Bounty Battle là game song đấu đối kháng với các võ sĩ đến từ nhiều cái tên indie danh giá trên thị trường. Tuy nhiên, những gì mà trải nghiệm game mang đến là cảm giác thất vọng đầy đáng tiếc.
Ý tưởng của Bounty Battle không phải mới khi tập hợp các nhân vật từ nhiều tựa game làm đấu sĩ cho người chơi. Đã có rất nhiều cái tên trên thị trường thành công với công thức này, nhưng “đứa con tinh thần” của nhà phát triển Dark Screen Games không nằm trong số đó, ít nhất là ở thời điểm bài viết. Trò chơi có quá nhiều vấn đề. Thậm chí, tôi cũng không chắc chúng có thể giải quyết “hợp tình hợp lý” với vài bản cập nhật trong tương lai, đặc biệt là sau thời gian trì hoãn phát hành trước đó vì lý do không rõ ràng.
Bounty Battle mang cảm giác sai sai ngay từ thiết kế menu vô cùng lủng củng, khó thấy lựa chọn và gây rối cho người chơi mới. Thậm chí, nếu không vô tình phát hiện vì cần analog tay cầm Joy-Con bị trôi nhẹ, tôi cũng không hề biết tựa game này có chế độ chơi đơn trong lần đầu trải nghiệm. Thay vào đó, bạn được chào đón bằng chế độ Versus Local ngay từ màn hình đầu tiên khi mở game. Ngay cả tutorial cũng có vấn đề không nhỏ khi chỉ “hướng dẫn chay” người chơi thay vì cầm tay chỉ việc như thường thấy của thể loại này.
Tệ hơn, giao diện chọn nhân vật vô cùng tối và tạo hình các đấu sĩ rất mờ, cứ như được xây dựng ở độ phân giải rất thấp dù chất lượng hình ảnh không hề cao. Màn chơi tuy có thiết kế khác nhau nhưng không có điểm nhấn. Về cơ bản chỉ giống như thay đổi hậu cảnh chứ mặt phẳng “võ đài” đều giống hệt nhau. Ở các chế độ chơi đơn, AI của máy khá tệ và thường “chết thảm” mỗi khi bị tấn công dồn góc. Các chế độ chơi như Tournament hay Challenge cũng không có điểm gì khác biệt về cảm giác chiến đấu mà đều có vấn đề riêng.
Trong Tournament, người chơi chiến đấu theo những điều kiện khác nhau từ 1vs1 cho đến 1vs3. Mục đích thắng chỉ để thu thập “váy áo” cho nhân vật. Thế nhưng, khi nhiều nhân vật cùng xuất hiện thì tốc độ khung hình lên xuống rất thất thường. Nói đâu xa, chỉ cần đối mặt 1v1 trong các chế độ chơi cũng khiến tôi có cảm giác hững hình ảnh mờ ảo của game là gánh nặng cho phần cứng của Nintendo Switch, huống hồ nhiều hơn. Khu vực mượt mà nhất dù không phải tuyệt đối là trong Training Room mà bạn biết nơi đó để làm gì rồi đấy.
Đáng chú ý, Tournament có lẽ là chế độ chơi đáng chú ý nhất. Tuy nhiên, phần chơi này lại khá hạn chế khi không cho bạn bất cứ tùy biến gì. Người chơi không thể chọn nhân vật mà phải chiến đấu thông qua các nhân vật khác nhau do Bounty Battle chỉ định. Đối thủ của người chơi xoay quanh 30 nhân vật khác nhau, thậm chí có cả boss. Thế nhưng, tôi không có gì để đề đập đến nếu trải nghiệm game không vướng phải vấn đề tốc độ khung hình “xin anh đừng yêu em” to hơn cả bánh xe bò nói trên.
Khá hơn Tournament là chế độ Challenge, nhưng chủ yếu vì bạn được quyền lựa chọn nhân vật điều khiển hơn. Trong Challenge, người chơi sẽ chiến đấu 1v1 với vài chục đấu sĩ khác đến khi đụng độ ‘challenger’ bất bại và cái kết… Vấn đề lớn nhất của Bounty Battle là hệ thống tuyệt chiêu của các nhân vật rất nhàm chán và mang cảm giác hao hao nhau. Thậm chí nếu nó có hấp dẫn đi chăng nữa, bạn cũng khó lòng thấy được với độ sáng và chất lượng hình ảnh “đặc thù” trong trải nghiệm mà tôi từ chối hiểu.
Đây là một trong những tựa game hiếm hoi mà tôi hiếm khi nhìn thấy gì theo đúng nghĩa đen ở khía cạnh đồ họa để nhận xét về nó. Kỳ thực, nhà phát triển Dark Screen Games thật sự không hề có ý lừa dối người chơi với cái tên studio của họ. Đó là chưa kể nhiều ý tưởng xây dựng game mang cảm giác khá non tay trong thiết kế, thường gây phiền hà cho người chơi nhiều hơn thuận tiện. Một trong số đó là việc bạn phải luôn bấm nút xác nhận trước khi tham gia vào trận đấu, nhưng nút bấm lại đặt ở vị trí không trực quan.
Nếu vì lý do gì đó để thua trận, nút bấm xác nhận tái đấu lại là nút khác. Đây tưởng chừng là vấn đề vô cùng nhỏ nhặt nhưng vì nó xảy ra liên tục trước và sau mỗi trận đấu, khiến tôi cảm thấy khá bực mình và không hiểu được ý đồ của nhà phát triển trong việc cố tình phức tạp hóa thói quen của người chơi. Chưa hết, mặc dù không có nhiều lời thoại hay câu chữ trong trải nghiệm, nhưng khâu chuyển ngữ của Bounty Battle rất tệ và gây khó hiểu về cách dùng từ trong những ngữ cảnh nhất định.
Điểm sáng ý tưởng trong hệ thống song đấu đối kháng của trò chơi là ‘bounty’. Về cơ bản, khi tích đủ điểm “săn thưởng” thông qua chiến đấu, người chơi có thể triệu hồi các nhân vật gọi là minion làm trợ chiến. Không may là AI không ăn được muối iod, nên sự xuất hiện của chúng chỉ khiến đấu trường thêm lộn xộn và tăng nặng vấn đề tốc độ khung hình chứ chẳng được tích sự gì. Đáng nói hơn, hệ thống minion này không được giải thích rõ ràng trong tutorial, khiến tôi cũng chẳng hiểu được mục đích thật sự của hệ thống này là gì.
Đáng chú ý, Bounty Battle có một lượng nhân vật khá hùng hậu từ nhiều tựa game indie được yêu mến trên thị trường. Trong số đó có thể kể ra vài cái tên như Dead Cells, Battle Chasers Nightwar, Blasphemous hay Steamworld Dig và rất nhiều nữa. Tính ra cũng 25 nhân vật đến từ 25 game indie khác, cộng với 5 nhân vật “tui tự chế” của nhà phát triển là tổng cộng 30 nhân vật. Đây là số đấu sĩ không hề nhỏ cho một game song đấu đối kháng, nhưng nhà phát triển lại không thể tận dụng tiềm năng từ những cái tên này.
Sau cuối, Bounty Battle mang đến một trải nghiệm song đấu đối kháng vô cùng thất vọng. Trò chơi có ý tưởng khá tốt khi tập hợp được số lượng lớn nhân vật từ nhiều game indie, nhưng cách triển khai còn rất nhiều thiếu sót cần phải khắc phục khiến nó khó có thể là trải nghiệm dành cho bạn.
Bounty Battle được phát hành cho PC (Windows), PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên Nintendo Switch.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác