Với tình cảnh đứng bên bờ vực sau khi mất gần hết thị phần trong một thị trường mà mình từng có thời làm mưa làm gió thì việc tung ra smartphone Passport được xem là canh bạc mạo hiểm mà hãng Dâu đen đặt tất cả hy vọng có thể mang hãng trở lại cuộc chơi và tạo dấu ấn với người dùng.
Việc đầu tiên và nhất định BlackBerry phải làm là tạo ra một thiết bị “khác biệt”. Và BlackBerry Passport đã đạt được điều đó khi nó có thiết kế gồm màn hình vuông thành sắc cạnh 4,5 inch kết hợp ba hàng phím vật lý bắt mắt. Điều này, rõ ràng đã khiến mẫu smartphone của Dâu đen nổi bật giữa một rừng sản phẩm na ná nhau về thiết kế.
Với kiểu dáng lạ mắt này, hẳn sẽ có người khen, kẻ chê. Người khen thì cảm thấy hứng thú với nó và dĩ nhiên là sẽ muốn được chạm vào. Nhưng với kẻ chê thì kiểu dáng kỳ quái này sẽ khiến họ thấy… dị ứng. Có hề chi. Đó không phải là điều mà Dâu đen quan tâm, vì thực ra hãng cũng chẳng còn gì để mà mất, nhất là sau thất bại thảm hại của nền tảng BlackBerry 10 hồi năm ngoái.
Hãng đã tiêu tốn khá nhiều tiền cho chiến dịch quảng bá BlackBerry 10, nhưng đổi lại là công cốc khi người dùng quay lưng, thậm chí không thèm đếm xỉa khiến lượng máy tồn kho cực kỳ nhiều, giá trị lên đến cả tỷ đô, một con số rất thảm họa đối với bất kỳ hãng nào, đặc biệt là BlackBerry đang trong tình trạng tuột dốc.
Nếm trải đau thương, hiện BlackBerry đang tỏ ra chọn lọc hơn trong các hoạt động khuyến mại. Hãng sẽ chỉ theo đuổi các “CrackBerry” thế hệ mới, tức những người bị nghiện thiết bị di động và liên tục có nhu cầu trao đổi tin nhắn, email mà thôi. Đây là một định hướng hợp lý, vì nhiều CrackBerry vẫn rất mê bàn phím QWERTY trứ danh. Với họ, Passport có thể là thiết bị nhắn tin lý tưởng, đầy sức mạnh. Passport nhập liệu khá dễ dàng và màn hình rộng tỏ ra ưu việt khi lướt Net, Facebook hay đọc tài liệu, bảng tính Excel.
Thêm ưu điểm nữa là nó mang đến cảm giác của một thiết bị cao cấp nhờ sử dụng những chất liệu chất lượng như khung máy bằng thép không rỉ. Nó cũng được định giá rẻ hơn các smartphone đầu bảng như iPhone.
Nhiều ưu điểm thế, nhưng mọi chuyện chưa hẳn dễ dàng với Dâu đen. Lý do: Passport có thể là một món hàng khó bán. Dù sở hữu phần cứng ổn và thiết kế khác lạ, nhưng Passport vẫn chưa giải quyết được điểm yếu cố hữu của BlackBerry là ứng dụng. Dù BlackBerry có bắt tay cùng Amazon gần đây để quầy Amazon App Store cung cấp ứng dụng cho nền tảng BB10, cho phép các ứng dụng Android tải về từ quầy này vẫn chạy được tốt trên Passport. Chỉ có điều không phải ứng dụng Android nào cũng hiện diện trên Amazon App Store và danh mục ứng dụng của Amazon cũng không thể so bì được với Google Play hay Apple App Store. Bản thân BlackBerry cũng thiếu vắng nhiều ứng dụng gốc do hãng chỉ chú trọng vào các chương trình thiết kế riêng cho doanh nghiệp.
Vậy, BlackBerry Passport phù hợp với ai nhất? Lý tưởng nhất là các doanh nghiệp sẽ phát hành con dế này để làm điện thoại phụ cho các nhân viên của mình. Thứ đến là những người dùng không có khả năng thích nghi với màn hình cảm ứng và vẫn muốn quay lại về với BlackBerry. Dù vậy, thành công của Passport là điều chẳng ai dám đảm bảo. Mục đích duy nhất mà Dâu đen đạt được đến thời điểm này là chứng tỏ mình vẫn tồn tại và có khả năng sáng tạo. “Một công ty sắp chết thì không thể tung ra sản phẩm gì mới mẻ được. Chừng nào bạn vẫn còn giới thiệu được thứ gì đó mới, người khác sẽ không thể định kiến rằng bạn đang hấp hối”, chuyên gia Enderle phân tích.
C.T