Captain Tsubasa: Rise of New Champions là game chuyển thể từ bộ manga/anime kể về nhân vật Ozora Tsubasa, cậu bé mê bóng đá từng ghi dấu trong lòng thế hệ 7x và 8x nước ta vào những năm đầu thập niên 90.
Captain Tsubasa là bộ manga khá đặc biệt khi phát hành lần đầu tại đất nước mặt trời mọc đến nay đã gần 40 năm. Đây được xem là tác phẩm để đời của mangaka Yoichi Takahashi và cũng là nguồn cảm hứng về môn túc cầu cho nhiều tuyển thủ bóng đá nổi tiếng một thời của Nhật cũng như quốc tế như Hidetoshi, Zidane hay Totti v.v… Đáng chú ý, đa số các phần manga về Tsubasa đều đã được xuất bản trong nước ta từ những năm 1990. Sự thành công bất ngờ không tránh khỏi việc nó được chuyển thể sang anime và trò chơi điện tử.
Thậm chí, đài HTV3 trước đây cũng từng trình chiếu bộ anime Captain Tsubasa trên truyền hình mà thế hệ 9x có thể đã được xem. Tuy nhiên, trong khi anime thông dụng thì game không may mắn như vậy. Mặc dù sở hữu số lượng không hề nhỏ, trải dài trên các hệ máy tự cổ chí kim và từ console đến handheld, nhưng hầu hết các tựa game đều không được chuyển ngữ và phát hành quốc tế. Thậm chí, số lượng trò chơi có bản fansubs cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, nếu có cũng gần như không có bản dịch nào hoàn chỉnh.
Chính vì vậy mà Captain Tsubasa: Rise of New Champions được tôi chờ đợi muốn hóa hòn vọng phu suốt nhiều tháng qua. Tuổi thơ chợt ùa về một cách sinh động và hấp dẫn hơn bao giờ hết trong trải nghiệm, khi được gặp gỡ và điều khiển những nhân vật từng một thời yêu thích. Gặp lại Nakazawa Sanaé thời “dại trai” ngày xưa cứ ngỡ như gặp lại cô bạn thân ngồi cạnh suốt bao năm cấp 2. Nhìn Nitta Shun tung cú sút diều hâu hất tung lưới Morisaki Yuzo khiến tôi phải bóp trán cố nhớ đây là thời điểm nào trong manga đã từng xem.
Captain Tsubasa: Rise of New Champions lấy bối cảnh gần cuối bộ manga đầu tiên và trước bộ World Youth có tựa Việt hóa của nhà xuất bản Trẻ là Hậu Tsubasa. Thời điểm này, Tsubasa đang là đội trưởng của đội bóng trường trung học Nankatsu và cùng đồng đội tập luyện với quyết tâm giành hattrick vô địch liên trường. Khi đó, Hyuga Kojiro bất ngờ xuất hiện do thám đội hình và không lâu sau là màn biểu diễn như một lời thách thức của Nitta Shun cùng các thành viên của đội bóng trường trung học Otomo.
Với nội dung được chuyển thể từ manga/anime vốn có nhiều ý tưởng “chuyện bịa như thật”, Captain Tsubasa: Rise of New Champions chắc chắn không phải là game mô phỏng bóng đá như nhiều người lầm tưởng. Thậm chí, nếu chỉ quen chơi FIFA hoặc PES suốt nhiều năm qua, trải nghiệm game chắc chắn không dành cho bạn vì rất nhiều cơ chế gameplay khác biệt. Mặc dù vậy, trừ những tuyệt chiêu sút bóng của các nhân vật, nhiều ý tưởng trong đó vẫn mang cảm giác khá giống đời thật chẳng hạn như thanh tinh thần (Spirit Gauge) hay V-Zone.
Spirit Gauge giống như thanh thể lực của nhân vật. Mỗi khi sút bóng hoặc tăng tốc thì thanh này sẽ giảm đi và tự hồi dần khi bạn không làm gì tiêu hao thể lực. Ngược lại, V-Zone là thanh cổ động tinh thần cho cả đội. Thanh này được tăng dần mỗi khi đội bóng thi triển thành công hành động gì đó, chẳng hạn cướp được bóng từ đối thủ hay ghi bàn khí thế. Khi kích hoạt, thanh này sẽ tăng tốc độ hồi phục Spirit Gauge và Shoot Gauge trong thời gian nhất định. Tính chiến thuật chủ yếu nằm ở cách mà bạn “điều phối” các thanh nói trên.
Trải nghiệm chơi đơn trong Captain Tsubasa: Rise of New Champions được gọi là The Journey, chia thành thành hai episode khác nhau. Episode: Tsubasa là phần trải nghiệm theo cốt truyện trong bộ manga/anime, nhưng vì lý do “tuyệt mật” để dành bất ngờ cho bạn nào chưa chơi, tôi không thể tiết lộ nội dung kéo dài đến đâu trong manga và anime. Phần chơi này được khuyến cáo dành cho những ai lần đầu đến với game Tsubasa, một phần do trải nghiệm dễ hơn vì nhân vật điều khiển là Tsubasa có đầy tuyệt chiêu sút và rê bóng.
Đáng chú ý, Episode: Tsubasa không buộc bạn phải đấu tất cả các trận mà chỉ điểm qua một số trận quan trọng trong manga. Thông qua các đoạn chuyển cảnh mang phong cách anime quen thuộc, những tình tiết quan trọng bước ra từ manga đều được tái hiện trên màn hình trải nghiệm. Đơn cử như gần đầu game là phân cảnh Nitta Shui tung cú sút diều hâu hụt hay khoảnh khắc Tsubasa lừa bộ tứ đội Otomo dâng lên và chuyền bóng ra sau cho “đồng đội vàng” Misaki Taro. Thắng hay bại phụ thuộc khoảnh khắc bấm nút đúng lúc, thú vị chỗ đó.
Xen kẽ trước, giữa và sau các trận đấu là những lần hội thoại giữa đồng đội, đối phương và câu chuyện kể kiểu visual novel với các tình tiết quen thuộc trong manga. Thế nhưng, điểm cộng hấp dẫn nhất trong trải nghiệm Captain Tsubasa: Rise of New Champions là được điều khiển những nhân vật yêu thích, tung tuyệt chiêu quen thuộc sút bóng vào khung thành đối thủ. Tiếc là không còn những pha xé màn hình hay rách lưới như trong các phần chơi Captain Tsubasa cũ nữa, mà chỉ có cảnh thủ môn bị bóng đẩy vào lưới thôi.
Ngược lại, chế độ Episode: New Hero mang đến nhiều tự do hơn trong tùy biến nhân vật. Thay cho Tsubasa, người chơi sẽ điều khiển nhân vật tự tạo với tư cách là thành viên của một trong các đội bóng trung học. Chế độ chơi này giống như bạn đang xem anime có thể tương tác vậy. Thông qua trải nghiệm thông thường cả offline lẫn online, người chơi thu thập một loại tiền tệ gọi là Play Point. Ở thời điểm bài viết, trò chơi không cho mua Play Point bằng tiền thật, nhưng trong tương lai có thể thay đổi.
Về cơ bản, Play Point có thể dùng để mua khá nhiều thứ liên quan đến khả năng tùy biến nhân vật, phần lớn là vật phẩm trang trí hoặc Friend Card mở khóa nhân vật cho “đội hình trong mơ” của bạn. Tuy nhiên, đáng chú ý nhất là vật phẩm “rèn luyện sức khỏe” để tăng chỉ số cho nhân vật mạnh hơn. Nói đơn giản thì nó giống như bạn gian lận để các trận bóng trong Episode: New Hero trở nên dễ dàng hơn. Vật phẩm này chỉ có thể dùng một lần trước khi vào trận và nó sẽ hết hiệu nghiệm sau khi kết thúc trận đấu.
Mặc dù là hai chế độ chơi với nhân vật khác nhau, nhưng tâm điểm trải nghiệm đều xoay quanh những màn đối đầu 1v1 và khoảnh khắc bấm nút “đúng người, đúng thời điểm”, thi triển các kỹ thuật lừa hoặc cướp bóng từ đối thủ. Mỗi chế độ chơi trong The Journey có ưu và khuyết điểm riêng. Cá nhân tôi thích Episode: Tsubasa hơn vì được trải nghiệm cảm giác hoài cổ như xem lại bộ manga Captain Tsubasa trên nền đồ họa 3D kiểu anime khá đẹp. Nhìn qua tạo hình các nhân vật quen thuộc đều khiến tôi dễ dàng nhận ra ai với ai ngay.
Bên cạnh hai chế độ chơi The Journey hấp dẫn, Captain Tsubasa: Rise of New Champions còn có thêm các chế độ chơi offline và online cho phép người chơi co-op hoặc so tài với nhau. Ở thời điểm bài viết rất khó tìm được người chơi online. Đáng chú ý nhất là chế độ Ultimate Edit mà tôi gọi là “đội hình trong mơ” nói trên, trao cho người chơi cơ hội tạo đội bóng riêng với những nhân vật yêu thích trong manga, thậm chí thiết kế logo. Đây là ý tưởng fan service thú vị mà ngay cả các tựa game FIFA những năm gần đây cũng không có.
Yếu tố fan service trong Captain Tsubasa: Rise of New Champions cũng thú vị không kém. Thông qua trải nghiệm, người chơi sẽ mở khóa hàng loạt nội dung, từ các hoạt cảnh kịch tính trong manga hoặc những kỷ niệm của Tsubasa được tái hiện dưới nền đồ họa game cho tới soundtrack. Tiếc là không có soundtrack từ bộ anime. Ở góc độ người chơi, tôi có cảm giác Captain Tsubasa: Rise of New Champions là trải nghiệm “tiểu thuyết trực quan” được pha lẫn với những trận bóng đá để làm mới trải nghiệm visual novel hơn là ngược lại.
Sau cuối, Captain Tsubasa: Rise of New Champions mang đến một trải nghiệm khá trung thành với nguyên tác về mặt nội dung. Điểm trừ lớn nhất của game là cảm giác khó chịu mỗi khi bạn để thua trận và phải chơi lại. Khi đó, người chơi bị buộc phải xem lại tất cả các phân đoạn thoại visual novel và hoạt cảnh cũ mà không có tính năng bỏ qua tất cả để đi thẳng vào trận đấu. Nếu yêu thích bộ manga/anime Captain Tsubasa, đây chắc chắn là cái tên rất đáng chú ý mà bạn sẽ không muốn bỏ qua, nhưng cũng đồng nghĩa không dành cho tất cả.
Captain Tsubasa: Rise of New Champions được phát hành cho PC (Windows), PlayStation 4 và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác