Card test main là một thiết bị hỗ trợ kỹ thuật viên chuẩn đoán chính xác các lỗi liên quan đến phần cứng (cụ thể ở đây là mainboard) làm cho máy tính không lên.
Thông thường, các loại card test main sẽ được cắm trực tiếp trên khe PCI hoặc PCI express của mainboard bị lỗi để kiểm tra. Có hai cách để kiểm tra main bằng card test main, một là nhận biết các đèn LED trên card test main, hay là xem các chỉ số hiển thị trên card.
Nguyên tắc hoạt động của card test main
- Nguyên tắc hoạt động của card test rất đơn giản, chủ yếu là dựa trên quá trình POST của BIOS.
- Khi bật máy lên đối với loại nguồn AT hoặc nhấn nút Power thì trước tiên Main và CPU phải chạy được.
- Tiếp theo là quá trình Post của BIOS hoạt động, nó kiểm tra tất cả main, cpu, ram…nói chung là thành phần kết nối với mainboard
- Quá trình này sẽ diễn ra trong yên lặng cho đến khi nghe được âm thanh thì màn hình mới hiện lên. Lúc này quá trình Post đã gần như thực hiện xong.
Nhận biết các đèn LED trên card test main
Thông thường trên các card test main sẽ có những đèn LED báo hiệu nguồn chính là 5V, 12V, 3V.
Nếu một trong các đèn LED này không sáng có nghĩa máy tính không hoạt động được. Đặc tính cụ thể của từng loại đèn LED báo hiệu trên card test main bao gồm:
- Đèn CLK: Đèn LED này sáng báo hiệu xung clock hoạt động tốt.
- Đèn RST: Khi bật máy tính lên, đèn RST sẽ sáng lên rồi tắt đi để báo hiệu cho chúng ta biết đã có xung reset.
- Đèn 7 đoạn (hiển thị chỉ số): Thông thường sẽ có 2 hoặc 4 LED này sáng báo hiệu mã Post.
Ngoài ra sẽ còn có một số đèn LED khác báo hiệu chỉ số: Frame (OSC), BIOS (IRDY), Run. Những đèn này có thể có hoặc không tùy theo từng loại card test main mà kỹ thuật viên sử dụng.
Quan sát chỉ số nháy trên card test main
Ở trên mình có đề cập đến đèn 7 đoạn, nếu card test main nháy các số lần lượt là C0, C1, C3, D0, D1, …EA … 7F … FF hoặc FFFF có nghĩa là main, CPU, RAM đã chạy và không có vấn đề gì xảy ra với các thiết bị phần cứng này.
Tuy nhiên các chỉ số trên vẫn chạy lần lượt như vậy mà máy tính vẫn không lên thì 100% là do lỗi VGA gây ra. Bạn hãy thử tháo VGA ra vệ sinh cho sạch sẽ rồi cắm lại.
- Nếu card test main nháy đến các chỉ số là C0, C1, C3, C5, C6 hoặc D0, D1, D3, D5, D6, EA rồi dừng hoặc nháy lặp lại thì chắc chắn là do lỗi ở Ram, hãy vệ sinh ram và khe ram trên main hoặc dùng một thanh Ram khác cắm thử.
- Nếu đèn LED 7 đoạn không sáng nghĩa là nguồn hoặc main, CPU chưa hoạt động. Bạn hãy thay thế các kinh kiện lần lượt để tìm ra nguyên nhân. Thông thường đây là lỗi do CPU, hãy tháo CPU ra rồi lắp lại.
- Nếu đèn LED 7 đoạn hiện ngay chỉ số FF hoặc FFFF thì có thể là main hoặc CPU, đa phần là lỗi main.
- Nếu đèn LED 7 đoạn hiện ngay chỉ số C0, C1 hoặc D0, D1 là do RAM hoặc khe RAM trên main chưa tiếp xúc.
- Nếu đèn LED 7 đoạn báo lung tung số hoặc số 26 thì nguyên nhân là card test main dỏm.
- Nếu đèn LED 7 đoạn hiện ngay chỉ số 05, D6, C5 thì nguyên nhân chính là lỗi BIOS.
- Nếu đèn led 7 đoạn hiện ngay chỉ số 7F rồi dừng lại nghĩa là máy tính đã chạy tốt, tuy nhiên bạn cần bấm phím F1 để máy tính tiếp tục chạy.
Card test main rất có ích trong việc kiểm tra BIOS, CPU và RAM… nên rất phù hợp sử dụng với các kỹ thuật viên phần cứng.
Hiện nay các card test main đã được bày bán tương đối phổ biến trên thị trường, các loại card này thông thường sẽ có mức giá dao động từ 100.000 đến 800.000 đồng tùy theo chức năng của card và độ chính xác cao hơn. Card test mainboard là một trong các cách test mainboard được người dùng đánh giá cao vì nó sử dụng qua giao tiếp PCI.
Một điều bạn cần phải lưu ý khi thực hiện cách test mainboard bằng card test đó là bạn phải mua dòng card thống nhất giữa các nhà sản xuất BIOS (AMI, Award) để chúng có thể báo đúng trên một số mainboard khác.
Nếu bạn muốn vọc thử bạn có thể tìm mua card test main trên Shopee hay Sendo.