Chapeau là game party khá độc đáo về “cuộc chiến của những chiếc nón”, có tính cạnh tranh cao và những pha hành động không thể tin được.
Chapeau là một từ tiếng Pháp có nghĩa là nón hoặc mũ tùy vào cách gọi của từng địa phương. Khi bắt đầu trải nghiệm, tôi khá tò mò “nhập vai” cái nón có gì vui mà nhà phát triển Salt Castle Studio làm hẳn thành game. Ở nước ta giờ ra đường chỉ thấy mũ bảo hiểm là nhiều, chứ nón thì chủ yếu chỉ có khách du lịch hoặc dân văn phòng đi làm gần nhà như tôi đội cho đỡ nắng mà thôi. Về tới nhà hoặc đến công sở lại vứt trong xe, chẳng đoái hoài gì đến nó nữa nên không biết bạn nón có tủi thân không. Trong Chapeau chắc là có.
Chiếc nón của người chơi ngoài khả năng “cuốn theo chiều gió”, nó còn biết “bốc đầu”, nhảy hai bước hay thậm chí chạy bật tường như hoàng tử Ba Tư và rất nhiều trò thú vị khác vốn chỉ có trong những tựa game hành động. Chính sự kết hợp này với lối chơi hỗn loạn vui là chính của thể loại game party đã mang đến một trải nghiệm “tin được không” khá hấp dẫn. Nhiệm vụ của người chơi khá đơn giản: điều khiển chiếc nón “nhảy lên đầu” người dân trong thành phố. Kết quả như bạn có thể đoán được, ai “đạp vịt” nhiều nhất thì thắng.
Chapeau có 3 chế độ chơi Multiplayer tuy khác cơ chế gameplay, nhưng lối chơi cơ bản vẫn xoay quanh yếu tố “trèo lên đầu lên cổ” nói trên, thông qua việc điều khiển chiếc nón di chuyển trong môi trường màn chơi. Kém hấp dẫn nhất là Where is Wilhelm. Mô tả đơn giản thì nó giống phiên bản rút gọn của Hitman 2 vậy. Bạn sẽ điều khiển chiếc nón “cuốn theo chiều gió” khắp nơi trong màn chơi để tìm và “đạp đầu” nhân vật bị “truy nã” nào đó và thu thập đồng xu vàng, rồi tiếp tục với các mục tiêu khác theo yêu cầu và cứ thế để so điểm.
Chế độ chơi Color Craze thì có hơi khác biệt một chút. Người chơi sẽ chia thành hai đội, mỗi đội 2 người hoặc “loạn chiến” nhau dựa trên màu sắc. Mỗi người hoặc đội phải “đạp vịt” càng nhiều NPC cùng màu càng tốt trong thời gian cố định, nên trải nghiệm hào hứng hơn Where is Wilhelm khá nhiều. Tuy nhiên, chế độ chơi này vẫn không hỗn loạn bằng The Floor is Lava. Không những màn chơi dần trở thành mối nguy hiểm khi dung nham nóng cháy nón ngày càng dâng cao, mà mục tiêu chỉ đơn giản là “đạp đầu” càng nhiều NPC càng tốt.
Ngoài ba chế độ chơi chính nói trên, người chơi còn có thể “vượt qua chính mình” với những thử thách trong chế độ Challenges để mở khóa màn chơi và “nhân vật mũ” mới. Tuy nhiên, như cái tên của nó gợi ý, đây không phải là chế độ chơi dành cho người chơi mới vì độ khó của nó khá cao. Trải nghiệm trong Challenges chủ yếu chỉ là những biến thế của ba chế độ chơi Multiplayer nói trên, mục đích là để tăng thêm giá trị chơi lại thông qua yếu tố mở khóa mà thôi.
Không những vậy, mặc dù gọi là Multiplayer nhưng ba chế độ chơi chính đều có hỗ trợ solo với bot, nhưng trải nghiệm Chapeau vẫn hấp dẫn hơn khi bạn “đại chiến” cùng bạn bè. Thế nhưng, vấn đề lớn nhất của trò chơi nằm ở điều khiển, đôi lúc vẫn khiến tôi cảm thấy lúng túng vì cảm giác khá vụng về khó điều khiển trên tay cầm Joy-Con của Nintendo Switch. Ngay cả khi tham gia đầy đủ Tutorial, tôi vẫn không tránh khỏi một vài phần hướng dẫn bị bắt phải làm đi làm lại mà không biết bản thân đã sai chỗ nào.
Vi diệu hơn là khi tôi làm đại không theo hướng dẫn thì lại vô tình qua được. Thế mới tài! Chưa kể, thiết lập nút bấm cũng không trực quan cho lắm nhưng lại không cho người chơi tùy chỉnh. Chẳng hạn nút Dash xài nhiều nhất được gán cho ZL trên tay cầm Joy-Con của máy Nintendo Switch. Trong khi nút nhảy lại gán cho ZR và B. Cả hai nút nhảy này đều không thuận tiện khi chơi ở chế độ handheld do khiến cảm giác khá cấn tay. Dùng nút B thì dễ vướng cần analog phải, trong khi kết hợp nút ZR với Dash bằng ZL khá mỏi tay.
Kỳ thực, “nhân vật nón” của người chơi khá linh hoạt và có thể thực hiện rất nhiều “chiêu trò” biểu diễn không thể tin được, chẳng hạn “lộn mèo” hay “lấy thịt đè người” từ trên không để hỗ trợ người chơi trong các tình huống “loạn chiến”. Tuy nhiên, nhịp độ chơi khá nhanh trong khi mức độ chính xác của cần analog trên tay cầm Joy-Con khá tùy hứng, khiến cảm giác trải nghiệm không thật sự hào hứng như mong đợi. Ở góc độ người chơi, tôi đồ rằng đây là vấn đề của bản Nintendo Switch hơn là lỗi thiết kế game.
Vấn đề ở chỗ, Chapeau không tự động điều chỉnh góc nhìn camera. Thay vào đó, người chơi phải tự điều chỉnh liên tục trong quá trình chơi để nhắm hướng “đạp vịt”. Thao tác này khiến việc điều khiển trở nên khó khăn hơn khi trải nghiệm game ở chế độ handheld trên máy Nintendo Switch. Theo kinh nghiệm cá nhân, tôi nghĩ vấn đề này sẽ đỡ hơn nhiều trên các nền tảng khác do thiết kế tay cầm thuận tiện hơn Joy-Con. Tuy nhiên, do không có điều kiện trải nghiệm nên người viết cũng không thể xác nhận điều này.
Thế nhưng, ngay cả khi điều khiển không phải là vấn đề, Chapeau vẫn có những vấn đề khác mà chủ yếu là cảm giác thiếu sự trau chuốt. Đồ họa là điều dễ thấy nhất. Mặc dù đồ họa khá đẹp, nhiều màu sắc bắt mắt và các NPC nhìn khá “sang chảnh”, nhưng môi trường màn chơi lại không đồng nhất về chất lượng. Ngược lại, thiết kế các mẫu nón theo tiêu chí độc lạ thường chỉ thấy ở những lễ hội hóa trang cũng là một điểm cộng nho nhỏ. Nhạc nền cũng khá ổn với giai điệu vui tai, rất phù hợp với trải nghiệm đặc trưng.
Sau cuối, Chapeau mang đến một trải nghiệm game party với ý tưởng đơn giản nhưng khá vui. Tuy nhiên, một số vấn đề của trò chơi mà cụ thể là phiên bản Nintendo Switch có thể khiến trải nghiệm kém hào hứng so với kỳ vọng. Dù vậy, điểm cộng của phiên bản này là hỗ trợ chơi multiplayer mỗi người một tay cầm Joy-Con với khả năng cơ động cao. Nếu muốn tìm một cái tên để “quẩy hết mình” cùng bạn bè sau thời gian cách ly xã hội kéo dài, đây hiển nhiên là tựa game khá đáng cân nhắc.
Chapeau được phát hành cho PC (Windows, macOS) và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác