Mới đây, khách hàng của Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) nhận được email mạo danh VPBank yêu cầu cung cấp lại thông tin tài khoản thẻ, thông tin cá nhân để chiếm đoạt tiền. Rất may, vụ việc đã được ngăn chặn.
Nhân danh “bảo mật tốt hơn” để lừa đảo
Chị Trịnh Thu H. (ngụ tại Q.9, TP.HCM) cho biết, chị sở hữu thẻ visa của VPBank được 5 năm nay. Mới đây, chị bất ngờ nhận được email từ địa chỉ ebank@ebank.vpbank.com.vn, yêu cầu nhập lại thông tin cá nhân kể cả số thẻ, ngày hết hạn, mã xác minh thẻ (còn gọi là mã CVV, là 3 chữ số in ở mặt dưới thẻ).
Phía gửi thư nhân danh “gần đây, ngân hàng (NH) nhận được một báo cáo an ninh công cộng địa phương và thấy rằng nhiều thẻ tín dụng đã bị người lạ đánh cắp” nên khách hàng cần mở trang web http://ebank.vpbank.com.vn/security.html và điền chi tiết về thẻ để bảo mật tốt hơn.
Nhận thấy tên website trên không giống như website của VPBank mà mình thường truy cập (https://www.vpbank.com.vn), chị H. gọi đến tổng đài NH này thì được biết đã bị kẻ xấu dùng email giả để đánh cắp thông tin thẻ tín dụng.
Đại diện VPBank cho biết, gần đây, NH cũng phát hiện một số thư điện tử giả danh VPBank gửi cho khách hàng, hướng dẫn khách hàng cách thức bảo mật thẻ tín dụng, tài khoản thanh toán và gợi ý cung cấp thông tin thẻ theo một đường dẫn được cung cấp sẵn.
NH đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp ngăn chặn việc lừa đảo nêu trên. Đến nay, VPBank chưa nhận được phản ánh của khách hàng về việc bị đánh cắp tài khoản.
Vào đầu tháng 7/2018, NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cũng cảnh báo về việc xuất hiện giao dịch lừa đảo qua email. Cụ thể, đã có một số khách hàng thông báo họ chuyển tiền nhưng không đến đúng người nhận do đã bị “hack” mail.
Kẻ lừa đã xâm nhập vào hệ thống email của khách hàng và đối tác để thay đổi thông tin về người hưởng trên hợp đồng hoặc bổ sung phụ lục hợp đồng, các chứng từ liên quan.
Theo tiến sĩ Chu Nguyên Bình – Phó tổng giám đốc NH Thương mại cổ phần Bắc Á – thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao ngày càng được “nâng cấp”, thay đổi liên tục theo thời gian.
Chẳng hạn, vào năm 2017, rộ lên thủ đoạn sử dụng điện thoại giả danh công an yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản; lắp đặt thiết bị tại ATM/POS để sao chép dữ liệu, làm giả thẻ rút tiền; cung cấp một số đường link có giao diện rất giống giao diện đăng nhập internet banking của NH; giả vờ mua hàng, sau đó chuyển khoản trực tiếp qua dịch vụ Western Union hoặc MoneyGram từ nước ngoài về rồi lừa đảo nạn nhân để đánh cắp thông tin.
Đến đầu năm 2018, rộ lên thủ đoạn yêu cầu nạn nhân đăng ký dịch vụ internet banking bằng số điện thoại do chúng cung cấp.
Theo kế hoạch đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 95% NH triển khai dịch vụ NH trực tuyến (internet banking, mobile banking) và 30% NH triển khai dịch vụ NH số. NH số sẽ là tương lai của ngành NH và đây cũng có thể là mảnh đất màu mỡ để tội phạm công nghệ cao bày ra nhiều thủ đoạn lừa đảo tinh vi hơn.
Ý thức bảo mật phải được đề cao
Từ vụ mới đây nhất của VPBank, các chuyên gia cho rằng, tội phạm đã chuẩn bị kỹ lưỡng. Chúng đã tạo sự chú ý với khách hàng bằng cách đề cập đến việc nhiều thẻ tín dụng bị đánh cắp, gửi email trong bối cảnh VPBank cũng vừa gửi thông báo cho khách hàng (tháng 6/2018) về việc tăng cường bảo mật thông tin thẻ thanh toán.
Theo phó giám đốc một chi nhánh NH thương mại tại TP.HCM, ý thức bảo mật của người dân giúp ích rất nhiều cho NH trong việc đấu tranh, ngăn chặn loại hình tội phạm này.
Theo vị phó giám đốc này, trong hầu hết các phương thức lừa đảo, bọn tội phạm đều dẫn dắt nạn nhân để thực hiện được mục đích rút/chuyển tiền từ thẻ (tất cả loại thẻ). Hiện nay, hầu hết các NH đều triển khai internet banking và đều có mật khẩu OTP.
Đây là mật khẩu sử dụng một lần do NH cung cấp, được gửi về điện thoại qua tin nhắn SMS với mỗi yêu cầu giao dịch, nhằm gia tăng sự an toàn cho khách hàng. OTP sẽ mất hiệu lực trong vài phút, nên nếu đối tượng rút/chuyển tiền từ một địa điểm khác, phải gọi cho khách hàng để lấy mã OTP.
“Đối tượng ở xa, khi nhận được mã OTP từ khách hàng, phải mất vài phút, mã không còn hiệu lực. Nhưng có khách vẫn tiếp tục cung cấp mã OTP lần hai, lần ba, thậm chí hàng chục lần, cho đến khi kẻ lừa đảo thực hiện trót lọt giao dịch mới biết mình bị lừa” – vị phó giám đốc trên ngao ngán.
Khả năng đòi lại tiền trong các vụ lừa đảo là rất khó. Do đó, khách hàng cần thận trọng, phải xác định chính xác mình đang thực hiện giao dịch đúng địa chỉ của tổ chức tài chính hoặc đúng trang thương mại điện tử uy tín; không đăng nhập hay giao dịch trực tuyến khi thấy có dấu hiệu bất thường.
“Để bảo mật thẻ tín dụng và tài khoản NH, khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin đăng nhập, thông tin tài khoản, mã OTP cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên NH; không đăng nhập vào những website lạ hoặc nghi ngờ là website lạ; không cung cấp thông tin in trên thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, thẻ ATM như số thẻ, họ tên, ngày cấp, ngày hết hạn, mã CCV cho bất kỳ ai. Trong trường hợp có nghi ngờ, cần liên hệ ngay với đường dây nóng của NH để được hướng dẫn chi tiết” – đại diện VPBank khuyến cáo.