Chronos: Before the Ashes kỳ thực là “bản chuyển nền” của tựa game phiêu lưu hành động nhập vai Chronos được phát hành “hộ tống” thiết bị thực tế Oculus Rift VR. Trò chơi xây dựng bối cảnh như phần tiền truyện của Remnant: From the Ashes nhưng ngoài địa danh và một số asset được tái sử dụng, đây lại là hai trải nghiệm hoàn toàn khác nhau. Sự khác biệt này không chỉ về lối chơi mà cả cảm giác điều khiển và đặc biệt là không cần headset thực tế ảo để trải nghiệm. Ngoài ra còn một số điểm khác biệt đáng chú ý khác giúp trải nghiệm game có dấu ấn riêng hơn.
Cốt truyện tuy không phải tập trung của trải nghiệm game, nhưng bạn có thể thu thập các ghi chép đặt rải rác trong màn chơi để tìm hiểu cặn kẽ. Đây cũng là điểm cộng đối với những ai từng chơi qua Remnant: From the Ashes. Bạn có thể đọc được rất nhiều thứ liên quan trong trải nghiệm Chronos: Before the Ashes. Từ những cụm từ quen thuộc như World Stone hay Ward 17, cho đến một lượng kha khá cốt truyện liên quan cũng được diễn giải trong bản tiền truyện này. Chúng giúp người chơi hiểu rõ thêm về những tình tiết và câu chuyện nền diễn ra trong trải nghiệm hậu bản kể trên.
Khác biệt lớn nhất là trong khi hậu bản Remnant: From the Ashes sở hữu lối chơi bắn súng góc nhìn thứ ba, Chronos: Before the Ashes lại sử dụng hệ thống chiến đấu thiên về tấn công cận chiến với góc nhìn tương tự. Nhịp độ chiến đấu cũng tập trung vào những khoảnh khắc cản đòn (parry) và né tránh đúng thời điểm, kết nối với chuỗi tấn công phản đòn của người chơi khiến bạn dễ liên tưởng đến những dòng game Souls. Tuy nhiên, chiến đấu chỉ tạo cảm giác thử thách ở thời điểm đầu trải nghiệm, chứ một khi đã quen dần thì bạn sẽ thấy nó khá nhẹ nhàng và không “củ hành” bằng.
Chronos: Before the Ashes mở đầu với phần tạo nhân vật đơn giản. Câu chuyện mở đầu nói về trái đất sau thảm họa hậu tận thế và hé lộ định mệnh của nhân vật chính vô danh. Bạn phải dịch chuyển đến nơi gọi là Labyrinth để “tiễn đưa” con rồng quái vật đã gây bao thống khổ cho thế giới. Tuy nhiên, cuộc phiêu lưu của nhân vật chính có điểm đặc biệt là nếu bị “bay màu”, nhân vật sẽ phải mất một năm tròn để thực hiện lại sứ mệnh cho đến khi hoàn thành hoặc chết vì tuổi già. Đây cũng là điểm nhấn gameplay độc đáo nhất trong trải nghiệm game.
Về cơ bản, nhân vật của người chơi bắt đầu sứ mệnh ở độ tuổi vừa trưởng thành. Mỗi khi thiệt mạng, nhân vật sẽ mất trọn một năm tuổi để quay trở lại với cuộc phiêu lưu của mình ở checkpoint gần nhất. Việc thăng cấp cũng ảnh hưởng lớn tùy vào độ tuổi của nhân vật ở thời điểm lên cấp. Đơn cử như khi cao tuổi, bạn sẽ cần nhiều điểm kỹ năng hơn để nâng các chỉ số cơ bản như sức mạnh, nhanh nhẹn, sinh lực và ngược lại so với lúc còn trẻ. Tương tự, chỉ số arcane càng về già càng có lợi khi cộng điểm kỹ năng hơn lúc tuổi trẻ chưa từng trải sự đời.
Đạt đến những độ tuổi nhất định, nhân vật sẽ mở khóa các Trait giúp mang đến những lợi thế nhất định tùy vào lựa chọn của bạn, chẳng hạn tăng điểm XP thu thập được hay cường hóa sức mạnh của nhân vật. Hệ thống tuổi già ban đầu mang đến rất nhiều lợi ích, nhưng nó càng phát huy tác dụng trừng phạt về sau khi bạn để nhân vật “bay màu” quá nhiều. Hạn chế lớn nhất là khả năng nâng điểm chỉ số cho nhân vật. Chưa kể, bạn chỉ có thể hồi máu khi thăng cấp hoặc sử dụng tim rồng, trong khi thứ chiết xuất này chỉ được hồi lại “cả vốn lẫn lời” mỗi lần nhân vật thiệt mạng.
Đáng chú ý, chiến đấu trong Chronos: Before the Ashes không tiêu hao thanh thể lực, nên về cơ bản bạn có thể tấn công liên tiếp một khi đẩy kẻ thù vào chiếu dưới. Những kẻ thù nào mà bạn không thể tung đòn phủ đầu chớp nhoáng như trên thì đòi hỏi tính chiến thuật hơn, xoay quanh các yếu tố lăn tròn né tránh, đỡ hoặc cản đòn (parry) đúng thời điểm. Sự thay đổi này giúp trải nghiệm chiến đấu trở nên hào hứng hơn, tránh trường hợp người chơi lạm dụng lối chiến đấu nặng tính lặp lại như phần lớn những tựa game phiêu lưu hành động thiên về nhập vai trên thị trường.
Nhịp độ chiến đấu trong Chronos: Before the Ashes cũng chậm và kém linh hoạt hơn so với các tựa game Dark Souls, dành nhiều thời gian để bạn phản ứng trước đòn tấn công của kẻ thù hơn. Tiết tấu này có phần giống với Mortal Shell mà tôi trải nghiệm gần đây, giúp trò chơi dễ tiếp cận với số đông người chơi hơn. Những khoảnh khắc cần bạn thay đổi lối chiến đấu được xếp xen kẽ nhau, giúp trận chiến khá thỏa mãn khi kết hợp với hệ thống tuổi già. Đặc biệt, trải nghiệm game đòi hỏi bạn phải có sự thay đổi về lối chơi tương ứng sau số lần “bay màu” nhất định.
Đồ họa của Chronos: Before the Ashes gần như không có sự cải thiện so với bản thực tế ảo đã phát hành nhiều năm trước đó. Thiết kế màn chơi khá thú vị, phục vụ tốt cho mục đích khám phá. Các câu đố được xây dựng khá tốt, gợi nhiều cảm giác quen thuộc từ các tựa game Resident Evil kinh điển. Phần lớn đều không khó đến mức khiến bạn vò đầu bứt tóc, nhưng quá trình khám phá để giải đố để lại cho tôi cảm giác thỏa mãn. Trò chơi có hiệu năng tương đối tốt trên Nintendo Switch ở chế độ dock, nhưng tôi cảm nhận được cảm giác kém mượt mà hơn ở chế độ handheld.
Tất nhiên, Chronos: Before the Ashes cũng không hoàn hảo. Tựa game này có cùng vấn đề với “người anh em thiện lành” Remnant: From the Ashes. Đó là hệ thống vũ khí ít thiết thực một khi bạn nâng cấp binh khí yêu thích nào đó đến mức không còn nhu cầu chuyển đổi sang vũ khí khác nữa. Nó khiến những trang bị thu thập được sau đó hoàn toàn vô dụng. Không những vậy, việc chuyển đổi từ trải nghiệm thực tế ảo thành game góc nhìn thứ ba thông thường cũng phát sinh một số vấn đề với góc nhìn camera, gây bất công trong một số tình huống khám phá và chiến đấu.
Vấn đề này không may lại dẫn đến vài cái chết oan uổng khiến tôi khá ức chế. Ngược lại, một số vấn đề camera cố định như những tựa game Resident Evil kinh điển trong bản thực tế ảo trước đây, nay được chuyển sang góc nhìn tốt hơn trong Chronos: Before the Ashes. Điều này dẫn đến trải nghiệm có phần dễ hơn, nhưng trò chơi vẫn có các thiết lập độ khó khác nhau mà bạn có thể điều chỉnh cho phù hợp với trình độ cá nhân. Mặc dù không quá “củ hành” nhưng nếu không cẩn thận, trải nghiệm game vẫn khá thử thách nhất là những trường hợp ba đánh một khá gắt.
Một vấn đề khác nhưng tôi nghĩ nó thiên về cảm giác của mỗi người hơn là thiết lập điều khiển chưa trực quan. Hầu hết các thao tác chiến đấu cơ bản đều sử dụng các nút vai và nút cò trên tay cầm. Tấn công thì sử dụng hai nút bên phải trong khi đỡ và cản đòn dùng hai nút bên trái. Thiết lập này khiến chiến đấu khá khó chịu trong một số tình huống, nhất là khi nhân vật vốn đã di chuyển kém linh hoạt. Trò chơi lại không cho phép thay đổi nút bấm, buộc bạn phải trải nghiệm với thiết lập mà “cha đẻ” của tựa game Darksiders 3 nghĩ là hợp lý nhất.
Sau cuối, Chronos: Before the Ashes mang đến một trải nghiệm phiêu lưu hành động nhập vai khá hào hứng, dù có quy mô nhỏ và thời lượng không dài so với những tựa game cùng thể loại trên thị trường hiện nay. Trò chơi có vài điểm nhấn gameplay tạo sự khác biệt trong trải nghiệm, nhưng thiếu chiều sâu so với “người anh em thiện lành” Remnant: From the Ashes. Nếu xét ở thời điểm phát hành ban đầu thì đó không hẳn là điểm trừ,. Dù vậy, đây vẫn là cái tên khá đáng cân nhắc với những ai yêu thích trải nghiệm game thử thách mà không quá “củ hành”.
Chronos: Before the Ashes hiện có cho PC (Windows), PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên Nintendo Switch.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!