Site icon TRAINGHIEMSO.VN

Các câu hỏi phỏng vấn thường gặp cho vị trí quản lý và cách trả lời “ăn điểm”

Một người quản lý giỏi đòi hỏi phải nhuần nhuyễn rất nhiều kỹ năng, từ giao tiếp, đàm phán, thuyết phục, xây dựng mối quan hệ đến thiết lập mục tiêu, lãnh đạo, phát triển nhân viên…

Thế nên các câu hỏi phỏng vấn thường gặp cho vị trí quản lý cũng xoay quanh các kỹ năng này. Hãy cùng xem đó là gì và cách trả lời thuyết phục nhà tuyển dụng, bất kể bạn đang tìm việc nhanh ở Hải Phòng, Hà Nội hay TPHCM…

Phong cách quản lý của bạn là gì?

Đây là câu hỏi để đánh giá cách làm việc của bạn có khoa học và hiệu quả không. Thường thì người quản lý sẽ phải có khả năng bao quát, nắm được ưu nhược điểm của từng thành viên trong nhóm của mình. Vì vậy bạn đừng trả lời chung mà hãy đưa ra cách quản lý với từng đối tượng cụ thể, thể hiện sự linh hoạt, khéo léo trong từng trường hợp.

Ví dụ, “Với nhân viên ít kinh nghiệm, tôi sẽ hướng dẫn thời gian đầu, đồng thời đề cao giám sát để đảm bảo hiệu quả, tránh sai sót. Như vậy, nhân viên cũng sẽ cảm thấy an tâm, có động lực làm việc. Với người đã có kinh nghiệm, tôi ủy thác công việc và sẵn sàng hỗ trợ khi cần. Sự tin tưởng của tôi dành cho họ sẽ giúp họ nâng cao tinh thần trách nhiệm mà vẫn cảm thấy thoải mái”.

Bạn sẽ cho nghỉ việc một nhân viên như thế nào?

Câu hỏi này sẽ giúp nhà tuyển dụng thấy được con mắt nhìn người của bạn. Vì khi đã ở vị trí quản lý, bạn phải biết nhân sự nào giỏi, nhân sự nào yếu kém để điều chỉnh hoặc có sự thay thế, đảm bảo bộ máy hoạt động trơn tru, mang lại hiệu quả cao nhất.

Mỗi con người là một cá thể độc lập, vì vậy chúng ta không thể đòi hỏi sự hoàn hảo ở một ai đó. Nhiều người cho rằng một nhân viên xuất sắc là phải giỏi nghiệp vụ, chắc kỹ năng, có tinh thần tập thể, vui vẻ, hòa đồng, đạo đức lối sống tốt… Tuy nhiên sự thật là rất ít người hội tụ được tất cả những yếu tố đó. Vì vậy đừng vội đưa ra câu trả lời loại nhân viên vì một lý do nào đó như trên.

Để có câu trả lời khiến nhà tuyển dụng hài lòng, bạn hãy hướng đến lợi ích của công ty, vì đây mới chính là điều mà họ quan tâm nhất. Chẳng hạn: “Tôi sẽ loại bỏ những nhân viên gây trì trệ công việc của cả đội, làm ảnh hưởng đến lợi ích của công ty. Điều này không chỉ do năng lực chuyên môn mà còn ở thái độ sống. Một người kênh kiệu, luôn coi thường người khác, khiến đa số đồng nghiệp đều chán ghét chỉ khiến tập thể đi xuống”.

Một nhân viên giỏi nhưng liên tục trễ deadline, bạn sẽ làm thế nào?

Đây tiếp tục là một trong các câu hỏi phỏng vấn thường gặp nhằm đào sâu khả năng quản lý của bạn. Thực tế, rất nhiều trưởng nhóm đau đầu về tình trạng trễ hẹn của nhân viên. Mặc dù họ thừa sức hoàn thành sớm công việc nhưng liên tục cho sếp “leo cây” trong mệt mỏi.

Trong trường hợp này, phạt hay đuổi việc không phải là lựa chọn khôn ngoan. Điều quan trọng là khắc phục được tình trạng đó. Bạn có thể trả lời theo gợi ý sau:

“Trước tiên, tôi sẽ có một buổi nói chuyện nghiêm túc với nhân viên về vấn đề trễ deadline và tìm hiểu nguyên nhân. Khi đã tìm ra lý do, như thời hạn không rõ ràng hoặc ai đó đang gây trở ngại cho công việc của họ hoặc rằng họ đang quá tải, tôi sẽ cùng họ tìm cách điều chỉnh phù hợp. Tôi cũng sẽ chia sẻ với họ những hệ lụy khi họ liên tục trễ hẹn, đồng thời đưa ra kỳ vọng về lần sau sẽ có sự thay đổi. Để tập thói quen đúng deadline cho họ, tôi cũng sẽ dành ra một thời gian nhất định để giám sát, đốc thúc. Ngoài ra, đặt deadline sớm hơn cũng là giải pháp hay để giải quyết vấn đề này”.

Khi có hai thành viên trong nhóm bất đồng quan điểm công việc gay gắt, bạn sẽ giải quyết ra sao?

Khi làm việc nhóm, bất đồng quan điểm là đương nhiên. Như quy luật tự nhiên, có đấu tranh thì mới có phát triển. Vì vậy ở câu hỏi này, bạn không nên vội vã trả lời rằng sẽ dập tắt các cuộc tranh cãi để “yên cửa yên nhà” mà cần thể hiện vai trò lãnh đạo. Chẳng hạn như:

“Tôi sẽ ghi nhận ý kiến của cả hai, sau đó đưa ra trước cả nhóm để cùng thảo luận xem đâu là phương án tốt nhất. Cùng với đánh giá từ kinh nghiệm và chuyên môn của bản thân, tôi sẽ là người quyết định cuối cùng. Với quyết định này, tôi cũng giải thích cụ thể cho mọi người hiểu, mục tiêu duy nhất là hoàn thành công việc một cách hoàn hảo chứ không phải ưu ái cho ai. Trường hợp hai ý kiến đều khả quan, tôi có thể đồng tình cho tiến hành cả hai. Đôi khi sự cạnh tranh sẽ giúp mang lại kết quả vượt trội”.

Bạn làm thế nào để tạo động lực làm việc cho nhân viên?

Đây là câu hỏi rất hay gặp với vị trí quản lý vì khai thác tiềm năng con người chính là nhiệm vụ chính của những người ở vị trí này. Một người quản lý giỏi sẽ giúp nhân viên phát huy hết năng lực. Ngược lại, nhân viên sẽ bị bào mòn dần nhiệt huyết khi phải làm việc dưới trướng một người yếu kém về nghiệp vụ quản lý.

Để thuyết phục nhà tuyển dụng, bạn nên hướng tới 2 khía cạnh. Một là quản lý công việc khoa học và hai là tạo môi trường làm việc lành mạnh, vui vẻ. Quản lý công việc khoa học thể hiện ở giao việc đúng người, theo dõi sát sao, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc. Để tạo môi trường làm việc tốt, trước hết bạn phải là người mang năng lượng tích cực đến cho mọi người, thân thiện, hòa đồng, quan tâm giúp đỡ, khởi xướng các buổi vui chơi ngoài giờ để gắn kết tình đồng nghiệp.

Nếu bạn sắp tham gia một buổi phỏng vấn cho vị trí quản lý, đừng quên “bỏ túi” các câu hỏi phỏng vấn thường gặp dành cho vai trò này. Chúc bạn sớm tìm được công việc ưng ý.

Đinh Nhung

BÀI LIÊN QUAN

Exit mobile version