Càng gần đến thời điểm tết Nguyên đán 2019 càng gia tăng các rủi ro trong giao dịch trực tuyến. Dù cảnh giác nhưng với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, không chắc gì bạn sẽ tránh được nếu không lưu ý các kịch bản sau đây.
Theo cảnh báo từ Ngân hàng Vietcombank, đối tượng gian lận thường chủ động liên hệ với khách hàng qua điện thoại, mạng xã hội hoặc email với các nội dung giả mạo cơ quan điều tra thông báo liên quan đến một vụ án bất kỳ và yêu cầu khách hàng chuyển tiền để phục vụ điều tra; giả mạo thông báo trúng thưởng từ ngân hàng hoặc các công ty lớn; giả mạo người thân, bạn bè nhờ chuyển tiền hộ; giả mạo cán bộ của ngân hàng để yêu cầu cung cấp mật khẩu hoặc mã PIN để xử lý sự cố liên quan đến các dịch vụ ngân hàng điện tử hoặc thẻ.
Vietcombank cho biết đã ghi nhận một số kịch bản lừa đảo mới của các đối tượng gian lận. Đơn cử như, với người dùng là chủ đơn vị bán hàng trực tuyến, đối tượng giả mạo người đang ở nước ngoài cần mua hàng hóa dịch vụ/trực tuyến cho người thân. Sau đó, đối tượng yêu cầu thanh toán bằng cách chuyển tiền qua dịch vụ chuyển tiền (MoneyGram, Western Union…). Sau khi người dùng đồng ý, đối tượng gửi họ tin nhắn có link truy cập webiste giả mạo. Khi người dùng truy cập vào link này thì bị yêu cầu cung cấp thông tin bảo mật ngân hàng điện tử. Trong trường hợp người dùng cung cấp thông tin bảo mật ngân hàng điện tử, đối tượng sẽ lợi dụng để thực hiện giao dịch gian lận.
Đối với người dùng đang sử dụng ví điện tử (Zalo, MoMo, Payoo…) đăng tải câu hỏi lên website/Fanpage của nhà cung cấp, Vietcombank cho hay, đối tượng mạo danh là nhân viên của nhà cung cấp dịch vụ để liên hệ với người dùng và hỏi về vướng mắc khi sử dụng dịch vụ. sau đó, đối tượng sẽ lừa người dùng cung cấp thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng điện tử như là 1 bước yêu cầu để khắc phục lỗi dịch vụ. Sau khi người dùng cung cấp, đối tượng sẽ lợi dụng thông tin này để thực hiện giao dịch gian lận.
Với người dùng có nhu cầu vay tín dụng trực tuyến, đối tượng giả mạo là người cho vay trực tuyến để lừa những người có nhu cầu vay vốn. Theo đó, đối tượng yêu cầu người dùng cung cấp hồ sơ và thông tin dịch vụ ngân hàng điện tử. Sau đó, đối tượng lợi dụng các thông tin này để thực hiện giao dịch gian lận.
Đáng chú ý, một kịch bản lừa đảo mới là giả mạo cán bộ ngân hàng Vietcombank gọi điện thoại cho khách hàng và yêu cầu khách hàng cung cấp mật khẩu đăng nhập tài khoản trực tuyến hoặc các ứng dụng của Vietcombank (VCB-Mobile B@nking, VCBPAY, Smart OTP…) để hỗ trợ nâng cấp phần mềm, ứng dụng hoặc xác định danh tính khách hàng. Sau đó, đối tượng đối tượng sẽ lợi dụng thông tin này để thực hiện giao dịch gian lận.
Để tự bảo vệ mình, người dùng cần lưu ý giữ bí mật thông tin bảo mật các dịch vụ Ngân hàng điện tử gồm mã PIN thẻ, mật khẩu truy cập, mật khẩu giao dịch một lần OTP, mật khẩu truy cập địa chỉ email cá nhân cho bất cứ ai và bằng bất cứ hình thức nào (nhắn tin, trả lời điện thoại, tiết lộ trực tiếp…); xác thực người đề nghị bạn thực hiện giao dịch tài chính: đối tượng gian lận có thể giả mạo danh tính của người khách hàng quen biết thông qua mạng xã hội cũng như các kênh liên lạc khác như email, điện thoại, thư giấy, SMS… để lừa đảo, gợi ý quý khách cho vay/chuyển tiền tới tài khoản của tin tặc.
Đồng thời, kiểm tra thông tin được sử dụng để thực hiện giao dịch, chỉ nên thực hiện giao dịch tại website uy tín, có độ bảo mật cao và kiểm tra kỹ tên miền website trước khi gõ các thông tin bảo mật (đối tượng gian lận có thể chuyển hướng khách hàng đến các website lừa đảo); Cập nhật các phần mềm bảo mật và ứng dụng Vietcombank mới nhất; Đăng xuất khỏi tài khoản ngay sau khi hoàn thành phiên giao dịch.