Bên cạnh những điểm nổi bật về cải tiến khả năng quay phim siêu chậm, zoom hay tích hợp sâu AI thì nhiếp ảnh trên smartphone đã và đang chứng kiến sự phổ biến của hai trào lưu hứa hẹn sẽ tiếp tục khuynh đảo thị trường điện thoại thông minh trong năm 2020: tăng chấm và tăng số lượng ống kính.
Cuộc đua tăng chấm
Một trong những trào lưu chủ đạo của nhiếp ảnh trên smartphone chính là cuộc đua tăng chấm đã tái khởi động sau một quãng thời gian dài tững có dấu hiệu chững lại khi hầu hết các máy đầu bảng chỉ dừng cảm biến camera chính 12 chấm.
Và nếu như năm 2018, Huawei P20 Pro từng gây dấu ấn với camera độ phân giải đến 40MP thì trong năm 2019, việc tích hợp các cảm biến 48MP hay 64MP đã dần trở nên bình thường. Không chỉ các máy cận cao cấp như Samsung Galaxy A80 mà đến cả những smartphone tầm trung như Redmi Note 8 Pro hay Realme 5 Pro cũng đã làm quen với những cảm biến độ phân giải cao để góp phần tăng tính cạnh tranh.
Chúng ta thậm chí đã chứng kiến sự xuất hiện của Xiaomi Mi Note 10, chiếc điện thoại đầu tiên dùng cảm biến đến 108MP. Hầu như chúng đều đều dựa trên một số nền công nghệ nổi bật như cảm biến Quad Bayer hay pixel binning (gộp điểm ảnh).
Thậm chí cảm biến 108MP có thể sẽ trở nên “bình dân” và khiêm tốn trong năm 2020 này. Nếu những tin đồn đoán là chính xác thì Samsung Galaxy S11 sẽ được công ty Hàn Quốc trang bị cảm biến 108MP với công nghệ gộp điểm ảnh (pixel binning) 9 trong 1 của hãng. Samsung cũng đang phát triển cảm biến máy ảnh 144MP với kích thước điểm ảnh 0,7um.
Dù biết rằng độ phân giải cao chỉ là đóng góp một phần ảnh hưởng trong việc tạo ra bức ảnh đẹp bằng smartphone, nhưng số chấm khổng lồ vẫn có tích cực đến chất ảnh.
Và trong lần trở lại này, camera trên smartphone không chỉ đơn thuần gia tăng số chấm càng cao càng tốt mà thực sự áp dụng cảm biến độ phân giải cao để tạo ra những bức ảnh chất lượng nhờ tính năng gộp điểm ảnh để tạo ra điểm ảnh lớn nhằm tăng khả năng thu sáng, giảm nhiễu.
Đồng thời, phần cứng trên smartphone gần như đã trưởng thành hơn để đạt hiệu năng cao để có thể “gánh” được cụm camera với số chấm khủng. Điển hình là vừa qua, Qualcomm cũng đã giới thiệu con chip Snapdragon 865 đầu bảng có thể hỗ trợ cảm biến đến 200MP. Và hãng này cũng đưa ra dự đoán rằng sẽ sớm có smartphone tích hợp camera 200MP được trình làng trong năm 2020.
Số lượng ống kính cũng gia tăng
Bên cạnh cuộc đua tăng “chấm” thì việc tăng cường số lượng ống kính cũng được các nhà sản xuất tích cực áp dụng trên smartphone của mình trong năm 2019 vừa qua cũng như trong tương lai gần năm 2020.
Ngay cả nhà sản xuất kỳ cựu như Apple cũng đã phải thoả mãn thị hiếu của người dùng khi vừa cho ra mắt những iPhone 11 Pro/ iPhone 11 Pro Max có đến 3 camera sau. Trong khi ở lãnh địa của smartphone chạy Android thì xuất hiện của cụm camera sau đến 4 ống kính thậm chí đã trở nên bình thường trong năm 2019 với những mẫu tầm trung như Xiaomi Redmi Note 8, Realme 5…hoặc thậm chí Nokia 9 PureView sử dụng đến 5 camera sau.
Trong nỗ lực chung nhằm tối ưu chất lượng và gia tăng tính linh hoạt cho cụm camera trên smartphone nên các nhà sản xuất cũng đang tích cực gia tăng số lượng trên ống kính ở mặt sau của điện thoại bất chấp phải vất vả giải quyết các thách thức về thiết kế, hiệu năng, thuật toán xử lý ảnh lẫn việc tiêu tốn năng lượng.
Với các thành tựu hiện tại của công nghiệp smartphone thì hầu hết các bài toán đồng hành với hệ thống camera đa ống kính đã được giải quyết tốt như sử dụng bộ xử lý ảnh mạnh mẽ hơn, chip xử lý tín hiệu số tiết kiệm năng lượng và thậm chí tận dụng khả năng hỗ trợ của mạng nơ rôn.
Độ chi tiết cao, khả năng zoom quang, tạo hiệu ứng xoá phông, bokeh, góc chụp siêu rộng hay gần đây nhất là chụp cận cảnh macro…chính là những yêu cầu thời đại của các smartphone hiện nay và việc tích hợp càng nhiều camera sẽ có thể giúp đưa ra lời giải hợp lý cho bài toàn trên.
Thay vì phải chăm chăm phát triển ra một camera đủ sức đáp ứng hết thảy những yêu cầu trên thì sự kết hợp cùng lúc của nhiều camera sẽ cung cấp những tính năng tân tiến và linh hoạt có thể sẽ trở thành tương lai của nhiếp ảnh trên smartphone.
Nhất là khi một camera nếu đạt chức năng tương đương của một cụm nhiều camera thì sẽ tiếp tục đặt ra nhiều bài toán về sự phức tạp trong việc chế tạo và khả năng tích hợp lên smartphone – như kích thước camera có thể làm smartphone “phình” to ra – hay quan trọng nhất là giá thành của sản phẩm cũng sẽ gia tăng đáng kể.
Thế thì tại sao lại không lựa chọn cách tiếp cận đơn giản và dễ dàng hơn là nếu muốn trang bị tính năng chụp ảnh thế nào thì chỉ việc dùng thêm cảm biến tương ứng và gắn nó vào mặt sau của điện thoại theo cách mà hầu hết các nhà sản xuất hiện tại đang theo đuổi.
Mới đây nhất, Samsung cũng giới thiệu chiếc Galaxy A51 – không cần bàn sâu đến khả năng chụp ảnh macro trên camera thứ 4 của chiếc smartphone này nữa bởi nó đã trở thành tính năng quen thuộc của smartphone 2019 – dường như chính là điềm báo gợi mở rằng trong năm 2020 này sẽ tiếp tục có sự bùng nổ của smartphone với thêm nhiều ống kính ở mặt sau trên mọi phân khúc giá.
Thảo Trần