BioShock: The Collection là bộ sưu tầm gồm ba tựa game BioShock Remastered, BioShock 2 Remastered và BioShock Infinite: The Complete Edition. Cả ba đều là những game FPS xuất sắc ở thời điểm ra mắt ban đầu. Mặc dù đã phát hành trên nhiều nền tảng trong khoảng 4 năm dài nhưng đến tận bây giờ, người chơi Nintendo Switch mới được trải nghiệm bộ sưu tầm “văn võ song toàn” này.
Về cơ bản, BioShock: The Collection là phiên bản đầy đủ nhất của ba game nói trên. Bộ sưu tầm này đi kèm với tất cả DLC trả phí từng được phát hành trước đây. Công tác chuyển nền được giao cho Virtuos, “ngôi sao sáng” đã mang đến cho người chơi Nintendo Switch cơ hội được trải nghiệm rất nhiều cái tên “mission impossible” như XCOM 2 Collection, bộ Borderlands Legendary Collection và nếu tôi không lầm là cả The Outer Worlds nữa. Dưới góc độ người đã từng trải nghiệm bộ sưu tầm này trên các nền tảng khác mà cụ thể là PC và Xbox One, tôi rất hài lòng với những gì mà phiên bản Switch mang đến.
Điểm trừ duy nhất của BioShock: The Collection phiên bản Switch là thiếu một số tính năng được “chế tác” riêng cho nền tảng của Nintendo như thường thấy. Chẳng hạn hỗ trợ con quay hồi chuyển cho thao tác nhắm bắn. So với những “người anh em thiện lành” trên các nền tảng khác, cả ba tựa game đều có chất lượng đồ họa tương đương nhưng độ phân giải thấp hơn. Tốc độ khung hình cũng chỉ có 30 fps thay vì 60 fps do giới hạn phần cứng hệ máy của Nintendo. Đáng chú ý, cả ba phần chơi đều có ổn định ở khung hình 30 fps, chỉ BioShock Infinite: The Complete Edition là có trồi sụt một chút khi tải nặng nhưng không đáng kể.
Bên cạnh đi kèm tất cả DLC từng được phát hành trước đây cho phiên bản gốc từ thời PlayStation 3 và Xbox 360, BioShock: The Collection phiên bản Switch còn bổ sung thêm các nội dung dưới dạng “thư viện” rộng lớn Museum of Orphaned Concepts, cho phép người chơi có thể đi tham quan rất thú vị. Tôi nghĩ tính năng này sẽ hấp dẫn hơn nếu được trải nghiệm trong thực tế ảo, nhưng đáng tiếc là không nền tảng nào hỗ trợ công nghệ này. Ngoài ra còn có phần bình luận của chỉ đạo game và hai gương mặt có nhiều ảnh hưởng trong xây dựng định hướng của trò chơi. Tính năng này được mở khóa khi bạn thu thập vật phẩm trong trải nghiệm.
Trong ba game, BioShock Remastered mang cảm giác cũ kỹ nhất về khía cạnh đồ họa. Tuy nhiên, trò chơi vẫn hiển thị khá đẹp trên Nintendo Switch dù là trải nghiệm ở chế độ handheld hay gắn dock. Phần chơi này đưa bạn đến với nhân vật Jack trong một vụ rơi máy bay vào năm 1960 và phát hiện ra thành phố Rapture dưới đáy biển. Từ đây, Jack khám phá một siêu năng lực đặc biệt ngoài các loại vũ khí thông thường trong những tựa game FPS. Trò chơi mang chút yếu tố nhập vai trong thiết kế, trao cho người chơi cảm giác tự do trong chiến đấu với nhiều hướng tiếp cận khác nhau.
Điểm nhấn của tựa game này nằm ở “lựa chọn lương tri”, buộc bạn phải quyết định giữa hy sinh NPC để nhận nguồn ADAM nâng cấp kỹ năng cho nhân vật hoặc chấp nhận hy sinh lượng ADAM nhận được để cứu NPC. Tuy nhiên, đây là thiết kế “con dao hai lưỡi” và không mang đến kết quả “lựa chọn lương tri” như kỳ vọng một khi bạn hiểu được cách thức vận hành của các cơ chế chiến đấu. Dù không thể phủ nhận nó là thiết kế khá thú vị nhưng kỳ thực chỉ trên lý thuyết. Đội ngũ phát triển chưa tìm được cách phát huy tiềm năng của ý tưởng này trong trải nghiệm. Bất chấp điều đó, trò chơi vẫn mang đến một trải nghiệm FPS rất hấp dẫn.
Trong khi đó, BioShock 2 Remastered mang cảm giác giống một bản cập nhật và cải thiện gameplay của phần chơi đầu tiên. Tuy phiên bản này đi kèm với DLC Minerva’s Den rất hấp dẫn nhưng lại bị loại bỏ mất chế độ chơi multiplayer khá thú vị ở thời điểm phát hành ban đầu. Bù lại, trò chơi sở hữu câu chuyện kể tuyệt vời khi đưa người chơi vào vai Big Daddy, nhân vật phản diện từng để lại nhiều cơn ác mộng cho người chơi trong BioShock Remastered. Trò chơi lấy bối cảnh 8 năm sau kết thúc của phần chơi đầu tiên và cũng tại thành phố Rapture dưới biển sâu. Điểm mới của phần chơi này là khả năng telekenesis và “chưởng” lửa.
Nhân vật chính nay đã có khả năng vừa sử dụng plasmid vừa dùng vũ khí. Chẳng hạn, bạn có thể dùng plasmid để đóng băng kẻ thù sau đó “xiên” chúng vỡ tan tành bằng spear gun. Cơ chế “harvest” hay “rescue” NPC Little Sister vẫn tiếp tục được duy trì, chỉ tiếc là chế độ chơi multiplayer Fall of Rapture đã bị loại bỏ khỏi BioShock 2 Remaster nhằm tập trung vào trải nghiệm chơi đơn. Thay vào đó, trò chơi đi kèm DLC Minerva’s Den với nhân vật chính là một Big Daddy khác. Bản DLC này mang đến câu chuyện kể, vũ khí, plasmid và kẻ thù mới, cung cấp nhiều thông tin hơn về thành phố “hai vạn dặm dưới đáy biển” Rapture.
Tựa game cuối cùng trong bộ sưu tầm BioShock: The Collection là bản Complete của BioShock: Infinite. Xét theo bối cảnh thời gian thì đây là tiền truyện của BioShock Remastered. Trải nghiệm game diễn ra ở thành phố steampunk trên không Columbia. Nhân vật của người chơi là thám tử Booker DeWitt gặp nhiều vấn đề trong cuộc sống, nghiện hai thứ trong tứ đổ tường. Phần chơi này ấn tượng nhất là môi trường màn chơi được mở rộng và ít nhiều mang đến cảm giác mở. Các cơ chế gameplay tuy được “thay tên đổi họ”, nhưng vẫn mang nhiều cảm giác quen thuộc từ hai phần BioShock trước đó.
Lối chơi quen thuộc trong series BioShock cũng có chút thay đổi trong BioShock: Infinite. Thay vì người chơi phải bảo vệ Little Sister như trước đây, NPC Elizabeth lại là trợ thủ đáng tin cậy và có thể tự lo cho bản thân. Điểm nhấn lớn nhất của tựa game này là đồ họa có sự cải tiến vượt bậc, sử dụng những gam màu rực rỡ và tươi sáng, mang đến cảm giác trải nghiệm hoàn toàn khác biệt. Nhạc nền của trò chơi cũng là một điểm cộng đầy ấn tượng, tạo nên trải nghiệm tuyệt vời không chỉ ở khía cạnh nghe nhìn. Khâu lồng tiếng cũng được “nâng tầm” so với hai phần chơi trước và thật sự thổi hồn cho các nhân vật chính.
Phần chơi này chỉ có một điểm trừ đáng chú ý là cảm giác chiến đấu khá hạn chế và kém sáng tạo, thua kém hai phần trước đã làm rất tốt. Các trận đấu súng khá mệt mỏi, nặng cảm giác lặp lại và cũng giảm luôn tính thử thách khiến cuộc chiến trở nên kém hấp dẫn nhiều. Đáng chú ý, BioShock Infinite: The Complete Edition còn đi kèm với DLC Burial at Sea. Bản mở rộng này bổ sung thêm hai episode nội dung mới cho trò chơi và có sự kết nối câu chuyện về thành phố Rapture dưới đáy biển của hai phần chơi trước. Đây có lẽ là một trong những series hiếm hoi mà hậu bản lại vượt trội ở mọi khía cạnh.
Sau cuối, BioShock: The Collection phiên bản Switch mang đến trải nghiệm FPS 3 trong 1 vô cùng hấp dẫn không chỉ gần như mọi khía cạnh mà đến hiệu năng và mức giá cũng vậy. Dù vài vấn đề cố hữu của tay cầm Joy-Con khiến trải nghiệm ở chế độ handheld có phần kém chút hào hứng, nhưng không thể phủ nhận khả năng chơi game cơ động vô cùng hấp dẫn của bộ sưu tầm này khi kết hợp cùng Nintendo Switch. Nếu chưa bao giờ chơi bất kỳ tựa game nào trong series BioShock và không có lựa chọn khác ngoài hệ máy của Nintendo, đây chắc chắn là bộ sưu tầm không thể thiếu với “chất lượng như vàng trên toàn thế giới” dành cho bạn.
BioShock: The Collection hiện có cho PC (Windows), PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!