Từ khi viên pin trên smartphone càng trở nên “phát phì” còn nhu cầu sử dụng thì tăng cao, việc trang bị công nghệ sạc siêu tốc trên điện thoại thông minh ngày càng được quan tâm và chú trọng.
Mời bạn cùng Trải Nghiệm Số tìm hiểu về các công nghệ sạc nhanh dành cho smartphone hiện tại để có cái nhìn sơ lược về tính năng quan trọng này.
Tìm hiểu về các công nghệ sạc nhanh
Trước tiên phải nhắc đến Qualcomm là hãng công nghệ tiên phong phát triển công nghệ sạc nhanh đặc biệt ứng dụng trên smartphone với Quick Charge 1.0 ra mắt từ năm 2013.
Thế hệ đầu tiên của Quick Charge khá đơn giản được hiện thực bằng các cung cấp 10W điện năng (5V-2A) – mức công suất mà đến giờ nhiều smartphone hiện vẫn áp dụng. Và ở các thế hệ tiếp theo, Qualcomm đã tìm cách giá tăng mức hiệu điện thế để tăng công suất nạp năng lượng trong khi vẫn duy trì dòng điện ở mức an toàn để không gây nguy hiểm. Điển hình như QC 3.0 hỗ trợ công suất sạc đến 18W (9V-2A) còn QC 4.0 thì hỗ trợ công suất tối đa 24W.
Ngoài ra hãng chip này cũng tích hợp thêm các công nghệ để tối ưu năng lượng và gia tăng độ an toàn cho các thiết bị hỗ trợ Quick Charge. Cụ thể, so với QC 2.0 thì QC 3.0 đã được ứng dụng thuật toán INOV để xác định mức nang lượng truyền vào thiết bị ở những thời điểm khác nhau để đảm bảo hiệu quả.
Hiện QC 4.0 và QC 4+ đã ra mắt nhưng chúng có mặt khá hạn chế trên một số ít smarphone trong khi QC 3.0 hiện vẫn phổ biến. Bên cạnh đó, một số công nghệ sạc nhanh do các hãng điện thoại phát triển như Adaptive Fast Charge (Samsung), Turbo Charge (Motorola) phần lớn đều dựa trên công nghệ Quick Charge của Qualcomm.
Với một kiểu tiếp cận khác, nhà sản xuất Oppo đã nghiên cứu và phát triển công nghệ sạc nhanh VOOC – kể từ chiếc Find 7 ra đời năm 2014 – bằng cách tập trung vào sử dụng bộ sạc và cáp đặc biệt để cung cấp dòng điện cao (4A) hơn các tiêu chuẩn thông thường cùng với điện áp 5V mà thiết bị không hề quá nhiệt. Một nhánh khác của VOOC được OnePlus đăng ký cấp phép dưới thương hiệu Dash Charge.
Hiện các thiết bị tầm trung của Oppo đang áp dụng phổ biến thế hệ sạc nhanh VOOC 3.0 với công suất 20W (5V-4A) kèm nhiều lớp bảo vệ tích hợp từ củ sạc đến thân máy. VOOC hiện tại đã ra mắt đến thế hệ thứ 4 với công suất 30W đi kèm thuật toán VFC giúp giảm thời gian sạc ở khoảng 10% pin cuối cùng.
Cũng lưu ý các công nghệ sạc nhanh hiện tại đều chú trọng đẩy nhanh tốc độ sạc ở khoảng thời gian đầu, và càng về cuối chu trình sạc thì tốc độ sạc sẽ được tiết chế để đảm bảo an toàn cho người dùng và thiết bị. Điều này sẽ giải thích vì sao một smartphone hỗ trợ sạc nhanh có thể nạp được 50% pin đầu tiên chỉ trong 30 phút, nhưng có thể mất đến gần 2 giờ để nạp đầy 100% pin.
Oppo cũng phát triển riêng biến thể nâng cao của VOOC– Super VOOC – dành cho các smartphone cao cấp như Oppo R17 Pro (pin 3.700mAh) với công suất sạc đến 50W (10V-5A) có thể sạc đầy pin chỉ trong 35 phút.
Bên cạnh hai công nghệ sạc nhanh phổ biến trên thì vẫn còn nhiều nhà sản xuất tích cực phát triển và giới thiệu sạc nhanh cho riêng mình. Điển hình như Samsung với Super fast Charge 45W – dựa trên USB Power Delivery – trên Galaxy Note 10+, Huawei với Super Charge 2.0 40W trên Mate 30 Pro…
Ngoài ra còn có các công nghệ sạc nhanh như Pump Express được Mediatek phát triển dành cho các smartphone dùng chip của hãng hay Vivo với công nghệ Dual Engine Fast Charging hay Apple Fast Charge (dựa trên USB Power Delivery).
Chọn smartphone hỗ trợ sạc nhanh
Hiện tại, công nghệ sạc nhanh đã phổ biến rộng ở smartphone nhiều tầm giá nên tùy theo nhu cầu và túi tiền mà người dùng có thể chọn cho mình thiết bị phù hợp nhất.
Điển hình như ở phân khúc chính hãng tầm 3-5 triệu đồng, bạn có thể cân nhắc đến các thiết bị có sạc nhanh giá rẻ đáng chú ý như như Vsmart Joy 2+ (2,99 triệu đồng – pin 4.500mAh hỗ trợ sạc nhanh Quick Charge 3.0 18W). Samsung cũng góp mặt trong phân khúc này với loạt máy Galaxy A20, A30, M20 đồng loạt trang bị pin lớn kèm sạc nhanh 15W. Vivo cũng góp mặt với Y17, Xiaomi có Redmi Note 7, Mi A3 đều hỗ trợ sạc nhanh 18W.
Ở tầm giá 5-10 triệu đồng thì công nghệ sạc nhanh càng trở nên phổ biến hơn. Điển hình là Oppo đưa ra hàng loạt sản phẩm như Realme 5 Pro, Oppo K3, Oppo F11/F11 Pro hỗ trợ VOOC 3.0 20W. Samsung nổi bật với Galaxy A70 (9,29 triệu đồng) với Super fast charge 25W. Với mức giá này thì ở thị trường xách tay có Realme X2 hỗ trợ sạc nhanh VOOC 4.0 30W.
Với phân khúc trên 10 triệu đồng thì công nghệ sạc nhanh lại nâng thêm một bước về công suất sạc giúp rút ngắn thời gian sạc pin cho những smartphone cao cấp và siêu cấp. Cụ thể là Samsung Galaxy Note 10+ (26,99 triệu đồng) tích hợp sạc nhanh Super fast Charge 45W, Oppo R17 Pro (10,49 triệu đồng) hỗ trợ sạc nhanh Super VOOC 50W, Huawei P30 Pro (22,99 triệu đồng) có sạc nhanh Super Charge 40W.
Tính năng sạc nhanh nhìn chung đã và đang phát triển đúng hướng thỏa mãn được nhu cầu của người dùng với khả năng rút ngắn thời gian sạc pin đồng thời đảm bảo an toàn cho người dùng lẫn thiết bị. Và hiện tại các hãng công nghệ vẫn đang không ngừng nâng cấp khả năng sạc nhanh để việc sạc pin tẻ nhạt không còn chiếm quá nhiều thời gian chờ đời trong ngày của người tiêu dùng.
Đó là Xiaomi với thử nghiệm sạc nhanh Super Charge Turbo 100W hứa hẹn có thể nạp đầy pin 4.000mAh chỉ trong 17 phút, hay thậm chí Vivo còn gây choáng hơn với Super Flash Charge 120W có thể sạc ngần ấy pin trong 13 phút.