Bright Memory: Infinite Gold Edition là phiên bản dành cho Nintendo Switch của game phiêu lưu hành động bắn súng cùng tên với cơ chế gameplay đa dạng và có tính giải trí cao. Trải nghiệm game đưa người chơi nhập vai Shelia, nữ đặc vụ của “tổ chức nghiên cứu khoa học siêu nhiên” SSRO. Ban đầu, mọi chuyện giống như cuộc điều tra hiện tượng bí ẩn khiến những chiến binh cổ đại đội mồ sống dậy, nhưng đằng sau đó là một âm mưu đang chờ bạn ngăn chặn.
Ở góc độ người chơi, Bright Memory: Infinite sở hữu cốt truyện khá khó hiểu nếu không nói nhiều tình tiết phi lý. Dù vậy, khía cạnh này không nhất thiết là điểm trừ khi xét trải nghiệm game mang nặng cảm giác giải trí, thể hiện ở những cơ chế gameplay được góp nhặt từ nhiều tựa game khác nhau, tạo thành nồi lẩu thập cẩm chưa được nêm nếm vừa miệng. Điều quan trọng là trải nghiệm game khá hấp dẫn và hào hứng đúng như ý đồ của nhà phát triển.
Một trong những điểm cộng đáng chú ý nhất của Bright Memory: Infinite phiên bản Switch là đồ họa vẫn khá ấn tượng, dù không có RTX và nhiều điều chỉnh theo hướng giảm chất lượng hình ảnh so với hệ máy khác. Toàn bộ đoạn chuyển cảnh đều được dựng bằng game engine, giúp nhà phát triển dễ dàng chuyển tiếp liền mạch vào trải nghiệm game. So với bản PC, đồ họa trên hệ máy Nintendo bị hạ cấp rất nhiều với hiệu ứng hình ảnh nhất định hoặc khi có quá nhiều nhân vật cùng xuất hiện.
Đơn cử như tóc và biểu cảm trên khuôn mặt của Shelia hay những vệt nước bắn tung tóe ở con suối khi nhân vật chạy qua nhìn giả trân. Tình trạng texture chậm hiển thị cũng diễn ra khá thường xuyên trong suốt trải nghiệm và không phù hợp với nhịp độ chơi khá nhanh của Bright Memory: Infinite trên hệ máy của Nintendo. Ngược lại, tuy chưa thể thuyết phục những người chơi khó tính và nghiêm túc, nhưng trò chơi sở hữu cơ chế gameplay khá hào hứng ở khía cạnh giải trí.
Đó là lối chơi khá độc đáo khi kết hợp giữa yếu tố bắn súng và chiến đấu cận chiến. Súng thì tương đối đa dạng với những khẩu rất quen thuộc trong dòng game bắn súng như assault rifle, shotgun, sniper và pistol. Mỗi loại súng còn có loại đạn đặc biệt. Chiến đấu cận chiến cũng được kết hợp khá hài hòa vào trải nghiệm game thông qua các kỹ năng đặc trưng. Bạn có thể vung kiếm chẻ đôi kẻ thù hoặc dùng trường lực hất đạn và nhiều trò thường thấy trong các phim hành động.
Bright Memory: Infinite cũng có cơ chế parry như các game soulslike, nhưng kỳ thực người viết hiếm khi canh được đúng khoảnh khắc so với khi chơi trên PC và các hệ console khác. Có vẻ như phiên bản Switch có chút vấn đề về input delay nên khó thực hiện parry hơn, trong khi cơ chế này khá hữu dụng trong những trận đánh boss. Chính vì vậy mà hầu hết trải nghiệm trên Nintendo Switch, người viết chuyển sang phong cách chiến đấu như rambo thay vì trông cậy vào parry.
Nó khiến trải nghiệm game trở nên thử thách hơn, cộng với vài vấn đề mà tôi vô tình gặp phải trong quá trình chơi trên hệ máy của Nintendo. Một trong số đó là lỗi game khiến việc mở khóa các kỹ năng có phần “cầm đèn chạy trước ô tô”. Cụ thể là người viết gặp tình trạng bị buộc phải chơi lại một màn dường như do lỗi game phát sinh trong quá trình chơi. Tuy phải chơi lại ngoài ý muốn, nhưng điểm kỹ năng tái thu thập trong màn đó vẫn tiếp tục được cộng dồn.
Lỗi nói trên giúp tôi dễ dàng mở khóa toàn bộ kỹ năng từ rất sớm với lợi thế thấy rõ trong chiến đấu, bù lại cho việc khó thực hiện parry và phải đấu súng với boss. Nếu biết mức độ máu trâu của boss trong Bright Memory: Infinite ra sao, bạn sẽ biết trải nghiệm game trở nên bất lợi như thế nào khi không thể parry. Đó là chưa kể rất nhiều lỗi khác rất hài hước và có thể mang đến lợi thế cho bạn trong những tình huống nhất định khi đối đầu với boss.
Đơn cử con boss đầu tiên bị lỗi “hóa tượng” và nhanh chóng thành bia tập bắn lẫn tập kiếm của người viết. Lỗi này chỉ tự hoại khi boss mất máu đáng kể và chuyển sang cuộc chiến giai đoạn kế tiếp, nhưng hài hước hơn là nó lại phát sinh tiếp lỗi khác khiến trận boss chiến này trở nên quá dễ dàng so với những con boss khác. Tuy nhiên, tình trạng tương tự thỉnh thoảng cũng xảy ra với những kẻ thông thường, nên khả năng cao đây là lỗi liên quan đến thiết kế hành vi của kẻ thù.
Một vấn đề khác của phiên bản Switch mà tôi không thể không đề cập là thời gian chờ tải dữ liệu lâu đến sốt ruột, nhưng nhiều khi lại hiện màn hình đen thui giống như bị treo game. Đã vậy, Bright Memory: Infinite còn không cho bỏ qua các đoạn chuyển cảnh dù bạn xem rồi hay chưa. Đây là thiết kế thiếu tiện lợi rất khó hiểu, thường thấy trong nhiều game của các nhà phát triển nói tiếng Trung. Nếu để nhân vật thiệt mạng, bạn phải xem lại đoạn chuyển cảnh từ checkpoint gần nhất.
Mặt khác, nhà phát triển ôm đồm quá nhiều cơ chế gameplay nhưng đều làm nửa vời, không chăm chút bất kỳ yếu tố nào ngoài cơ chế bắn súng và chiến đấu cận chiến. Ức chế nhất là những phân đoạn hành động lén lút được thiết kế vô cùng tuyến tính, đi sai một bước là phải chơi lại từ đầu. Không những vậy, những cơ chế thập cẩm này cũng vô tình khiến nhịp độ của trò chơi rất lộn xộn và khó chịu. Có phân đoạn thì nhanh như chớp nhưng không ít cảnh lại rất lề mề và buồn ngủ.
Sau cuối, Bright Memory: Infinite mang đến một trải nghiệm phiêu lưu hành động bắn súng khá hào hứng và đậm tính giải trí. Điểm trừ lớn nhất của trò chơi là thời lượng ngắn, cốt truyện có cũng như không, trong khi lại nặng mức độ trừng phạt người chơi nhằm kéo dài thời lượng game. Nếu bạn muốn tìm trải nghiệm hành động bắn súng có tính giải trí cao với thời lượng ngắn, đây chắc chắn là cái tên khá đáng cân nhắc.
Bright Memory: Infinite hiện có cho PC (Windows), PlayStation 5, Xbox Series X|S và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!