Code Vein là game nhập vai hành động hấp dẫn với hệ thống tùy biến có chiều sâu vô cùng ấn tượng. Trò chơi sở hữu trải nghiệm game khá thử thách, mang nặng cảm giác soulslike và được lồng vào nền đồ họa tuyệt đẹp theo phong cách anime. Đáng chú ý, đây là một trong vài game hiếm hoi tính đến thời điểm bài viết cho phép người chơi tạo ra nhân vật chính mang đậm dấu ấn cá nhân. Đó là nhờ vào sự đa dạng các chi tiết trong phần xây dựng hình ảnh nhân vật điều khiển của người chơi.
Nếu yêu thích thể loại hành động nhập vai, có lẽ bạn khá quen thuộc với những cái tên như Demon’s Souls, Dark Souls, Nioh hay mới đây là Sekiro: Shadows Die Twice. Nhiều người có lẽ sẽ nghĩ ngay đến độ khó cao khi nhắc đến những cái tên này, dần dần mang ra so sánh với Dark Souls một cách vô thức. Kỳ thực, tôi cũng có lúc như vậy nhưng ngẫm lại mới thấy, phàm đã chung dòng game thì lối chơi làm gì có nhiều sự khác biệt. Quan trọng là nhà phát triển sáng tạo sự khác biệt cho đứa con tinh thần của mình như thế nào mà thôi.
Những tựa game mà tôi liệt kê ở trên có lẽ khiến bạn nghĩ ngay đến điểm chung của chúng đều là những game “xương xẩu”. Tuy nhiên, “xương xẩu” hay không phụ thuộc vào cảm nhận của mỗi người chơi hơn. Riêng tôi chỉ thấy những cái tên được “vinh danh ở trên đều nhuốm chút màu sắc kinh dị trong trải nghiệm như một thiết kế chủ ý, nhưng chẳng ai gọi đó là game kinh dị. Đơn cử như kẻ thù trong Nioh hay Sekiro: Shadows Die Twice đều là ma quỷ trong truyền thuyết của đất nước Nhật Bản, Demon’s Soul và Dark Souls thì khỏi nói khi lấy bối cảnh fantasy thời trung cổ tăm tối. Rõ ràng đều là game nhập vai hành động đậm chất kinh dị, nhưng mỗi tựa game đều có các điểm nhấn riêng và chẳng ai gọi đó là game kinh dị. Code Vein cũng chẳng phải ngoại lệ.
Trò chơi có màn dạo đầu khá ấn tượng trong yếu tố tạo và tùy biến nhân vật rất sâu, cho phép người chơi thỏa sức sáng tạo. Thậm chí nếu bạn muốn tùy chỉnh nhân vật giống “crush” hay “đối tác” ngoài đời cũng không phải là vấn đề trong Code Vein. Trò chơi cung cấp công cụ chỉnh sửa vô cùng đa dạng, từ những yếu tố đơn giản như tóc tai quần áo cho tới từng chi tiết mắt mũi miệng, vết sẹo v.v… với rất nhiều tùy chỉnh khiến tôi vô cùng hào hứng, dù ban đầu cảm thấy khá rối về mức độ chuyên sâu của phần tùy biến tạo hình nhân vật mà nhà phát triển đã dày công xây dựng. Điều mà tôi không thích là bạn phải đặt tên cho nhân vật, trò chơi không có sẵn tên mặc định rồi cho phép người chơi thay đổi nếu muốn.
Câu chuyện trong Code Vein diễn ra ở thế giới sau tận thế, nhân loại bị “hô biến” bởi một loại dịch bệnh bí ẩn. Trỗi dậy từ những tàn tích đổ nát đó là revenant, những người đã chết nhưng được hồi sinh. Revenant giống như ma cà rồng vậy, phải uống máu để sống và tôi sẽ để dành cho bạn phần chi tiết khi trải nghiệm. Chỉ có thể hé lộ là họ không hút máu người khác như ma cà rồng, nhưng tình tiết quan trọng này sẽ kết nối người chơi với trải nghiệm game. Đây cũng là một trong những điểm đặc sắc nhất của trò chơi. Đội ngũ biên kịch đã đưa vào các tình tiết nội dung ở một nhịp độ “cực ổn”, không bao giờ tạo cảm giác quá nhanh hoặc quá chậm. Nó giúp thế giới trong game trở nên hữu hình hơn với người chơi.
Điểm nhấn trong cốt truyện giúp tạo sự khác biệt của Code Vein là hệ thống Vestige. Về cơ bản, Vestige là một thiết kế rất tuyệt vời để dẫn dắt người chơi đào sâu vào cốt truyện, cung cấp mọi thông tin trong game một cách tự nhiên, độc đáo, kết nối lẫn nhau có chủ đích và không tạo cảm giác khiên cưỡng. Vestige giống như những mảnh ghép rời rạc trong một bức xếp hình, càng “xếp” được nhiều thì người chơi càng hiểu được mối liên quan giữa các nhân vật là như thế nào. Nó không chỉ đơn thuần kết nối người chơi với phần cốt truyện vốn đã khá hấp dẫn và lôi cuốn, mà còn khiến trải nghiệm game hào hứng hơn vì giúp nhân vật của người chơi mạnh hơn.
Lớp nhân vật hay Blood Code theo cách gọi trong trải nghiệm Code Vein là một trong số các điểm nhấn đáng chú ý. Đây là một hệ thống tùy biến cho phép bạn có thể thay đổi kỹ năng và chỉ số chiến đấu của nhân vật bất kỳ lúc nào trong trải nghiệm game, sử dụng những kỹ năng mà trong game gọi là Gift để tùy cơ ứng biến cho tình huống chiến đấu khác nhau. Chẳng hạn ngay đầu game, người chơi mở khóa được Ranger với Gift thiên về khả năng hỗ trợ và phòng thủ nhưng khoảng vài tiếng trải nghiệm, bạn sẽ mở khóa được Hunter với các Gift tấn công tầm xa khá hữu dụng. Điều thú vị là Gift cũng có thể nâng cấp bằng Haze và tài nguyên thu thập, giúp nhân vật có thể sử dụng các Gift nói trên bất kỳ lúc nào mà không cần chuyển đổi Blood Code nữa.
Kết hợp với khả năng tùy biến bề ngoài của nhân vật rất sâu, Blood Code góp phần giúp nâng tầm khả năng tùy biến nhân vật trong Code Vein lên một tầm cao mới. Không còn gắn liền nhân vật với một lớp nhân vật nhạt nhẽo như thường thấy nữa. Thậm chí, chỉ nghĩ đến việc tạo ra một nhân vật có khả năng sử dụng Gift từ nhiều Blood Code khác nhau để “đa năng” trong chiến đấu cũng đã khiến tôi cảm thấy hào hứng. Kỳ thực, nó còn hấp dẫn hơn hình dung ban đầu khi tôi bắt đầu dành thời gian để thử nghiệm và “pha chế” cây kỹ năng cho nhân vật từ Gift của những Blood Code khác nhau. Cảm giác được tạo ra một nhân vật “best of the best”, vừa giỏi đánh cận chiến lẫn tấn công tầm xa và hỗ trợ toàn diện là điều mà rất hiếm tựa game nào từng làm.
Lối chơi của Code Vein có xu hướng thiên về yếu tố chặt chém có tính toán. Người chơi phải duy trì thể lực của nhân vật, tấn công khi kẻ thù sơ hở và né tránh khi cần thiết. Tuy nhiên, đây không phải là một tựa game Dark Souls khác được phủ lên mình một lớp đồ họa mới, mang phong cách anime tuyệt đẹp như nhiều người dễ nhầm tưởng. Trò chơi có nhịp độ chơi khá nhanh và đi kèm với hệ thống đồng hành do AI điều khiển và khá thông minh, không mang cảm giác tương đồng về trải nghiệm với những tựa game Soulborne trên thị trường. Chúng rất biết cách chiến đấu và hỗ trợ người chơi cực tốt trong trải nghiệm khiến tôi rất ấn tượng. Tuy nhiên, không phải lúc nào người bạn đồng hành này cũng đáng tin cậy như bạn mong đợi, hiển nhiên là thế.
Ở góc độ người chơi, mục đích chính của nhân vật đồng hành có lẽ để giữ trải nghiệm có độ khó phù hợp với nhiều đối tượng người chơi hơn. Thế nhưng nếu muốn, bạn cũng có thể đi solo và không cho AI theo hỗ trợ, nhưng rõ ràng đó không phải định hướng thiết kế của Code Vein. Có không ít tình huống mà người chơi bị kẻ thù “đánh hội đồng” khá ức chế nếu không có AI đánh lạc hướng cho bạn có cơ hội”ăn hôi”, đặc biệt khi nhân vật của người chơi rất yếu thế trước những “chiêu trò mất nết” của kẻ thù trong trải nghiệm. Nếu bạn thắc mắc vì sao gọi là “mất nết” thì tôi cũng xin để dành cho bạn trải nghiệm, nói trước mất hay và chẳng còn gì hấp dẫn và bất ngờ, điều mà trò chơi đã làm rất tốt trong suốt trải nghiệm.
Đáng tiếc, vấn đề lớn nhất của Code Vein lại nằm ở yếu tố mà tôi ít nghĩ đến nhất. Trò chơi có vấn đề khá khó hiểu với hoạt cảnh của nhân vật trong chiến đấu thể hiện khá nhiều động tác thừa, mang tính phô diễn hơn là thực chất, vừa dài dòng mất thời gian lại vừa rất khó canh chính xác thời điểm cho những động tác cơ bản như cản đòn (parry). Nó gây ức chế trong không ít trường hợp khi chiến đấu. Cảm giác đánh trúng kẻ thù cũng vậy, cứ như chém vào cục bông dày khiến trải nghiệm chiến đấu nhiều khi khá mất hứng. Khó chịu nhất là thiết kế màn chơi quá rộng, tuy mang đến cảm giác khám phá và tìm bí mật rất hào hứng, nhưng lối đi khá lằng nhằng thường phải đi lòng vòng rất dễ lạc đường.
Sau cuối, Code Vein mang đến một trải nghiệm hành động nhập vai khá hào hứng với nhiều nét hấp dẫn và độc đáo trong xây dựng cơ chế gameplay. Mặc dù mắc phải một số vấn đề “kém duyên” trong trải nghiệm, nhưng khó có thể phủ nhận sự cuốn hút và quyến rũ mà tựa game này mang tới, không chỉ ở khía cạnh gameplay mà cả thiết kế môi trường màn chơi rộng lớn cùng với nền đồ họa anime ấn tượng. Khả năng tùy biến sâu nhân vật trong tạo hình và chiến đấu là điểm cộng lớn nhất của trò chơi. Nếu yêu thích thể loại này, đây là một cái tên rất đáng chú ý. Tuy nhiên, bạn nào mong mỏi trải nghiệm kiểu Soulborne có lẽ sẽ thất vọng vì đó không phải định hướng thiết kế của trò chơi.
Code Vein được phát hành cho PC (Windows), PlayStation 4 và Xbox One. Xem thêm loạt bài kinh nghiệm chơi game Code Vein.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!