Dù chất lượng của công nghệ in Zink khá kém nếu không nói là rất tệ, nhưng không hiểu sao vẫn có nhiều nhà sản xuất lao đầu vào và lần này là Canon.
Sau Polaroid, Fujifilm, LG rồi HP, đến nay lại đến Canon bước chân vào thị trường “chụp ảnh lấy liền” sử dụng công nghệ Zink. Nếu bạn không biết thì Zink là một công nghệ giấy nhiệt có lớp phủ màu đặc biệt, khi gia nhiệt lên bề mặt giấy sẽ tạo ra hình ảnh màu với kích cỡ khoảng 5cm x 7,5cm. Trước đây từng có một trào lưu từ phim Hàn khiến dòng sản phẩm Instax Camera của Fujifilm bán rất chạy nhưng nó đã thoái trào từ nhiều năm nay. Ở nước ta hiện tại cũng có một số quầy chụp ảnh kỷ niệm lấy liền dạng này, được một cụm rạp đặt ở các trung tâm thương mại trong nước. Cơ bản nó giống như chụp hình sticker hồi xưa rất được giới trẻ ưa chuộng vậy, nhưng hình chụp ra bằng công nghệ này thì không có chức năng “dán dính” như hình sticker.
Vấn đề của công nghệ Zink là ảnh in ra tuy là ảnh màu, nhưng lại chất lượng lại rất kém. Sở dĩ tôi dám khẳng định như vậy là vì tôi cũng sở hữu một chiếc máy in ảnh di động LG Pogo sử dụng công nghệ này và ảnh in ra chất lượng tệ ngoài mong đợi. Không những ảnh bị nhiễu hạt, sai màu mà còn có độ bão hòa màu rất kém, nói tóm lại là tệ “toàn tập”. Nếu so với những bản in ảnh bằng máy in phun màu thì đã kém cả trời cả vực, nói chi tới những bản in bằng máy in màu laser hay các loại máy in kỹ thuật số chuyên dụng của giới kỹ thuật, kiến trúc sư.
Bất chấp điều này và không hiểu vì lý do gì mà Canon lại bất ngờ tung ra mẫu máy in màu di động Ivy Mini Photo với mức giá 130USD và lời quảng cáo là khuyến khích “thế hệ sáng tạo mới”. Thậm chí những hình ảnh quảng cáo của Canon cũng có vẻ được photoshop một cách “cách điệu” khá xa so với chất lượng thật sự của công nghệ này. Nhưng nếu bạn muốn có một chiếc máy in di động có thể in ảnh mọi lúc mọi nơi, thì đây có thể là một giải pháp tạm chấp nhận nhất là khi các hãng khác đang dần dần bỏ rơi công nghệ này.