Catherine Classic là một tựa game giải đố pha trộn chút kinh dị tâm lý khá độc đáo khi lấy đề tài về những vấn đề người lớn trong cuộc sống.
Khi phát hành lần đầu trên nền tảng Xbox 360 và PlayStation 3 từ năm 2011, Catherine đã nhận rất nhiều những “lời có cánh” dành tặng cho trò chơi từ giới chuyên môn lẫn người chơi. Thế nhưng mãi đến tận bây giờ thì người chơi PC mới có dịp trải nghiệm tựa game tuyệt vời này với cái tên mới Catherine Classic.
Về cơ bản, Catherine Classic giống như một tựa game mô phỏng cuộc sống với những thử thách được thay thế bằng những màn leo tháp mang yếu tố giải đố khá thú vị. Nhân vật của người chơi là Vincent, một anh chàng tuổi “băm” đang có mối quan hệ lâu dài với cô người yêu Katherine. Trong khi cô bạn gái muốn cả hai kết hôn và sống cuộc sống hôn nhân thì nhân vật chính lại đang tìm kiếm một công việc mới. Thế rồi, mối quan hệ của họ bắt đầu rối tung lên khi có sự xuất hiện của cô nàng trẻ đẹp xinh tươi Catherine. Từ đó, Vincent thường xuyên gặp những cơn ác mộng đến quấy nhiễu và bạn sẽ phải giúp nhân vật vượt qua các cơn ác mộng thật giả khó lường đó.
Phần lớn trải nghiệm trong Catherine Classic khá nặng tính lặp lại, trong đó nhiệm vụ của người chơi là leo lên tới đỉnh một tòa tháp. Để làm được điều này, bạn phải dịch chuyển những khối đá dọc tòa tháp làm sao để tạo thành những bậc thang lối đi cho nhân vật lên đỉnh. Càng về sau sẽ có nhiều ý tưởng về các khối đá mới được đưa vào để làm mới trải nghiệm, nhưng gameplay cơ bản của trò chơi vẫn vậy. Trò chơi cũng có thêm một số ý tưởng đơn giản giúp màn chơi dễ thở hơn, như nhặt dọc màn chơi hoặc dùng Enigma Coin kiếm được trong trải nghiệm để mua những vật phẩm “xếp gạch”.
Thậm chí, bạn có thể tìm những chiếc gối kê đầu trong màn chơi để dùng làm số lượt chơi lại mỗi khi để nhân vật sảy chân rơi xuống vực. Bởi lẽ, dù trải nghiệm được thiết kế như một giấc mơ, nhưng chết trong mơ sẽ dẫn đến cái chết ngoài đời của nhân vật khiến “game over” sớm hơn dự kiến khi bạn sử dụng hết gối. May mắn là Catherine Classic khá hào phóng với số lượng gối kê đầu và những điểm checkpoint, nên trải nghiệm không đến nỗi khó khăn lắm. Chưa kể, bạn cũng có thể điều chỉnh ba độ khó trong trải nghiệm để hành trình leo tháp của Vincent đỡ ức chế và căng thẳng hơn.
Hoặc nếu gặp trở ngại trong trải nghiệm leo tháp, người chơi cũng có thể sử dụng nút “hồi lại” để quay ngược lại một số bước di chuyển sai lầm nào đó. Sau một số màn leo tháp như vậy là màn đánh boss khá hài hước và cũng vô cùng kịch tính, có thể phá tan những khối đá mà bạn leo trèo trong chớp mắt. Vấn đề ở chỗ, những màn giải đố trong game không hề dễ, nhiều lúc mang tới cảm giác khá bất công trong trải nghiệm. Kỳ thực, đây không phải là điều gì mới mẻ vì khi phát hành lần đầu trên nền tảng console cách đây gần chục năm, nhà phát triển đã từng phải tung bản vá để điều chỉnh lại độ khó quá cao của trò chơi.
Thế nhưng, với những ai lần đầu trải nghiệm, độ khó của Catherine Classic cũng “không phải dạng vừa đâu”. Nhiều chi tiết thử thách rất dễ khiến bạn nổi điên, chẳng hạn như con boss đầu tiên có thể “quẫy nát” một khối đá nào đó hoặc sau này còn đụng độ với kẻ thù “chơi dơ”, có thể giúp bạn “I believe I can fly” xuống vực để vẫy tay chào thần chết. Trò chơi làm khá tốt việc hướng dẫn người chơi cơ chế gameplay đặc trưng, với nhiều ý tưởng mới mà không mới nhưng vẫn khá độc đáo để giải đố. Việc bạn cần phải làm là sắp xếp những cơ chế gameplay đó và vận dụng những gợi ý từ những bạn cừu khác để đưa ra lời giải hợp lý, nhằm đạt được mục tiêu cuối cùng: lên đỉnh.
Đây là một thiết kế khá thú vị của Catherine Classic. Trò chơi bỏ đi yếu tố “mở khóa” kỹ năng như thường thấy trong những tựa game khác. Thay vào đó là cách mà người chơi phát hiện ra những kỹ thuật giải đố này, thông qua việc chuyện trò với những bạn cừu đồng cảnh ngộ khác. Tuy nhiên, càng về sau thì số lượng kỹ thuật giải đố ngày càng nhiều, có thể khiến một số người chơi cảm thấy khó khăn để nhớ những hết toàn bộ những cơ chế này và vận dụng chúng hợp lý ở những câu đố cụ thể. Ở góc độ người chơi thì tôi cũng nhận thấy đó là một trong những yếu tố mang đến tính thử thách trong trải nghiệm giải đố của game.
Bên cạnh những màn giải đố leo tháp, nhân vật của người chơi sẽ chén thù chén tạc với bạn bè ở quán bar Stray Sheep. Đây cũng là nơi để bạn có thể đọc và trả lời tin nhắn, cũng như lắng nghe những tâm sự sâu tận đáy lòng của nhân vật chính. Vì đây không phải là một tựa game hướng đến đối tượng người chơi trẻ nên nhiều vấn đề được đề cập trong trải nghiệm có thể không phù hợp với những người chơi này. Từ chuyện tình cảm phức tạp, tình yêu tay ba, sự phản bội, khủng hoảng tinh thần, cho tới những nhân vật độc đáo và gây nhiều ấn tượng, chẳng hạn như người chuyển giới. Tất cả đều là những chuyện người lớn đầy rắc rối và phức tạp, được xây dựng một cách khéo khéo léo trong trải nghiệm Catherine Classic.
Thế nhưng, những quyết định của người chơi sẽ dẫn đến những kết cục khác nhau. Đây cũng chính là yếu tố hấp dẫn nhất trong trải nghiệm game. Người chơi không tự xây dựng lên một câu chuyện riêng như thường thấy trong những tựa game visual novel, mà các lựa chọn của bạn sẽ quyết định kết thúc dành cho nhân vật như thế nào. Điều đáng ngạc nhiên là trò chơi khắc họa khá chân thật những tình huống có thật ngoài đời, nên tạo cảm giác khá hào hứng, kích thích người chơi tò mò trải nghiệm. Mặc dù có đôi chỗ thiếu thuyết phục, nhưng với một trò chơi có trải nghiệm độc đáo như Catherine Classic thì điều đó khó có thể tránh khỏi.
Dù vậy, chút khiếm khuyết đó vẫn đủ để mang đến một chút thất vọng nhẹ. Chẳng hạn cách mà trò chơi khắc họa nhân vật Vincent giống hệt một gã đàn ông tồi tệ. Anh ta có vẻ yêu thích màu hường, không những áo hồng mà ngay cả chiếc quần trong những phân đoạn “không có gì ngoài chiếc quần đùi” cũng phải là chấm bi màu hồng mới chịu. Điều tôi ấn tượng nhất ở nhân vật này là thái độ vô trách nhiệm với những gì anh ta đã gây nên. Hay ít nhất là nhà phát triển chưa tạo được cái cảm xúc đó của nhân vật này cho người chơi thấy. Điều đó khiến cho cảm giác tội lỗi của nhân vật này trong game trở nên kém thuyết phục.
Thậm chí, tôi còn cảm thấy tội nghiệp cho nhân vật Katherine khi lại vớ phải gã đàn ông vô dụng này. Ngay cả việc đưa ra quyết định rõ ràng cho mối quan hệ lâu năm của mình mà cũng không làm được. Trong khi đó, hình tượng hai nhân vật nữ lại là đại diện cho hai thái cực khác nhau trong suy nghĩ của nhân vật chính. Đó cũng có thể là quan điểm trái chiều của mỗi người chơi trong trải nghiệm Catherine Classic. Đây chắc chắn là một trong những tựa game đáng nhớ nhất mà tôi từng chơi trên nền tảng Xbox 360. Thế mà giờ đây khi tiếp tục dùng tay cầm Xbox 360 để chơi lại trên PC, tựa game này vẫn tiếp tục mang đến một cho tôi một ấn tượng khá sâu đậm về yếu tố “con” và “người” trong trải nghiệm, cùng nhiều thông điệp đáng nhớ khác.
Thế nhưng, Catherine Classic đáng tiếc chỉ là một bản chuyển nền từ console sang, không hơn không kém. Trò chơi không có cải tiến gì đáng chú ý ngoài việc nâng cấp đồ họa lên độ phân giải cao hơn và một số tùy chọn về thiết lập đồ họa khá hạn chế, nhưng vẫn không mang đến hình ảnh sắc nét như mong đợi. Dù vậy, đây không hẳn là vấn đề vì với thiết kế đặc trưng của trò chơi thì mọi thứ có chút hư ảo thiếu sắc nét mới mang đến cảm giác trải nghiệm phù hợp nhất. Tuy nhiên, tốc độ khung hình không được mở khóa và luôn khóa ở 30fps trong phần chơi chính khiến tôi khá thất vọng. Các đoạn chuyển cảnh lia máy quay khá giật, không rõ là do đặc trưng của các đoạn anime chuyển cảnh hay là vấn đề của phiên bản PC.
Mặt khác, do thiết kế ban đầu dành cho console nên trải nghiệm game cũng dễ chơi hơn với tay cầm. Mặc dù nhà phát triển có bổ sung thêm điều khiển bằng bàn phím nhưng tôi cảm thấy rất khó trải nghiệm. Thiết kế các phím nhấn trên bàn phím không trực quan, nhất là khi dính đến phần điều khiển nhân vật và điều chỉnh góc camera. Cả hai yếu tố này đều không dễ dàng khi điều khiển bằng tay cầm. Chưa kể, trò chơi cũng có vấn đề khó hiểu khi nhận nhầm tay cầm Xbox 360 thành tay cầm PlayStation nên hiển thị sai nút nhấn, gây không ít rắc rối do cả hai tay cầm này đều có nút X nhưng vị trí đặt khác nhau. Lỗi này thậm chí vẫn xuất hiện trong bản Public Patch mới nhất ở thời điểm đăng bài.
Ngoài ra, trò chơi còn có một số vấn đề khác như không hiện phụ đề ở một số phân đoạn hay hitbox tương tác trong một số trường hợp khá hẹp, chẳng hạn như khi Vincent vào phòng thú tội. Bù lại, việc hỗ trợ cả hai ngôn ngữ lồng tiếng Nhật và tiếng Anh là một điểm cộng lớn. Cả hai phần lồng tiếng này đều khá ấn tượng. Các diễn viên lồng tiếng thật sự thổi được cái hồn cho các nhân vật chính. Đây là một trong những tựa game hiếm hoi trên thị trường khiến tôi cảm thấy hài lòng với phần lồng tiếng của trò chơi, đặc biệt là ở cả ngôn ngữ gốc tiếng Nhật lẫn tiếng Anh.
Sau cuối, Catherine Classic mang đến một trải nghiệm giải đố với nội dung khá đặc biệt khi hướng đến những vấn đề người lớn mà rất hiếm tựa game nào khai thác. Nếu bạn từng bỏ lỡ tựa game này trước đây thì phiên bản PC là cơ hội thứ hai rất đáng để trải nghiệm mà bạn không nên bỏ qua.
Catherine Classic được phát hành cho Windows. Trò chơi cũng được phát hành trên nền tảng Xbox 360 và PlayStation 3.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác