còn Anabelle chỉ là một nhân tố trong câu chuyện kể của trò chơi. Nói rõ hơn, tên của nhân vật nữ nói trên không liên quan gì đến búp bê Annabelle trong series phim kinh dị cùng tên. Phim này càng chẳng có dính dáng gì với trải nghiệm game. Mọi chuyện trong game bắt đầu khi Nathan nhận được lá thư từ cô bạn gái cũ Emily và làm một cuộc điều tra. Thế nhưng, một diễn biến bất ngờ đã xảy ra trong quá trình tìm kiếm Emily, khiến cuộc phiêu lưu của Nathan trở nên “lành ít dữ nhiều”. Bạn sẽ là người giúp nhân vật giải quyết mớ rắc rối đó. Hết hồn chưa?
Ngay từ đầu trải nghiệm, Curse of Anabelle đã tạo cho tôi cảm giác khá lẫn lộn về tạo hình của hai nhân vật chính Emily và Nathan. Trong đoạn chuyển cảnh giới thiệu nội dung đầu trải nghiệm, “khuôn mặt đáng thương” của Emily trong khung cảnh nhìn như bức tượng sáp vậy. Ở một đoạn chuyển cảnh không lâu sau đó, gương mặt của Nathan chẳng khác nào được kéo dài ra một cách cố ý và hiển thị khá lâu để tạo cảm giác rùng rợn. Ngược lại, trò chơi có thiết kế không gian màn chơi khá tốt và đồ họa chi tiết, các khác biệt về thời gian đều có sự thay đổi rõ rệt, cho thấy nhà phát triển cũng khá chăm chút cho diện mạo “đứa con tinh thần” của họ. Hình ảnh lũ quỷ khá độc đáo, nhưng đó là một câu chuyện khác mà tôi sẽ đề cập sau.
Đáng nói, phần âm thanh tiếng động không được tốt như đồ họa mà thường lặp lại. Chỉ có những phân đoạn jump-scare kinh điển là làm tốt và không quá lạm dụng như nhiều tựa game khác trên thị trường. Ấn tượng nhất trong trải nghiệm Curse of Anabelle vẫn là cốt truyện đặc sắc. Nội dung và trải nghiệm game mang đậm yếu tố tâm linh, từ linh hồn thoát xác cho đến lễ trừ tà hay thậm chí gọi hồn, thường chỉ thấy trong những bộ phim về thể loại này hơn là trải nghiệm game nên khá thú vị và mới mẻ. Ngay cả quyển sách mà Nathan sử dụng để thực hiện nghi lễ cũng gây ấn tượng khi cung cấp một lượng thông tin, hình ảnh đồ sộ về quỷ và các nghi thức tế lễ đủ kiểu, không biết đội ngũ phát triển “lượm lặt” ở đâu mà nhiều thế.
Lối chơi của Curse of Anabelle mang nhiều hơi hướng walking simulator, người chơi điều khiển nhân vật khám phá và tương tác với các vật phẩm cho mục đích giải đố, lập nghi lễ trừ tà và chiến đấu với quỷ thông qua hình thức QTE. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà nhà phát triển lại quyết định chia trải nghiệm làm đôi với một số cơ chế gameplay thay đổi. Ban đầu là sử dụng đèn pin để khám phá nhưng về sau lại đổi thành dấu ấn gọi là David’s Light. Về cơ bản, David’s Light “xịn” hơn vì nó không khác gì một loại phép thuật dùng để thắp sáng mọi ánh đèn trong thời gian giới hạn thông qua việc đọc thần chú. Xen kẽ với khám phá là những đoạn hội thoại với nhân vật Emily nhằm giúp người chơi hiểu thêm về cốt truyện.
Ngoài ra, bạn cũng có thể thu thập thêm thông tin từ quyển nhật ký của nhân vật David Ramsey. Vấn đề ở chỗ, mục đích của những trang nhật ký này cũng chỉ cung cấp nội dung cốt truyện chứ không gây ảnh hưởng gì đến trải nghiệm game, trong khi yếu tố gameplay không phải là “bữa ăn chính” của Curse of Anabelle. Mặc dù trò chơi mang đến một không khí khá rùng rợn với ánh sáng âm u đúng kiểu game kinh dị, nhưng thứ đáng sợ nhất cũng chỉ là những pha jump-scare khi kết hợp “đúng người, đúng thời điểm” với cái không khí được xây dựng quá tốt nói trên. Phần lớn trải nghiệm thường chỉ là di chuyển qua lại, thu thập vật phẩm và tạo phong ấn để thực hiện lễ trừ tà, diệt quỷ bằng các sự kiện QTE liên tục và chỉ có vậy.
Nếu bạn mong đợi ở trải nghiệm game nhiều hơn thế sẽ thấy thất vọng với trải nghiệm Curse of Anabelle. Ngược lại, những ai cảm thấy hào hứng với những buổi tế lễ thường thấy trong các phim kinh dị hoặc các yếu tố tâm linh tương tự xoay quanh đó, sẽ thấy đó là một trải nghiệm hấp dẫn vì gợi sự tò mò rất lớn, nhất là khi người chơi được tham gia vào đó. Sau khi trừ tà diệt quỷ thành công, bạn lại tiếp tục thực hiện với công đoạn khám phá, thu thập vật phẩm và thực hiện nghi lễ nói trên ở những khu vực khác với một số trở ngại mới, rồi tiếp tục vậy đến khi kết thúc trải nghiệm. Thiết kế gameplay đơn giản kiểu walking simulator như thế này cũng vô tình hạn chế giá trị chơi lại của trò chơi.
Thế nhưng, vấn đề lớn nhất của Curse of Anabelle là thiếu sự đa dạng trong tạo hình kẻ thù. Đây là một điều khiến tôi cảm thấy rất khó chịu, nhất là khi quyển sách của Nathan có những hình ảnh minh họa và mô tả lũ quỷ rất chi tiết. Trong khi đó, thực hiện nghi lễ trừ tà lại chỉ có vài “khuôn mặt đáng thương” nhìn hao hao nhau, không có sự khác biệt rõ nét. Nếu như nhà phát triển xây dựng tạo hình kẻ thù đa dạng, đồng nhất với những gì có trong quyển sách có lẽ trải nghiệm game đã hấp dẫn hơn. Không những vậy, cuộc chiến với lũ quỷ khi tiến hành trừ tà cũng luôn mang đến cảm giác hệt như nhau trong suốt trải nghiệm, không có sự khác biệt cần thiết cũng là điểm trừ không nhỏ trong khâu thiết kế game.
Một vấn đề cũng không thể không đề cập đến là phần hướng dẫn cơ bản khá sơ sài. Nhiều yếu tố gameplay không được giải thích rõ ràng, bất chấp nó đóng vai trò quan trọng trong trải nghiệm game về sau. Đã thế, thiết kế hành trang nhìn khá tăm tối, đến mức các lệnh tương tác cũng chìm hẳn trong giao diện, ban đầu còn khiến tôi loay hoay không biết phải làm gì vì chưa kịp nhận ra. Curse of Anabelle cũng có vấn đề với các vật phẩm có thể tương tác luôn bị hiển thị chồng lên môi trường màn chơi khá khó chịu. Ban đầu tôi nghĩ đây là chủ ý thiết kế nhưng việc hình chồng hình như thế rất dễ làm người chơi lẫn lộn, nên có lẽ là lỗi thiết kế game do khoảng 2/3 trải nghiệm đều rất tăm tối, không còn đèn pin mà phải dùng David’s Light.
Sau cuối, Curse of Anabelle mang đến một trải nghiệm phiêu lưu rùng rợn khá trái chiều, thiếu những thiết kế tinh tế cần thiết để cuộc phiêu lưu của người chơi hấp dẫn và thú vị hơn. Đây là điều khá đáng tiếc khi cốt truyện, đồ họa và xây dựng bối cảnh đều quá tốt, chỉ thiếu cơ chế gameplay được trau chuốt cẩn thận và có chiều sâu hơn là thành “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Dù vậy, nếu yêu thích trải nghiệm game thiên về câu chuyện kể, đây là cái tên rất sáng giá đáng cân nhắc.
Curse of Anabelle hiện chỉ có trên PC (Windows).
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác