Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã cho biết như trên trong buổi tiếp xúc với cử tri Quận 1, TP.HCM vào sáng ngày 1/8.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại buổi tiếp xúc cử tri của tổ ĐBQH số 1 TP.HCM sáng ngày 1/8/2016. |
Nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc cử tri của tổ ĐBQH số 1 TP.HCM, ông Trần Đăng Châm yêu cầu nhà nước phải triệt để chống tham nhũng và lãng phí. “Chính phủ, Quốc hội phải siết chặt kỷ luật chúng tôi mới tin vì hiện nay nhân dân đang rất mất niềm tin, hỏi 10 người đã có đến 7, 8 người nói vậy” – ông Châm cho hay.
Trong khi đó cử tri Lê Thanh Bình đặt câu hỏi về việc bội chi ngân sách: “Nợ công, dư nợ Chính phủ hiện lên đến 1,8 triệu tỷ đồng và chúng ta đang phải đi vay nợ để trả lãi. Chúng ta có kế hoạch nào trong trả lãi và nợ gốc để tránh xảy ra vỡ nợ công?”
Cử tri Hoàng Thị Lợi và Lương Minh Nguyệt lại đề cập đến đến sự cố thông tin vừa xảy ra tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Từ đó cử tri đặt ra câu hỏi về năng lực quản lý an ninh mạng của cơ quan chức năng.
Trả lời những chất vấn này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang thừa nhận hiện nay tốc độ nợ công đang tăng nhanh và áp lực trả nợ lớn, không những thế tỷ lệ này được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới đây.
“Theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế, tuy không nằm trong số các nước có nợ công cao nhưng chúng ta quản lý việc này chưa hiệu quả, và để giải quyết vấn đề này cần có những chỉ tiêu đánh giá an toàn nợ công giai đoạn 2016 – 2021. Hiện nay rủi ro nợ công phụ thuộc vào tốc độ GDP, lạm phát, dự trữ ngoại hối… nên trong thời gian tới những nhân tố này cần được kiểm soát tốt hơn” – Chủ tịch nước nói.
Chủ tịch nước khẳng định: “Với tư cách là Chủ tịch nước, người thường ký những hiệp định vay nợ với nước ngoài, tôi nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình. Vừa qua tôi đã yêu cầu Kiểm toán Nhà nước phải kiểm toán những khoản chi tiêu, vay nước ngoài xem có thật sự cần thiết không, phải tính toán vay để làm cái gì, trả bằng cách nào”.
Đề cập đến những sự cố liên quan đến an ninh mạng trong thời gian gần đây, Chủ tịch nước nhấn mạnh đây là hình thái chiến tranh mới, và nếu xảy ra sẽ gây những hậu quả khôn lường về nhiều mặt, ông cũng “bật mí” rằng khi còn là Bộ trưởng Bộ Công an ông đã có một cuốn sách (phát hành nội bộ) về vấn đề này.
Theo Chủ tịch nước, thế giới hiện tại không chỉ phẳng mà còn là thế giới của kết nối, với những tác động rất nhanh, lớn, trên diện rộng nên “ngồi ở Đông bán cầu di con chuột thôi là Tây bán cầu rung chuyển”.
Trước những phản ánh của người dân, Chủ tịch nước khẳng định việc đối phó với các vấn đề an ninh mạng, chiến tranh mạng đã được “đặt lên bàn” của các cơ quan chức năng. Những cơ quan này cũng đã xây dựng chiến lược và có giải pháp đồng bộ để đối phó với những nguy cơ nhằm đảm bảo an ninh, an toàn cho quốc gia.
“Một vài sự cố gần đây cho thấy mọi người hết sức chủ quan. Tôi xin nói thật, cơ quan an ninh đã hình thành những đơn vị an ninh mạng và đã cảnh báo cho những cơ quan đó rồi. Thậm chí sau khi kiểm tra, khảo sát chúng tôi đã kiến nghị ngành này, tập đoàn kinh tế kia tăng cường, củng cố an ninh mạng nhưng nhiều nơi còn coi đó là chuyện xa lắc xa lơ ở đâu, coi không ảnh hưởng đến mình nên chưa chủ động phòng ngừa” – Chủ tịch nước chia sẻ lại những cảnh báo của mình khi còn làm Bộ trưởng Bộ Công an.
Theo Chủ tịch nước, Việt Nam là một trong những mục tiêu hàng đầu để tội phạm mạng tấn công nhưng ý thức phòng ngừa chưa đầy đủ. Ông cho biết tới đây sẽ cùng các ngành chức năng tăng cường chỉ đạo để có giải pháp đồng bộ hơn khả thi hơn để đấu tranh có hiệu quả và ngăn ngừa chiến trang mạng, đảm bảo anh ninh không chỉ vùng trời, vùng biển mà còn trên không gian mạng.
Theo ICT News