Dạo gần đây đang rộ lên trình trạng này, bạn cần chú ý để tránh “mất cả chì lẫn chày”.
Đây là chia sẻ từ Facebook của anh Quyến Trần, mình xin phép chia sẻ lại vì rất quan trọng. Tóm tắt lại là iPhone của bạn bị mất, vì lý do nào đó một số người đã mạo danh công an để tra hỏi bạn thông tin và lừa cho bạn nghĩ rằng bạn sắp nhận lại điện thoại trong khi mục đích chính là để bạn khai ra password iCloud. Nếu đã có mật khẩu iCloud trong tay thì chúng dễ dàng đăng xuất tài khoản của bạn ra và bán lại máy cho người khác.
Toàn bộ nội dung chia sẻ như sau:
“GIẢ DANH CÔNG AN CHIẾM ĐOẠT ICLOUD !
Trưa nay đang tung tăng chở dzợ đi shoping thì được người nhà gọi báo rằng Công An đã tìm được cái iPhone tui bị mất hồi tháng trước. Đưa số 0898140884 kêu tui liên hệ để nhận lại máy.
Tui bị mất điện thoại ngày 09/08/2017 đến hôm nay là hơn 1 tháng. Nguyên nhân là do bất cẩn bên bị chim đại bàng gắp mất, tui cũng xác định là không thể nào lấy lại được. Đến khi người nhà gọi thì tui như mở cờ trong bụng. Niềm tin vào cuộc sống lại dâng lên mãnh liệt.
Mà tui cũng lấy làm lạ vì điện thoại tui có cài passcode, thiết lập tự động khóa màn hình sau 30s và bị mất hơn 1 tháng thì không biết bên Công An làm sao có được số điện thoại người thân của tui mà gọi nữa. Mà thôi, có số thì cứ gọi xem sao, biết đâu được.
Lần đầu gọi thì gặp một anh bắt máy tự xưng là Cơ Quan Công An với giọng cáu gắt hỏi tui muốn gặp ai ? tên gì ? Không có tên thì không cho gặp. Ảnh làm căng quá mà lúc nãy tui cũng không hỏi người nhà là gọi lên gặp ai nên tui hẹn ảnh để tui gọi về nhà hỏi lại.
Gọi về nhà thì mới biết lúc nãy anh Công An dặn kĩ lắm là gọi lên gặp anh Tuấn – đội trưởng Đội Điều Tra. Nghe nhiêu đó là đủ rồi, tui gọi lại liền số 089140884 và vô thẳng vấn đề xin gặp anh Tuấn – đội trưởng Đội Điều Tra. Lúc này anh Công An trẻ mới kêu tui giữ máy để kêu anh Tuấn xuống nghe điện thoại.
Đợi chừng 30 giây thì bên kia có giọng Nam cũng miền Trung nhưng ấm áp hơn : “Alo, tôi Tuấn – đội trưởng Đội Điều Tra nghe đây !” .
Tui trình bày sự việc là người nhà có nhận được cuộc gọi là Công An phường đã tìm lại được điện thoại của tui và gọi tui lên nhận dìa thì bên kia ngắt lời : À, con là Quyến đúng không ? Đêm qua Đội Công An Điều Tra vừa triệt phá 1 băng nhóm trộm cướp và thu giữ 16 điện thoại di động. Chú thấy có cái iPhone tên Quyến Trần của con nên chú mở ra lấy số người nhà gọi kêu con lên xác minh để nhận lại máy. Đúng 3h chiều nay, con cầm theo bản sao CMND và Hộ Khẩu lên Công An Phường 2, Quận Tân Bình gặp trực ban là chú Hải để làm thủ tục nhận lại máy. Yêu cầu con phải đến đúng giờ và mang theo đầy đủ giấy tờ như chú yêu cầu. Còn bây giờ chú sẽ xác minh một số thông tin để đảm bảo con là chủ nhân của điện thoại này. Con lưu ý : cuôc gọi này được ghi âm để khi con đến làm việc trực tiếp sẽ bật lên để đối chiếu với câu trả lời, làm cơ sở để trả máy cho con. Nên con phải trả lời chính xác và chịu trách nhiệm cho câu trả lời của mình. Con sẵn sàng chưa ?Xong chú hỏi họ tên đầy đủ của Ba tui, Má tui, Dzợ tui, địa chỉ nhà tui đủ thứ các cái mà cái nào cũng chính xác hết trơn. Làm tui đứng hình chỉ biết dạ dạ mà thôi.
Rồi chú đọc qua danh bạ của tui kêu cái nào đúng thì xác nhận cho chú. Tui vừa nghe chú đọc vừa lấy điện thoại ra kiểm tra chứ sao mà nhớ nổi, chú đọc 6 số đúng hết cả số và tên người tui lưu trong danh bạ. Xong chuyển qua hỏi tui màn hình khóa tui để hình gì, rồi có dán màn hình không. Tới cái passcode thì tui nói là không nhớ vì tui đã đổi sang passcode mới rồi. Chú “động viên” : ráng nhớ đi con, cái này quan trọng lắm, không có là không lấy máy được đâu. Tui nói đại chắc là 6 số 0 đó chú. Chú nói : vậy là không đúng nhe con, của con là 191919. Tới đây là tui ngỡ ngàng luôn, vì passcode tui vẫn dùng số cũ mà. Xong chú nói : vậy là con không trả lời chính xác rồi, giờ chú hỏi 1 câu cuối con phải tập trung trả lời cho chính xác, có phải iCloud mà trên máy của con là quyentran123456 không ? Tui nói : dạ đúng !. Chú tiếp : OK, giờ con đọc thật chậm password để chú xác minh lần cuối, nhớ đọc rõ để máy ghi âm được nhe con, đọc sai là không lấy máy được nhe con. Tui cũng đọc nhưng hình như lúc đó rối quá đọc lộn password iCloud của thằng bạn. Xong chú kêu cần 5 phút để xác minh, sau đó chú sẽ gọi lại rồi cúp máy luôn.
Trong lúc ngồi chờ chú Tuấn gọi lại kêu lên nhận máy tui muốn lưu ý với bà con như sau :
- Kẻ gian hoàn toàn có thể bẻ khóa passcode của iPhone và xâm nhập danh bạ, ghi chú, tin nhắn lưu trên máy. Và đối tượng chúng chọn để gọi là những người phụ nữ lớn tuổi được lưu trong danh bạ như : Cô Năm, Thím Sáu, Dì Bảy, Bà Ngoại, Mẹ,…. Vì những người này thường nhẹ dạ, cả tin nên chúng sẽ khai thác thông tin và dung thông tin đó để tạo long tin với khổ chủ.
- Tiếp đến, khi khổ chủ gọi đến chúng liên tục hối thúc lên Trụ Sở nhận máy đúng giờ (tui gọi lúc hơn 2h thì chúng hẹn 3h) và nhắc đi nhắc lại phải đem theo giấy tờ tùy thân bản sao đúng như yêu cầu. Mục đích đánh lạc hướng sự cảnh giác và không cho chúng ta thời gian để nhờ sự trợ giúp.
- Cuối cùng là chiêu ghi âm để đối chiếu thông tin và bắt buộc phải trả lời chính xác chỉ nhằm mục đích lấy password iCloud mà thôi.
Ngoài chiêu lừa bằng cách gọi điện thoại này, trước đây cũng có một số bài cũng cảnh báo kẻ gian dung 1 tổng đài giả để gửi tin nhắn vào số điện thoại khổ chủ, trong đó có kèm 1 đường link ( giả mạo trang Apple ) yêu cầu nhập password iCloud vào là chúng chiếm luôn quyền iCloud. Bà con nên cảnh giác !
Bên dưới comment là kinh nghiệm của tui sau khi mất máy hồi tháng trước, có tham khảo từ nhiều bài viết trên mạng.
Cảm ơn bà con đã quan tâm theo dõi !”
Anh Quyến Trần cũng chia sẻ một số cách để tăng tính bảo mật cho iPhone:
- Không sử dụng email thường dung để làm tài khoản iCloud mà nên tạo 1 email riêng biệt chỉ dung để đăng kí tài khoản iCloud.
- Không đăng nhập email của iCloud trên chính máy iPhone đó.
- Luôn sử dụng bảo mật 2 lớp cho email và iCloud của mình
- Số điện thoại để nhận mã xác nhận cho tài khoản iCloud và email không phải là số dung trên chính iPhone mà nên là số điện thoại khác ( có thể là sim phụ hoặc số người thân ).
- Đặt luôn PIN SIM để không ai dung được sim của mình trên máy khác.
- Ngoài ra, không cung cấp password iCloud cho bất kì tin nhắn hay đường link nào gửi tới số điện thoại của mình với thông báo đã tìm thấy iPhone của bạn. Tất cả đều giả mạo, vì Apple không rảnh đến vậy.
- Cuối cùng, nếu bị mất máy mà không am hiểu thì nên tham khảo ý kiến của chuyên gia.