Biểu tượng Google Doodle vinh danh nhà vật lý người Hungary, Tiến sĩ Ignaz Semmelweis, người đầu tiên khám phá ra những lợi ích y tế của việc rửa tay.
Vào ngày 20 tháng 3 năm 1847, ông Semmelweis đã được bổ nhiệm làm Trưởng khoa Phụ sản tại Bệnh viện Đa khoa Vienna. Tại đây, ông đã suy luận và chứng minh được rằng việc bắt buộc các bác sĩ khử trùng tay sẽ giúp giảm thiểu tỷ lệ lây truyền bệnh một cách đáng kể.
Sinh tại vùng Buda (hiện thuộc thủ đô Budapest), Hungary vào ngày 1/7/1818, Ignaz Semmelweis tốt nghiệp bằng thạc sĩ ngành hộ lý và đạt được học vị tiến sĩ tại Đại học Vienna. Khi ông bắt đầu công tác tại Bệnh viện Đa khoa Vienna vào giữa thế kỷ 19, một căn bệnh lây nhiễm hiểm nghèo và bí ẩn được gọi là “sốt hậu sản” đã dẫn đến tỷ lệ tử vong cao ở sản phụ đang ở cữ trên khắp Châu Âu.
Ông Semmelweis khi ấy quyết tâm tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Sau một cuộc điều tra kỹ càng, ông đã suy luận rằng chính các bác sĩ đang lây truyền những tác nhân gây bệnh từ những cuộc phẫu thuật và khám nghiệm tử thi trước đó cho các sản phụ mới sinh vốn nhạy cảm qua tiếp xúc bằng tay.
Ông đã ngay lập tức đặt ra một yêu cầu rằng tất cả nhân viên y tế phải rửa tay giữa những lần thăm khám cho các bệnh nhân, kết quả là, tỷ lệ lây nhiễm trong khoa của ông đã bắt đầu giảm mạnh.
Nhưng không may, nhiều đồng nghiệp của Semmelweis ban đầu đã hoài nghi ý kiến này. Phải đến nhiều thập kỷ sau đó, khuyến nghị giữ vệ sinh của ông mới được công nhận nhờ vào “Thuyết mầm bệnh” của Louis Pasteur được chấp nhận rộng rãi.
Hôm nay, Semmelweis được tưởng nhớ như “cha đẻ của phương pháp kiểm soát lây nhiễm”, được ghi nhận vì đã tạo nên một cuộc cách mạng không chỉ ở lĩnh vực sản khoa mà còn cả ngành y tế, giúp các thế hệ sau biết rằng rửa tay là một trong những cách thức hiệu quả nhất để ngăn ngừa sự lây lan dịch bệnh.