Biomutant là game hành động nhập vai thế giới mở đầy tham vọng đầu tay của nhà phát triển Experiement 101. Đội ngũ phát triển này xuất thân từ các cựu nhân viên của Avalanche Studios và từng tham gia phát triển series Just Cause suốt nhiều năm trước. Trò chơi được bắt đầu thai nghén từ năm 2015 và vượt qua rất nhiều thăng trầm khi nhà phát triển chính phải trải qua cuộc phẫu thuật lớn, cho đến thay đổi về định hướng và quy mô. Kỳ thực, việc có thể phát hành trong năm nay cũng có thể xem là kỳ tích của tựa game này.
Trải nghiệm Biomutant mở đầu khá hấp dẫn với bối cảnh hậu tận thế khi loài người đã bị diệt vong vì ô nhiễm môi trường và thảm họa hạt nhân. Thế giới giờ đây do các loài sinh vật kỳ lạ, mang tạo hình nhiều loài thú khác nhau và sống thành những bộ tộc với lý tưởng riêng thống lĩnh. Thế nhưng, thế giới này cũng đang phải đối mặt với thảm họa tận thế mới khi nguồn sống của muôn loài là Tree of Life bị đe dọa bởi các thực tử (World Eater). Mọi chuyện càng phức tạp hơn khi các bộ tộc bất đồng về quy tắc ứng xử và quan điểm.
Biomutant mở đầu với phần tùy biến nhân vật có tạo hình vô cùng kỳ lạ. Ban đầu, người chơi phải chọn giống loài với khác biệt dễ nhận thấy là lớp lông bên ngoài. Tiếp đến là tùy biến các chỉ số khởi điểm của nhân vật đi kèm với thay đổi trong hình dáng. Chẳng hạn, nhân vật có chỉ số thông minh cao hơn thì đầu lớn hơn, trong khi chỉ số nhanh nhẹn cao hơn thì chân dài hơn. Ngay sau phần tùy biến này là chọn màu lông và màu trang phục cho nhân vật. Không kém phần quan trọng khi tạo nhân vật là lựa chọn lớp nhân vật.
Mỗi lớp nhân vật đều có ưu và khuyết điểm với vũ khí khởi đầu cùng các kỹ năng đặc trưng. Trước khi kết thúc phần tạo nhân vật là lựa chọn Aura, có thể hiểu nó giống như cái tâm của nhân vật vậy. Tâm sáng (light) hoặc tối (dark) có những tác động nhất định đến tương tác với các NPC trong trải nghiệm, theo hướng tích cực hoặc tiêu cực cũng như thay đổi kết thúc ở cuối trải nghiệm. Đây là cơ chế gameplay hiếm thấy nhưng không hề mới. Bạn nào từng chơi series Fable chắc không thể không nhớ ý tưởng thú vị này.
Thế nhưng, ngay cả nhịp độ câu chuyện và tùy biến nhân vật cũng để lại cho người viết cảm giác khó hiểu. Ban đầu, trải nghiệm vô cùng tuyến tính để bạn làm quen với hàng loạt cơ chế gameplay cơ bản, nhưng không có khía cạnh nào được giải thích rõ ràng. Chẳng hạn, phần tùy biến nhân vật không có đầy đủ thông tin cần thiết giúp người chơi dễ dàng lựa chọn lớp nhân vật phù hợp. Nhân vật ban đầu mà tôi chọn không “hợp cạ” với lối chơi cá nhân, khiến người viết mất gần cả tiếng chỉ để thử nghiệm đến khi tìm được ‘crush’.
Cốt truyện thì được người kể chuyện diễn đạt dông dài, thường khiến tôi mất tập trung rồi dần chuyển sang cảm giác bực mình nhiều hơn. Biomutant có không ít phân đoạn mà người kể chuyện tự biên tự diễn, ban đầu tưởng hài hước như Immortals Fenyx Rising nhưng lại có tính giáo điều hết sức nghiêm túc về các vấn đề bảo vệ môi trường. Kỳ thực, nhiều tình tiết sự kiện trong trải nghiệm game đều lồng ghép các vấn đề môi trường và mang tính giáo dục cao, khiến tôi cảm thấy rất mù mờ về đối tượng mà trò chơi hướng đến.
Điều này còn thể hiện ở tên các NPC mà bạn gặp gỡ trong suốt trải nghiệm Biomutant. Đó là những cái tên mà tôi chỉ có thể mô tả bằng bốn chữ độc nhất vô nhị, mang nhiều ẩn ý thâm sâu hoặc có ý nghĩa ở khía cạnh nào đó liên quan đến bảo vệ môi trường. Nó lạ thường đến mức người viết cũng cảm thấy đau đầu vì khó hiểu với ngữ cảnh được sử dụng. Đơn cử như ông cụ ngồi xe lăn ở đầu trải nghiệm sở hữu cái tên vô cùng độc đáo là “hết đát” khiến tôi không biết nên hiểu theo nghĩa nào. Hy vọng đây không phải vấn đề chuyển ngữ!
Điểm cộng lớn nhất của Biomutant là hệ thống nâng cấp vô cùng có chiều sâu, nhưng nó cũng vướng vài vấn đề khó chịu khác. Một trong số đó là hệ thống menu nâng cấp khá rắc rối, chia thành rất nhiều nhóm nâng cấp và sử dụng nhiều loại tài nguyên khác nhau cho cho mục đích nói trên. Thiết kế này biến nâng cấp trở nên phức tạp không cần thiết và chẳng hề tương xứng với những khía cạnh còn lại của trò chơi. Ngay cả giao diện menu cũng không mang cảm giác tông suỵt tông với chủ đề của game mà có vẻ trẻ con trong thiết kế.
Ở góc độ người chơi, tôi có cảm giác đội ngũ phát triển lấy cảm hứng từ quá nhiều tựa game khác. Điều đó vô tình biến Biomutant trở thành lẩu thập cẩm trong thiết kế cơ chế gameplay. Nhiều ý tưởng trong đó phù hợp với những người chơi nhỏ tuổi hơn là già và khó tính như tôi. Đơn cử như hiệu ứng chiến đấu khi tung loạt combo đẹp mắt khá là trẻ con, giống mấy cảnh tương tự thường thấy trên truyện tranh. Mặc dù bạn có thể tắt những thiết lập này đi nhưng chúng được bật mặc định nên không ít người chơi có thể dễ dàng bỏ qua.
Tương tự, hệ thống aura hai thái cực giữa tâm tối (dark) và tâm sáng (light) tuy tác động đến tương tác với các NPC thông qua những lựa chọn xấu và tốt, nhưng nó gây khó chịu nhiều hơn là hào hứng. Những phân cảnh này thường xuyên xuất hiện thông qua những màn cà khịa của hai nhân vật biểu tượng tương ứng. Thế nhưng, nhìn dark và light thay nhau trả treo chẳng khác nào hai đứa trẻ con tranh cãi và lý sự cùn hơn là hỏi xoáy đáp xoay. Nó cũng chẳng giúp thay đổi không khí hay mang đến cảm giác vui vẻ và hào hứng cho người chơi.
Ngay cả điểm cộng khác của Biomutant là đồ họa, thiết kế nhân vật và môi trường thế giới mở tuy ấn tượng cũng đi kèm với vấn đề riêng của nó. Tông màu của trò chơi khá rực rỡ nhưng dễ gây mỏi mắt khi bạn trải nghiệm đủ lâu. Ngược lại, thế giới trong game được xây dựng tuyệt đẹp ngay cả trên phần cứng của console thế hệ trước. Từ các quần xã sinh vật ở từng vùng cho tới những khu vực nguy hiểm khác nhau, đòi hỏi khả năng kháng thuộc tính nhất định để vượt qua. Tôi cực kỳ ấn tượng với thế giới hậu tận thế của trò chơi.
Từ những khu rừng cây cối xanh tươi và khu đô thị hoang tàn, đổ nát cho đến rất nhiều sinh vật khác nhau mà bạn đụng độ trong trải nghiệm khám phá. Không phải tất cả đều là kẻ thù nhưng chúng đều mang tạo hình khá độc đáo. Khá đáng tiếc khi nhiều khu vực chỉ đẹp ở khía cạnh nhìn, trong khi không có cảm giác cuộc sống đang diễn ra ở đấy nên khá vô hồn. Một số nơi cũng không thể tiếp cận nếu bạn chưa tìm được trang bị hoặc công cụ phù hợp. Chẳng hạn như nhân vật chính không thể tùy tiện xâm nhập vùng phóng xạ.
Muốn vào những nơi này, bạn phải truy tìm bộ đồ kháng phóng xạ hoặc dùng tài nguyên thu thập nâng chỉ số kháng tương ứng. Kỳ thực, thế giới trong Biomutant được xây dựng đẹp đến nỗi khiến tôi không ít lần bỏ mặc tất cả chỉ để đi dạo, ngắm cảnh và làm phó nháy với Photo Mode của trò chơi. Tuy nhiên, đi lang thang cũng rất nguy hiểm vì không ít khu vực có phân cấp độ. Kẻ thù ở những nơi này có cấp độ cao hơn bạn rất nhiều, dư sức tiễn nhân vật về màn hình tải dữ liệu khi mải ngắm cảnh mà quên đi mối đe dọa tiềm ẩn phía trước.
Đó là chưa kể không ít vấn đề vô tình gây ức chế khác như lời thoại dài dòng, nhiệm vụ phụ và các khu vực bí mật giấu đồ đều nặng tính lặp lại. Nói đâu xa, những trận “công thành” mà người chơi cố gắng thương thuyết thông qua chiến tranh với các bộ tộc đều được sao chép hết lần này đến lần khác. Từ vị trí trại lính cho đến quá trình trận chiến diễn ra như thế nào cũng giống hệt nhau. Ngay cả vị trí giấu rương đồ cũng vậy, luôn nằm đúng nơi đúng chỗ y hệt như lần “công thành” mà bạn tham gia trước đó ở bộ tộc nào khác.
Dù vậy, tôi không xem đây là điểm trừ khi xét ở quy mô của nhà phát triển Experiment 101 khá nhỏ, chỉ khoảng trên dưới 20 nhân sự. Thế nhưng, ức chế nhất là cảm giác chiến đấu cũng không hề ngoại lệ. Không phải hệ thống chiến đấu làm không tốt mà ngược lại là khác. Chính vì nó làm khá tốt khi kết hợp cả chiến đấu cận chiến và tầm xa, nhưng lại không tạo được cảm giác hào hứng trong trận chiến khiến tôi cảm thấy vô cùng đáng tiếc. Vấn đề ở chỗ, Biomutant không có phản hồi trước những thao tác tấn công của người chơi.
Điều này khiến cả băng đạn mà bạn bắn vào kẻ thù chẳng khác nào cục bông, không hề có cảm giác trúng đạn hay xả cả băng đạn vào chúng. Cận chiến thì đỡ hơn khi tay cầm rung nhẹ mỗi lần bị trúng đòn, nhưng nhiêu đó chưa đủ để người chơi cảm nhận được sự máu lửa trong trận chiến, nhất là những khi đánh boss. Khâu âm thanh tiếng động của những đòn tấn công cũng để lại cảm giác khá hụt hẫng, không tôn lên uy lực đòn tấn công trong chiến đấu. Chưa kể, những dấu báo khi kẻ thù xuất chiêu rất khó nhận thấy trong trải nghiệm.
Sau cuối, Biomutant mang đến một trải nghiệm hành động nhập vai hấp dẫn nhưng để lại cảm giác khá trái chiều. Trò chơi gây ấn tượng với bối cảnh thế giới mở được xây dựng tuyệt đẹp và ấn tượng cùng hệ thống nâng cấp nhân vật cực kỳ có chiều sâu. Ngược lại, đội ngũ phát triển vấp phải nhiều thiết kế thiếu tinh tế và thậm chí khó hiểu, gây ảnh hưởng không tốt đến trải nghiệm game ở góc độ nào đó. Nếu bạn có thể bỏ qua những vấn đề trên, đây kỳ thực vẫn là cái tên rất đáng cân nhắc.
Biomutant được phát hành cho PC (Windows), PlayStation 4 và Xbox One.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên Xbox One.