Valve tiếp tục siết chặt việc trao đổi vật phẩm trong game Counter-Strike: Global Offensive và đây là một tin không vui với không ít người.
Từ trước đến nay, trao đổi skin là cả một “nền kinh tế” xoay quanh Counter Strike: Global Offensive đối với nhiều người chơi game này. Tuy nhiên nó là một thị trường khá phức tạp, nếu không phải người dùng YouTube tạo channel để lừa đảo người xem hay dẫn dắt họ đến các trang cờ bạc, thì cũng có những người chơi bình thường giao dịch thông qua các trang web thứ ba và “sống nhờ” vào nó.
Không phải Valve không biết điều này, nhưng họ đang dần dần siết chặt vấn đề này. Trước đây họ đã tiến hành hạn chế những skin được mua trên Steam phải chờ 7 ngày mới có thể mang đi giao dịch hoặc bán lại thông qua Steam, nhưng vẫn để ngỏ cửa đối với giao dịch trao đổi giữa người chơi với nhau. Và giờ đây điều này cũng đã thay đổi với chính sách mới của Valve, buộc các giao dịch “ngoài luồng” sẽ phải chờ 7 ngày trước khi có thể trao đổi hoặc bán lại tiếp. Đây là một nỗ lực mà theo Valve là nhằm giải quyết và hạn chế tình trạng lừa đảo rất lộn xộn trong những giao dịch như thế này.
Đọc đến đây, hẳn bạn sẽ thắc mắc tại sao nhiều người không giao dịch trực tiếp trên Steam mà phải thông qua một nơi trung gian? Vấn đề nằm ở số tiền thu được sau giao dịch. Nếu giao dịch trên Steam, người dùng sẽ chỉ nhận được tiền vào ví Steam (Steam Wallet) và họ không thể dùng tiền này làm gì khác ngoại trừ mua game trên Steam. Trong khi giao dịch bên ngoài thì tiền có thể được chuyển qua những phương thức khác, chẳng hạn thông qua PayPal rồi chuyển về tài khoản ngân hàng của họ và sử dụng như tiền mặt hơn.
Một lý do nữa là khi giao dịch bên ngoài thì không có thời gian chờ đợi để thực hiện chuyển tiếp giao dịch đó theo kiểu mua đi bán lại với người khác, chẳng hạn để ăn chênh lệch. Giá cả giao dịch skin trên thị trường này rất lộn xộn, chỉ một ngày giá đã khác huống hồ phải chờ tận bảy ngày. Chưa kể việc giao dịch bên ngoài thông qua một trang trung gian thường nhanh hơn do không cần có người đứng ra thực hiện xử lý giao dịch, mà có thể do bot thực hiện thay nên thời gian giao dịch cũng sẽ nhanh hơn rất nhiều, phục vụ cho những mục đích khác nhau của người giao dịch.
Ngay sau khi thông tin này được Valve phát đi, nhiều “gian thương” tham gia các giao dịch này đã nhận xét đây là dấu chấm hết cho việc giao dịch skin của CS:GO. Không thể phủ nhận một điều rằng thay đổi này trong chính sách của Valve khiến các sàn giao dịch trung gian nói trên trở nên không cần thiết nữa, và chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến “nồi cơm” của nhiều “gian thương” đang thao túng giá cả giao dịch skin trên thị trường.
Một số người thậm chí đã ký kiến nghị yêu cầu Valve thu hồi lại quyết định này, ở thời điểm này đã có hơn 100 ngàn chữ ký. Số khác thì cho rằng điều này sẽ không giúp giải quyết vấn đề lừa đảo. Hiện vẫn chưa rõ động thái thật sự của Valve khi đưa ra thay đổi này, nhưng có lẽ nó sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến thị trường giao dịch skin hiện nay.