Bài viết đề cập đến các hỏng hóc thường gặp ở pin tablet và cách khắc phục được các sự cố liên quan đến pin tablet.
Đa phần pin tablet đều được thiết kế nằm bên trong thân máy và người tiêu dùng khó có thể tự mình tháo rời, thay thế hoặc kiểm tra… Mặt khác, pin tablet hầu hết là pin có dung lượng cao, thấp nhất cũng từ 3000mAh trở lên, nên giá thành cũng khá cao, nếu chúng ta có thể tự xử lý hoặc khắc phục được sẽ tiết kiệm được chi phí khi thay pin.
Các hiện tượng hay gặp nhất khi sử dụng tablet:
Pin mau hết: đây là hiện tượng thường gặp nhất, ví dụ lúc mới mua dùng được 8h, sau một vài tháng sử dụng chỉ còn 4h… Khi gặp hiện tượng này chúng ta thử theo các bước kiểm tra sau:
– Bước 1: kiểm tra các chức năng hay tiêu tốn pin nhất như GPS, Wifi, 3G, đèn backlight… đã tắt chưa. Nếu dùng hệ điều hành Android thì có thể vào Setting\Pin\ Xem tính năng nào đã ngốn pin nhiều nhất, sau đó thiết lập lại cho đỡ tốn pin hơn (ví dụ trong hình minh hoạ thì màn hình đang tiêu tốn pin nhiều nhất). Nếu sau cách này mà vẫn không cải thiện được thời gian sử dụng pin thì chuyển qua bước 2.
– Bước 2: chúng ta tiếp tục sử dụng máy tablet cho đến khi pin thật cạn kiệt ( gần tắt máy ) rồi mới tiến hành cho sạc lại tablet thật đầy. Lập lại một vài lần ở bước này nếu pin tablet không khá hơn, chúng ta nên mang tablet đến các trung tâm bảo hành có uy tín để kiểm tra cả máy lẫn pin.
Pin sạc không đầy: trường hợp này cũng khá phổ biến trên tablet, sau nhiều giờ cắm sạc nhưng máy vẫn hiển thị trong khoảng từ 60% đến hơn 90% (hiển thị 100% báo pin đã đầy ). Gặp sự cố này chúng ta kiểm tra như sau:
– Bước 1: làm tương tự như bước 1 của trường hợp pin mau hết, vì có thể có những chức năng hay ứng dụng trong máy đang tiêu tốn rất nhiều Pin. Sau đó cắm sạc lại và theo dõi có cải thiện không. Nếu vẫn không cải thiện thì sang bước 2.
– Bước 2: Mượn chiếc sạc khác cùng model để sạc thử, vì nếu sạc bị hỏng hóc hoặc chất lượng không còn đảm bảo cũng cho ra kết quả dòng điện hoặc điện áp thấp hơn so với qui định và gây ra hiện tượng sạc không đầy. Nếu sau bước 2 vẫn không có kết quả tốt hơn, chúng ta cần mang đến trung tâm bảo hành để kiểm tra giúp.
Pin bị phù: tỉ lệ này không cao nhưng vẫn có xãy ra trên hầu hết các loại tablet, nếu chúng ta không xử lý kịp thời có thể gây hỏng nặng thêm cho tablet hoặc nguy hiểm hơn là cháy nổ. Những nguyên nhân dẫn đến phù pin như sau:
– Phù do nhiệt độ: mỗi loại pin đều có qui định về ngưỡng của nhiệt độ khi sạc và xả, nếu nhiệt độ cao hơn hoặc thấp mức cho phép có thể gây ra phù pin và cháy nổ hoặc pin chuyển qua trạng thái bảo vệ quá nhiệt. Ví dụ:
o Pin NiCd, NiMH có nhiệt độ tốt nhất khi sạc từ 0 đến 45 độ, nhiệt độ khi xả -20 đến 65 độ C
o Pin Li-ion nhiệt độ tốt nhất khi sạc từ 0 đến 45 độ, nhiệt độ khi xả -20 đến 60 độ C (hầu hết pin tablet đang dùng pin Li-ion)
Để tránh pin tablet bị phù hay cháy nổ thì chúng ta nên bảo quản tablet ở những nơi thoáng mát và nhiệt độ không vượt quá mức cho phép. Lưu ý khi sạc, không nên để tablet ở nhưng nơi quá kín khí hoặc những nơi quá nóng. Nếu gặp hiện tượng phù pin thì cách duy nhất là mang tablet đến nơi thoáng mát hơn, sau đó chuyển đến trung tâm bảo hành để xử lý thay thế kịp thời.
– Phù do chất lượng pin thấp: nếu pin chất lượng thấp thì chỉ cần sau một thời gian sử dụng hoặc đôi khi không cần qua sử dụng pin vẫn bị phù.
– Phù do dòng nạp quá lớn: do sử dụng sai bộ sạc hoặc sạc bị hỏng tạo ra dòng sạc lớn hơn nhiều so với qui định cũng gây ra phù pin.
Những lưu ý khi thay pin tablet:
Thị trường tablet hiện nay rất đa dạng với nhiều thương hiệu khác nhau, hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi, vì thế kiểm tra chất lượng của một viên pin bằng mắt thường thì không dễ phân biệt. Mặt khác, pin tabet được thiết kế bên trong máy tablet nên cơ hội so sánh giữa pin này với pin kia là rất khó, đã vậy các hãng sản xuất cũng không quan tâm lắm đến việc in ấn các hình ảnh nhận biết trên vỏ pin ( thông thường các hãng chỉ ghi vài thông tin về dung lượng trên vỏ pin) nên phân biệt theo hình dáng bề ngoài càng trở nên khó khăn. Vậy làm thế nào để chọn một viên pin chất lượng đúng như cam kết?
– Lựa chọn các hãng có uy tín trên thị trường, có cam kết rõ ràng thời gian bảo hành cho pin. Không nên ham rẻ mà tìm đến những cửa hàng bán điện thoại trên phố để mua những cục pin với giá rẻ vài chục ngàn đồng, đa số pin này thường là hàng Trung Quốc, không ghi rõ nguồn gốc, không cam kết dung lượng thực tế .v.v…
– Hiện nay tại một số công ty, cửa hàng có trang bị các thiết bị đo kiểm dung lượng, chất lượng pin điện thoại và tablet trước khi bán, chúng ta có thể yêu cầu kiểm tra dung lượng thực tế của pin trước khi quyết định mua pin. Hoặc cũng có thể yêu cầu kiểm tra lại dung lượng pin nếu pin có sự cố trong quá trình sử dụng.
– Dung lượng pin: khi thay thế, chúng ta nên chọn pin có dung lượng tương đương với dung lượng thay thế, nếu có dung lượng cao hơn cũng được, nhưng không nên cao hơn nhiều quá (thường nằm trong khoảng từ 10 đến 30%) vì dung lượng càng lớn thì diện tích pin càng lớn và hiển nhiên dòng nạp cho pin cũng cần phải lớn hơn, nếu không thì pin lại bị hiện tượng nạp không đầy.
K.N