Cuộc chơi nào rồi cũng tới lúc “game over”. Có khác nhau là chiến thắng hay thuộc cuộc. Với BlackBerry cũng chẳng thể ngoại lệ.
BB, phải chăng cuộc chơi đã mãn? Câu hỏi quả làm nhói lòng các fan BB vẫn tiếc nuối cho một thời hoàng kim của BlackBerry, chiếc smartphone được đánh giá là điện thoại thông minh thật sự hiện đại đầu tiên của thế giới, từng được xưng tụng là “vua” quản lý thông tin cá nhân di động (Personal Information Management On The Go). BB từng không chỉ là công cụ không thể thiếu, mà còn là dấu ấn đẳng cấp của các nhà doanh nghiệp 4 sao, các nhà chuyên nghiệp như ngân hàng, luật sư, kế toán,… BB từng được mệnh danh là Starbucks smartphone khi hễ bước chân vào chuỗi cửa hàng cà phê này là nhìn đâu cũng thấy BB. Chiếc điện thoại của dân pro này lứnh danh bốn phương thiên hạ với công nghệ “push mail” đẩy email lên hệ thống máy chủ của BlackBerry để người dùng có thể truy xuất ở bất cứ nơi đâu, cũng như với tin nhắn BBM.
Biểu đồ số lượng smartphone BlackBerry bán ra trên toàn cầu từ năm 2007 tới quý 4-2013.
Sai lầm chết người của BlackBerry là ngủ quên trên chiến thắng. Cỗ máy phần mềm của nó quá chậm chạp, bị lỡ thời cơ rồi không thể thích ứng nổi với kỷ nguyên Smartphone 2.0. Và ngày 9-1-2007, khi Steve Jobs cầm chiếc iPhone đầu tiên bước lên sân khấu khai sinh cho chiếc smartphone đầu tiên của Apple, đó cũng chính là dấu báo cho kỷ nguyên BB coi như bắt đầu mãn. Nhưng BB vẫn còn rất mạnh. Số lượng bán ra trên toàn cầu của BB liên tục tăng từ 2 triệu chiếc (quý 1-2007) tới tột đỉnh là 14,6 triệu chiếc (quý 4-2010) để rồi bắt đầu tuột dốc ngày càng thảm từ quý 1-2011 và tới quý 4-2013 chỉ bán được 1,7 triệu chiếc – một con số quá nhỏ nhoi trong tổng số khoảng 300 triệu chiếc smartphone được bán ra trên thế giới trong quý 4-2013.
Tất nhiên, lỗi để cho BB thất bại được quy về các nhà lãnh đạo, với cựu CEO Jim Balsillie và nhà sáng lập RIM Mike Lazaridis (RIM là tên cũ của công ty BlackBerry hiện nay). Lazaridis là Phó Chủ tịch nhưng cũng là đồng CEO với Balsillie cho tới tận tháng 1-2012, khi cả 2 người cùng từ chức. Người kế nhiệm họ ngồi vào chiếc ghế nóng CEO BB là Thorsten Heins, nhà doanh nghiệp Đức gia nhập BB từ năm 2007. Nhưng ông này cũng chịu đời không thấu trước sự tuột dốc của BB, phải từ chức vào tháng 11-2013. Từ đó tới nay, BB nằm dưới quyền điều hành của John Chen, một người Mỹ gốc Hong Kong từng là CEO của công ty Walt Disney (năm 2004) và công ty Wells Fargo & Company (năm 2006).
Hạ tuần tháng 9-2014, BlackBerry tung ra chiếc BB Passport màn hình 4.5 inch vuông vức (1440 x 1440 pixel) với kích thước và hình dáng như một cuốn hộ chiếu Mỹ. Phải công nhận lạ và đẹp. Nó trở lại bàn phím cơ QWERTY truyền thống của BB và chạy hệ điều hành BlackBerry OS 10.3. Giá bán bản không khóa ở Mỹ khoảng 599 USD.
Nhưng giới bình luận cho rằng Passport giống như một trong những sự quẫy đạp cuối cùng của BlackBerry trên thị trường smartphone. Công ty BlackBerry hiện còn hơn 3 tỷ USD tiền mặt và trị giá cổ phiếu khoảng 5 tỷ USD. Mỗi quý, công ty lỗ khoảng 35 triệu USD. Về lý thuyết, nước cờ tàn của John Chen, tân CEO của BB, là bán công ty, bán trọn gói hay bán từng phần, để thu về ít nhất là 2 tỷ USD. Chỉ có điều liệu ông có làm được không?