Coffee Crisis là game chặt chém mang nhiều cảm giác hoài cổ của hệ máy 16 bit kinh điển Sega Genesis (Mega Drive) ngày xưa.
Mặc dù có lịch sử phát triển chẳng khác nào chuyện thật như bịa, nhưng Coffee Crisis là một trong những tựa game 16 bit hiếm hoi vẫn được phát hành cho nền tảng Mega Drive kinh điển ngày xưa ở thời điểm hiện nay. Sau khi ra mắt lần đầu vào năm 2017 trên hệ máy retro của Sega, trò chơi lần lượt phát hành trên các nền tảng hiện đại, khởi đầu là PC một năm sau đó rồi đến Nintendo Switch năm kế tiếp và năm nay là PlayStation 4. Đáng chú ý, game sở hữu cả ưu và khuyết điểm của những cái tên 16 bit ngày xưa.
Ngay từ ấn tượng ban đầu, Coffee Crisis đã gợi nhớ đến TMNT: Return of the Shredder mà hai chị em tôi rất thích trên hệ máy Genesis, rất lâu rồi nên có lẽ không mấy ai biết đến. Đó là trải nghiệm “chặt chém” với đồ họa đẹp, nhiều màu sắc và chất lượng âm thanh tuyệt vời hơn hẳn bản SNES có tựa TMNT: Turtles in Time. “Đứa con tinh thần” của nhà phát triển Mega Cat cũng mang đến cảm giác tương tự với lối chơi chặt chém đơn giản, khá giống series Streets of Rage nổi tiếng của Sega. Tuy nhiên, nhà phát triển cũng bổ sung thêm một số cơ chế gameplay “quay số trúng thưởng” khiến trải nghiệm trở nên khá thử thách.
Coffee Crisis như cái tên của nó gợi ý, lấy nội dung xoay quanh cuộc tấn công trái đất của chủng tộc người ngoài hành tinh Smurglien. Mục tiêu của họ là những đoạn clip về mèo, nhạc metal, Wi-Fi và cà phê. Nghe có gì đó sai sai thì phải? Nhân vật của người chơi là Nick và Ashley làm ở quán cà phê Black Forge. Một ngày đẹp trời như mọi ngày, khi đang chuẩn bị dọn dẹp để mở quán thì hai nhân vật chính bị người ngoài hành tinh tấn công cướp cà phê. Không thể để chúng lộng hành nơi trái đất như chốn không người, cặp đôi quyết định dùng kỹ năng pha chế để dạy cho lũ Smurglien một bài học.
Nói một cách nghiêm túc, Coffee Crisis mở đầu với ấn tượng nhẹ nhàng như thế. Điểm nhấn của trò chơi có lẽ là những bản nhạc metal “cực chất” trong suốt trải nghiệm. Trong khi đó, trò chơi sở hữu gameplay chặt chém khá đơn giản. Người chơi chỉ đơn thuần di chuyển từ điểm A đến B trong suốt màn chơi, tiêu diệt tất cả mọi kẻ thù xuất hiện và thỉnh thoảng đập phá vài thứ trong môi trường để nhận về vật phẩm hồi máu hoặc power-up mà trong game gọi là modifier cho nhân vật. Bạn sẽ không thể biết trước mỗi lượt chơi sẽ có những power-up gì, mà chỉ thông qua trải nghiệm và tự “em yêu khoa học” công dụng của nó.
Yếu tố này tạo nên trải nghiệm khá thú vị với những ai yêu thích cảm giác “ngạc nhiên chưa”. Ít nhất thì nó cũng tạo chút khác biệt so với thiết kế gameplay cũ kỹ, thường mang cảm giác hao hao nhau của những tựa game 16 bit thuộc thể loại này ngày xưa. Không những vậy, Coffee Crisis còn được xây dựng nội dung khá hài hước nếu không nói là ngớ ngẩn, sở hữu đồ họa retro đẹp mắt nhiều màu sắc và những bản nhạc metal quá “trất”. Tuy nhiên, trò chơi cũng đi kèm một số vấn đề muôn thuở của các tựa game 16 bit ngày xưa như cảm giác “chặt chém” không đã tay, nhất là những cú ra đòn không có cảm giác lực đánh mà rất hời hợt.
Đây cũng là vấn đề của những tựa game 16 bit ngày xưa, nhưng xem ra nó không được đội ngũ phát triển xem xét khi quyết định chuyển nền Coffee Crisis lên các nền tảng hiện đại ngày nay. Có thể họ muốn hướng đến cảm giác retro thuần khiết, nên quyết định không bổ sung những tính năng “hại điện”. Thế nhưng ở góc độ người chơi, tôi vẫn thích những tựa game có thể dung hòa được yếu tố này ở mức độ nào đó hơn. Tuy nhiên, điều này khá thiên về cảm nhận cá nhân nên tôi không xem là điểm trừ.
Điểm trừ nặng nhất có lẽ phải nhắc đến giao diện game nhìn rối, khiến tôi cũng cảm thấy mù mờ không biết những thanh màu và con số trên đó có ý nghĩa gì. Thanh máu của nhân vật là một ví dụ điển hình nhất trong thiết kế giao diện có phần “kém sang” của Coffee Crisis. Chính xác phải gọi là rất lộn xộn, dễ khiến người chơi cảm thấy rối. Chưa kể, độ khó của mỗi màn chơi tăng cao bất thường một cách bất công về sau tiếp tục là điểm trừ không nhỏ trong thiết kế gameplay.
Sau cuối, Coffee Crisis mang đến một trải nghiệm chặt chém đầy “hương vị” hoài cổ của thời đại 16 bit ngày xưa ở nhiều khía cạnh, từ gameplay, đồ họa cho tới giao diện. Tùy vào “khẩu vị” của mỗi người mà đây là tựa game có đáng xem xét hay không. Thế nhưng, nếu thích cảm giác hoài cổ, Coffee Crisis chắc chắn là cái tên vừa đẹp về giá, vừa hấp dẫn về gameplay.
Coffee Crisis hiện có trên PC (Windows, macOS, Linux), PlayStation 4 và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác