Battletoads là bản làm lại của game “đập nện” kinh điển cùng tên từng phát hành lần đầu vào năm 1991. Tuy có nhiều thay đổi đáng chú ý so với nguyên bản, nhưng mang cảm giác như một nồi thập cẩm loạn vị.
Ngày xưa, Battletoads thường được bọn trẻ thời ấy gọi là “song long ếch” hay “ninja cóc”, nổi tiếng vì độ khó dã man con ngan. Tôi còn nhớ cả tiệm trò chơi điện tử gần nhà thời ấy chưa có bất kỳ ai “phá băng” được tựa game này. Sau bao kẻ thất bại, cuộn băng đáng thương cũng bị ông chủ tiệm sang tay cho người khác và nhanh chóng đi vào ngàn năm quên lãng. Đáng tiếc, phiên bản làm lại chỉ tái hiện được cái cảm giác đau khổ “pain in the ass” đó, nhưng những khía cạnh khác thì hoàn toàn “lạc trôi” đâu đó.
Battletoads là cuộc phiêu lưu của bộ ba Zitz, Pimple và Rash để chiến đấu với Dark Queen vì lý do mà bạn cũng không cần quan tâm làm gì. Ở góc độ người chơi, tôi có cảm giác phiên bản kinh điển năm 1991 làm tốt hơn ở khía cạnh câu chuyện kể, dù khi đó chỉ thể hiện qua những đoạn chuyển cảnh ngắn gọn và ít chữ. Bản làm lại vừa nhiều chuyện vừa dông dài với phần lồng tiếng chán không thể tả của các nhân vật chính. Thậm chí còn tệ hơn cả xem hoạt hình trên kênh Cartoon Network, để lại cho tôi một cảm giác khá thất vọng.
Tương tự, tạo hình của ba nhân vật chính là điểm trừ lớn nhất ở quan điểm cá nhân của người viết. Nhà phát triển Dlala Studio chọn phong cách đồ họa kiểu hoạt hình hoàn toàn mới, có lẽ lấy tạo hình từ bộ phim hoạt hình cùng tên vốn chưa từng được đánh giá cao về mọi mặt. Hình ảnh ba nhân vật chính gần như xát muối vào trái tim tôi vì sự thay đổi quá lớn và đột ngột. Tôi nghĩ tạo hình các nhân vật trong tựa game NES kinh điển ngày xưa được remaster sẽ cho hiệu quả tốt hơn, không chỉ về mặt hình ảnh mà cả cảm giác hoài cổ.
Thế nhưng, Battletoads bản làm lại không có chút gì ở cả hai yếu tố trên. Những gì mà bạn nhận trong trải nghiệm được không khác gì một tựa game hoàn toàn lạ lẫm ở gần như mọi khía cạnh. Chẳng hạn, kích cỡ cơ thể của các nhân vật điều khiển không còn kẻ nhỏ người to như tôi từng nhớ. Giờ đây, cả ba nhân vật đều có chiều cao khá tương đồng với chút khác biệt về cơ bắp, nhìn rạch ròi hơn trên môi trường màn chơi rực rỡ, nhiều màu sắc. Kỹ năng biến hình khi chiến đấu cũng vì thế nhìn hài hước hơn.
Lối chơi của Battletoads giống như nồi lẩu thập cẩm, chia đều ở các Act khác nhau. Hai Act đầu còn mang nhiều cảm giác của trải nghiệm kinh điển ngày xưa với chút mini-game biến tấu. Các Act sau bắt đầu “tha hóa” thành các thể loại mà tôi từ chối hiểu. Vui thì vẫn vui, nhưng khá nặng tính lặp lại trong suốt trải nghiệm. Ngay cả tạo hình của kẻ thù cũng vậy, quanh đi quẩn lại cũng chỉ vài “khuôn mặt đáng thương” luôn khiến tôi tức điên thiết kế gameplay nặng tính bất công, từ chiến đấu cho tới những pha biến tấu.
Mini-game là một trong những điểm khiến tôi cảm thấy mệt mỏi nhất, vì nó quá sức nhàm chán và lặp lại liên tục. Cứ gặp cánh cửa chặn đường là y như rằng phải chơi mini-game giải đố mệt mỏi và buồn ngủ. Yếu tố chiến đấu cũng không hề khá hơn khi Battletoads thường đẩy bạn vào những tình huống giống hệt nhau về số lượng và vị trí sắp đặt kẻ thù. Đánh đi đánh lại cũng bằng chiến thuật cũ, đi kèm với những pha hành động được phức tạp hóa với nhiều tổ hợp nút bấm đòi hỏi phản xạ. Không bấm nhầm mới lạ.
Dù cảm giác bấm rất nhạy nút, nhưng Battletoads có nhiều cơ chế điều khiển được thiết kế phức tạp hóa cố ý. Chẳng hạn trên tay cầm Xbox One, muốn ăn máu thì bạn phải dùng tổ hợp nút LT+Y và cần analog trái để điều hướng lưỡi của nhân vật. Muốn né tránh thì dùng tổ hợp phím RT kèm theo cần analog trái, đòi hỏi bạn phải né tránh khác với hướng tấn công của kẻ thù mới bảo toàn mạng sống. Trong những tình huống loạn chiến gần như xảy ra khá thường xuyên, người chơi khó tránh khỏi việc bấm nhầm nút bấm nhất là khi trải nghiệm solo.
Kỳ thực, tôi không hiểu lý do Dlala Studios phải làm nhiều tổ hợp nút phức tạp như vậy trong một tựa game “đập nện”, nhất là hành động ăn máu. Battletoads không có vấn đề với hitbox như tôi gặp phải trong Streets of Rage 4, nhưng thay bằng giải pháp rắc rối hơn thì chẳng khác nào tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa. Các trận đua mô tô bay tuy khác góc nhìn, nhưng vẫn giữ được cảm giác “pain in the ass” mà tôi nghĩ là điểm cộng về cảm giác hoài cổ. Chưa kể, trò chơi có nhiều yếu tố hài hước gợi nhớ đến các tựa game của thập niên 90 ngày đó.
Vấn đề ở chỗ, Battletoads bản làm lại mang nhiều cảm giác như được thiết kế dành cho co-op. Bạn sẽ thấy rõ điều này khi có người chơi cùng. Khó chịu nhất là nhân vật không thể né tránh nếu chưa “tung cước” hết bài quyền hay nói cách khác là số lượng frame của hoạt cảnh. Trong khi đó, kẻ thù thường tạo cảm giác bất công khi tấn công từ xa bất chấp. Tôi thường “ăn đạn” vốn khá tiệp màu với cảnh nền từ kẻ thù “ném đá giấu tay”, nhất là khi còn đang mải “chặt chém” những kẻ thù khác trong lúc chơi solo, khá là ức chế.
Đáng chú ý, nhân vật của người chơi có khả năng “che mắt” kẻ thù bằng cách… khạc nhổ, nhưng trong nhiều trường hợp đòi hỏi bạn phải tiếp cận gần để… phun cho chính xác. Tôi đồ rằng nhà phát triển thiết kế game như thế để hấp dẫn người chơi cũ về cảm giác “củ hành”, trong khi vẫn tạo cảm giác mới mẻ cho người chơi mới chưa từng trải nghiệm cái tên kinh điển ngày xưa. Chí ít đó cũng là điểm mà tôi thoáng nghĩ đến ở đầu trải nghiệm, cho đến khi nồi lẩu thập cẩm dần định hình trong các Act về sau.
Sau cuối, Battletoads mang đến một trải nghiệm “đập nện” mang nhiều cảm giác old-school đầy bất công trên nền đồ họa mới mà không phải ai cũng chào đón. Nếu có thêm một hoặc hai người bạn “ngồi chung ghế” để chơi cùng, đây kỳ thực là cái tên rất đáng cân nhắc. Dù vậy, trò chơi không hỗ trợ co-op online là một thiếu sót không nhỏ với trải nghiệm đặc trưng. Trong trường hợp đồng sàng dị mộng hoặc không có lựa chọn nào khác ngoài chơi solo, khả năng cao đó không phải tựa game dành cho bạn.
Battletoads được phát hành cho PC (Windows) và Xbox One.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!