Trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác giữa hai bên, Bosch và Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia (VPUBATGTQG) có thể cùng cộng tác trong các lĩnh vực về nghiên cứu tai nạn giao thông đường bộ, nghiên cứu công nghệ an toàn cho xe và đề xuất các giải pháp giúp cải thiện an toàn giao thông.
Bên cạnh đó, thỏa thuận hợp tác này cũng mở ra cho Bosch và VPUBATGTQG cơ hội trao đổi thông tin, kiến thức, kết quả nghiên cứu và những kinh nghiệm thực tiễn về các giải pháp tăng cường an toàn giao thông, cũng như nâng cao nhận thức của công chúng về an toàn xe và điều khiển xe an toàn.Ứng dụng công nghệ để giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ tại Việt Nam.
Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia (VPUBATGTQG) vừa ký kết cùng Bosch nghiên cứu tai nạn giao thông đường bộ, nghiên cứu công nghệ an toàn cho xe và đề xuất các giải pháp giúp cải thiện an toàn giao thông.
Theo Tiến sĩ Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, trong 8 tháng đầu năm 2017, toàn quốc xảy ra 12.775 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm 5.422 người chết và 10.543 người bị thương. So với 8 tháng đầu năm 2016, TNGT giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Cụ thể, số vụ TNGT giảm 859 vụ (giảm 6,3%), số người chết giảm 318 người (giảm 5,54%), số người bị thương giảm 1.266 người (giảm 10,73%).
“Tuy nhiên, TNGT giảm chưa bền vững, vì vậy đòi hỏi sự cố gắng, quyết tâm không chỉ của các cơ quan quản lý nhà nước mà cần huy động nguồn lực xã hội hóa trong công tác nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm và chuyên môn, công tác huấn luyện và đào tạo, nghiên cứu và tư vấn trong lĩnh vực an toàn giao thông”, ông Hùng cho biết.
Đồng ý kiến, ông Guru Mallikarjuna, Tổng giám đốc Bosch Việt Nam chia sẻ, việc giảm thiểu tai nạn giao thông và tăng cường an toàn giao thông đòi hỏi sự hợp tác từ nhiều phía: nhà nước, nhà trường, các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng. Được biết, Bosch đã hợp tác với các tổ chức và đối tác để tiến hành nghiên cứu tai nạn giao thông ở nhiều nước trên thế giới. Dữ liệu tai nạn được phân tích để tìm ra các yếu tố, nguyên nhân chính dẫn tới tai nạn, từ đó đề xuất các giải pháp.
“Tại Bosch, chúng tôi tin rằng tác động đáng kể nhất mà ngành công nghiệp ô tô có thể góp sức chính là sản xuất các công nghệ an toàn hơn để bảo vệ người lái xe. Với năng lực nghiên cứu và công nghệ tiên tiến về các hệ thống an toàn cho xe, Bosch có thể hợp tác cùng địa phương để chung tay cải thiện an toàn giao thông tại Việt Nam”, CEO Bosch tại Việt Nam cho biết.
Bosch đã tích cực hợp tác với các tổ chức và đối tác để tiến hành nghiên cứu tai nạn giao thông ở nhiều nước trên thế giới. Dữ liệu tai nạn được phân tích để tìm ra các yếu tố, nguyên nhân chính dẫn tới tai nạn, từ đó đề xuất các giải pháp. Tại Việt Nam, Bosch có hai trung tâm R&D ở TP.HCM: Trung tâm R&D về công nghệ ô tô và Trung tâm R&D về Công nghệ và giải pháp doanh nghiệp. Hơn 1.400 cộng sự Bosch hiện đang làm việc tại Trung tâm R&D về Công nghệ và giải pháp doanh nghiệp, trong đó bao gồm nghiên cứu về công nghệ an toàn cho xe.