Curious Expedition là game mô phỏng thám hiểm với yếu tố roguelike mang nhiều giá trị chơi lại trong trải nghiệm và vô cùng thử thách. Trong khi phần 2 chuẩn bị ra mắt trên PC, người chơi console đến nay mới được trải nghiệm phần 1 của tựa game hấp dẫn này.
Trước khi bắt đầu trải nghiệm Curious Expedition, tôi khuyến cáo bạn đừng bỏ qua phần Tutorial để tránh phát sinh vấn đề đáng tiếc trong trải nghiệm về sau. Phần hướng dẫn này khá quan trọng vì sẽ “cầm tay chỉ việc” cho người chơi những cơ chế gameplay cơ bản từ đầu đến cuối, nhưng lại rất dễ bị bỏ qua. Sai lầm không đáng có này sẽ vô tình biến trải nghiệm đã khó càng thêm phần thử thách, nhất là những ai thường có thói quen “tua nhanh” phần hướng dẫn. Tôi đã cảnh báo trước rồi đấy.
Curious Expedition đưa người chơi nhập vai một nhà thám hiểm cuối thế kỷ 19 trong cuộc “chạy đua vũ trang” với những đối thủ khác để tìm kiếm danh vọng. Trò chơi có số lượng nhân vật rất nhiều, mang tên những danh nhân quen thuộc trong lịch sử. Người chơi phải hoàn thành sáu cuộc thám hiểm để được tạc tượng. Đồng thời không thể thiếu việc quản lý nhu cầu cơ bản như ăn và nghỉ ngơi, cũng như nhu yếu phẩm và vượt qua cám dỗ (sanity) của bản thân tương tự như các game sinh tồn. Nếu không chú ý, hậu quả chắc chắn không phải là điều mà bạn muốn thấy.
Đáng chú ý, mỗi nhân vật điều khiển đều có ưu và khuyết điểm riêng, có thể là gánh nặng hoặc hữu ích trong từng trường hợp. Yếu tố này góp phần không nhỏ trong việc mang đến giá trị chơi lại khá cao cho Curious Expedition. Nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ đầu tiên, người chơi có thể chiêu mộ thêm người cho đội hình và tiếp tục với các chuyến thám hiểm tiếp theo nhằm đạt được mục tiêu trải nghiệm. Thậm chí, bạn cũng có thể mở khóa thêm các nhân vật mới thông qua trải nghiệm dựa trên các điều kiện nhất định. Mặt khác, người chơi cũng có thể nâng cấp cho nhân vật mỗi khi hoàn thành một chuyến thám hiểm.
Tuy nhiên, mọi lựa chọn trong trường hợp này đều phải tính toán kỹ, vì nó gây tác động đến các cuộc thám hiểm kế tiếp và có thể khiến trải nghiệm về sau trở nên khó khăn hơn. Hoàn thành “chỉ tiêu” sẽ được dựng tượng vinh danh. Bạn có thể sử dụng bức tượng để đối lấy danh tiếng cho nhân vật hay kiếm tiền chuẩn bị một cuộc thám hiểm mới, quyết định là của người chơi. Tất nhiên, bạn cũng có thể giữ lại bức tượng “còn chút gì để nhớ” sau khi hoàn thành thám hiểm, nhưng làm thế ít nhiều có thể ảnh hưởng đến trải nghiệm lần sau, nhất là trong lượt chơi đầu tiên.
Lối chơi của Curious Expedition chủ yếu chỉ xoay quanh những cuộc thám hiểm mà người chơi thực hiện, trải dài trên bản đồ rộng lớn với nhiều địa điểm khám phá được phát sinh ngẫu nhiên bằng thuật toán. Mỗi địa hình khác nhau được thể hiện trên nền đồ họa pixel bắt mắt, nhiều màu sắc nhưng đôi lúc khiến tôi cảm thấy rối vì quá nhiều mảng màu pixel đến hoa mắt. Ngược lại, nhạc nền và âm thanh tiếng động được xử lý khá tốt, phù hợp với trải nghiệm và vừa đủ để bạn cảm thấy thiếu thiếu mỗi khi rút dây tai nghe mà quên chỉnh lại âm lượng Nintendo Switch như tôi.
Ở góc độ người chơi, Curious Expedition có thể mang đến cảm giác lặp lại vì lối chơi đặc trưng, nhưng không hề thiếu những bất ngờ đầy kịch tính. Đơn cử như bạn có thể may mắn tìm thấy một ngôi làng, làm quen với người dân bản địa để hưởng ưu đãi về chi phí phải bỏ ra cho các nhu yếu phẩm. Thế nhưng, hãy dè chừng trước những trận chiến diễn ra cũng bất ngờ không kém xoay quanh yếu tố ngẫu nhiên. Không ít lần, hệ thống chiến đấu này để lại cho tôi cảm giác vô cùng ức chế vì sự thiếu rõ ràng trong cơ chế vận hành của nó. Đây có lẽ là điểm trừ lớn nhất của trò chơi dù không kinh hoàng như Tharsis.
Tuy nhiên, đừng quá sa đà vào những “tiểu tiết” nói trên mà quên đi mục tiêu chính trong trải nghiệm Curious Expedition. Cái bạn cần là thám hiểm “quá nhanh quá nguy hiểm” để gầy dựng danh tiếng trước những kỳ phùng địch thủ khác. Kỳ thực, kẻ thù nguy hiểm nhất chính là thời gian khá hạn chế trong cuộc chạy đua về đích trước các đối thủ. Chưa kể, Curious Expedition có rất nhiều nhiệm vụ phụ khiến bạn xao nhãng mục tiêu vì những phần thưởng “quyến rũ” nhận được. Người chơi có thể đồng ý hoặc từ chối thực hiện, nhưng danh tiếng của nhân vật sẽ bị ảnh hưởng nếu bạn thất bại trong việc hoàn thành các nhiệm vụ này.
Vấn đề ở chỗ, yếu tố roguelike chưa bao giờ tạo cảm giác công bằng trong trải nghiệm và Curious Expedition cũng không phải ngoại lệ. Trò chơi khá thử thách với những thiết kế gameplay đặc trưng xoay quanh yếu tố ngẫu nhiên. Không những thế, khía cạnh quản lý với khá nhiều việc phải làm cũng là sự kết hợp không kém phần thử thách với yếu tố roguelike. Thậm chí ngay cả độ khó thấp nhất cũng đủ khiến tôi “ngất ngây con gà tây”. Thế nhưng, yếu tố tưởng thưởng và rủi ro lại được xây dựng khá tốt, thường tạo cho tôi cảm giác háo hức trước cuộc thám hiểm và có lẽ là điểm cộng lớn nhất của game.
Sau cuối, Curious Expedition mang đến một trải nghiệm mô phỏng khám hiểm và sinh tồn rất hấp dẫn, sở hữu nhiều cơ chế gameplay thú vị để “níu kéo” người chơi. Trừ khi đồ họa pixel như cái gai trong mắt bạn, đây là tựa game rất đáng cân nhắc với lối chơi hào hứng và vô cùng cuốn hút cho những ai yêu thích thể loại này.
Curious Expedition được phát hành cho PC (Windows, macOS, Linux), PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác