Để cài game bản quyền theo cách thông thường, người dùng phải có thẻ thanh toán quốc tế và tiêu mất vài trăm ngàn đồng chỉ để sở hữu được “vài món”. Trong khi đó, các dịch vụ nhận cài hàng trăm ứng dụng “chính hãng” với phí tương đương một lần cập nhật firmware.
Thị trường hiện không lạ lẫm với các dịch vụ cài đặt phần mềm, chép game các loại dành cho điện thoại thông minh, máy tính bảng. Hai năm trở lại đây, cài đặt ứng dụng là lĩnh vực kinh doanh béo bở khi nhu cầu của người dùng đăng tăng lên một cách chóng mặt. Giá cả các thiết bị di động ngày càng rẻ, đủ mọi thương hiệu lớn, nhỏ, lẫn hàng noname . Kéo theo đó là một tiềm năng kinh doanh dịch vụ cho di động rộng lớn tại Việt Nam vẫn đang được nhiều cá nhân lẫn doanh nghiệp khai thác ráo riết.
Anh Đào Đức Duy, ngụ đường Lâm Văn Bền, Quận 7, TP.HCM, khiến đám bạn phải “lóa mắt” khi chiếc iPad của mình đang cài đến cả trăm trò chơi nổi tiếng mà không cần phải jailbreak để xài lậu. Bạn bè trầm trồ hỏi thăm, anh cười khoái chí: “Mình dùng tiền mua từ Apple Store đấy”. Tuy nhiên, không ai biết anh Duy chỉ phải tốn khoảng gần 100.000 đồng cho bộ sưu tập hoành tráng nầy.
Khảo sát trong phạm vi nhỏ, cứ 10 người sử dụng smartphone, máy tính bảng thì chỉ có 2-3 người có thể tự cài đặt, nâng cấp phiên bản, cài đặt ứng dụng lậu… Trong khi đó, số còn lại đều thông qua các kho ứng dụng chính thức của hãng để tải và cài đặt. Cũng có khoảng 20 – 30 % lượng người dùng chấp nhận trả một khoản phí cao để mua bản quyền ứng dụng chính thức cho riêng mình.
Chính vì vậy, loại hình dịch vụ chép ứng dụng bản quyền ra đời nhắm vào số đông nhu cầu người dùng hiện tại với một mức phí khá rẻ, nếu như so với việc trả phí mua trực tiếp. Người dùng thoả mãn được cả việc sở hữu ứng dụng bản quyền như một dân chơi “cao cấp” mà không cần phải phá hỏng cấu trúc đang vận hành ổn định của máy bởi việc jailbreak iOS, root Android…
Giá rẻ bất ngờ
Nhiều người dùng chắc chắn không khỏi bất ngờ khi chỉ cần tốn khoảng 100.000 đồng cho hơn 100 ứng dụng và game bản quyền. Mức phí quá rẻ so với giá bản quyền ứng dụng, game trên các “chợ” chính hãng. Tính trung bình, chúng hiện có giá vào khoảng từ 20.000 – 40.000 đồng cho một sản phẩm.
Tùy vào dung lượng bộ nhớ trong của máy, gói phí ứng dụng cũng sẽ khác nhau. Với gói cơ bản, một máy có bộ nhớ 16 GB có thể chép được từ từ 150 – 160 ứng dụng. Mức phí chép cho các loại máy tính bảng cũng sẽ cao hơn so với điện thoại khoảng 50.000 đồng trên cùng một dung lượng. Người dùng cũng có thể lựa chọn cách thức trả phí theo gói ứng dụng tự chọn với mức phí chỉ 1.000 đồng trên mỗi ứng dụng.
Các điểm dịch vụ thường cung cấp kho ứng dụng khá lớn để người dùng có thể tự do lựa chọn tại chỗ hoặc từ trên chính website của mình trước khi đến sao chép.
Với nhiều người, việc bỏ thời gian ra để nghiên cứu bẻ khóa để cài phần mềm lậu thực sự không hấp dẫn bằng cách nhờ đến các dịch vụ có sẵn cho nhanh, gọn, lẹ.
Thậm chí, cách thức bẻ khóa máy để cài đặt phần mềm lậu đang gặp nhiều phản ánh làm cho hệ thống máy hoạt động bất ổn định về lâu về dài. Máy bẻ khóa dễ gặp tình trạng chạy ngày càng nặng nề sau một thời gian.
Bên cạnh đó, nhiều thông tin gần đây cho thấy mức độ an toàn và nhiều lỗ hổng sau khi máy bị bẻ khóa đang gây nhiều thiệt hại cho người dùng. Nhiều thông tin tài khoản bị chiếm đoạt, nhiều người bị mất tiền trong tài khoản hay thậm chí bị theo dõi trong thời gian lâu dài mà vẫn không hay biết.
Loại hình dịch vụ cài game, ứng dụng bản quyền nói trên ra đời nhắm đến tính nhanh chóng tiện lợi cho số đông người dùng đang sử dụng các thiết bị di động thông minh. Với 160 ứng dụng và game, thời gian chờ để sao chép cho một khách hàng chỉ vào khoảng từ 15 – 20 phút. Trong khi, nếu thực hiện thủ công tại nhà, tải phần lậu người dùng có khi phải mất hàng tháng để sưu tập bộ ứng dụng đồ sộ này. Chưa tính đến độ ổn định của đường truyền mạng, tốc độ truyền tải dễ làm tập tin tải bị đứt quãng giữa chừng và phải thực hiện lại từ đầu.
Việc cài đặt phần mềm lậu cũng dễ gặp lỗi hơn trong quá trình sử dụng như hiện tượng bị văng ra màn hình chính, đứng hình, tắt nguồn, khởi động máy khi đang chơi game…buộc người sử dụng phải cài đi cài lại nhiều lần ứng dụng để tìm bản thích hợp hay thậm chí cài đặt lại toàn bộ hệ điều hành. Trong khi, với các phần mềm bản quyền, khâu cài đặt ban đầu đã tự xác định máy phù hợp để cấp phép cài đặt hay không. Người dùng chỉ cần cài đặt một lần duy nhất để sử dụng ổn định.
Tuy nhiên, dịch vụ tiện ích nầy cũng bộc lộ điểm yếu khi người dùng không thể tự cập nhật phần mềm tại nhà mà phải đến trực tiếp tại cửa hàng. Các cửa hàng đều cung cấp dịch vụ bảo hành, nâng cấp ứng dụng miễn phí trọn đời dành cho máy của khách hàng đã từng chép game tại đây.
Nhưng để đứng vững và hút khách cũng không phải là một việc dễ dàng. Bởi để đáp ứng được nhu cầu khách hàng đa dạng thì cửa hàng phải sở hữu được kho ứng dụng bản quyền càng nhiều càng tốt, luôn cập nhật những ứng dụng, hoặc trò chơi hút khách. Điều đó đòi hỏi họ phải bỏ ra một khoản tiền lớn để sưu tầm trong khoảng thời gian khá dài.
Kho ứng dụng được cửa hàng dùng tài khoản riêng của mình và đồng bộ với máy của khách hàng khi cần. Máy khách cũng sẽ phải dùng chính tài khoản nầy để đồng bộ ứng dụng nhưng họ sẽ không được cung cấp mật khẩu. Chính vì vậy, khách hàng muốn cập nhật, cài đặt thêm ứng dụng khác phải trực tiếp đến cửa hàng cũ để trợ giúp. Từ một bản quyền ứng dụng ban đầu, chủ dịch vụ cũng có thể chia sẻ cho hàng trăm khách hàng khác sử dụng.
Anh La Thanh Hải, chủ doanh nghiệp chepgame.vn cho biết, hướng tới nhu cầu của người tiêu dùng, anh đã sưu tập ứng dụng và game từ kho của Apple từ những năm 2008 đến nay. Được biết, kho ứng dụng của đơn vị nầy hiện đã lên tới con số xấp xỉ 4.500.
Nhiều cửa hàng chuyên kinh doanh dịch vụ nầy trên đường 3 tháng 2, quận 10, TP.HCM chia sẻ, ngay từ những năm 2009, lượng game và ứng dụng được cập nhật hàng tháng trên các “chợ chính hãng” lên đến hàng trăm. Tuy nhu cầu người tiêu dùng vào thời điểm nầy chưa nhiều nhưng đã có một số điểm kinh doanh mạnh tay đầu tư số tiền lớn để mua bản quyền nhiều phần mềm dành riêng cho iOS.
Mỗi tháng, các cửa hàng phải chi ra một khoảng tiền để cập nhật vài chục ứng dụng và game mới. Thậm chí, với một số phần mềm chuyên biệt như quản lý dự án, nhà hàng, khách sạn, quầy bar có mức giá đến vài chục hoặc hàng trăm USD cũng phải luôn túc trực trong kho ứng dụng để đáp ứng nhiều đối tượng khách hàng khác nhau.
iOS chiếm ưu thế
Qua khảo sát, hiện tại kho ứng dụng bản quyền dành cho iOS tại các điểm dịch vụ vẫn phổ biến hơn. Bởi sự tương thích phần mềm từ Apple Store chỉ chia ra hai dòng sản phẩm dành riêng cho điện thoại hoặc máy tính bảng. Trong khi, kho ứng dụng dành cho Android khó có thể tương thích hoàn toàn với các thiết bị đang xuất hiện như “nấm” với đủ các thương hiệu và kích cỡ màn hình.
Việc kinh doanh dịch vụ chép phần mềm bản quyền dành cho Android chỉ mới phát triển trong vòng hơn hai năm trở lại đây và với lượng ứng dụng sưu tầm cũng còn khá khiêm tốn so với iOS. Bởi chúng phải được chọn lọc kỹ càng hơn để đáp ứng yêu cầu về tính tương thích với nhiều thiết bị, sự phổ biến với nhiều người dùng.
Minh Nhiên