Atari 50: The Anniversary Celebration là bộ sưu tầm kỷ niệm 50 năm đầy thăng trầm của Atari trong vai trò nhà phát hành kiêm phát triển, đồng thời là chủ quản của hàng loạt hệ máy chơi game Atari kinh điển từ những năm 1970 đến đầu thập niên 80 và hơn thế nữa. Tuy nhiên không như các bộ sưu tầm retro khác đa phần chỉ là tuyển tập game kinh điển, bộ sưu tầm này không những kèm theo hơn 100 game trải dài trong suốt nửa thế kỷ của đế chế Atari, nó còn mang theo bao minh chứng lịch sử của thương hiệu này trong suốt ngần ấy thời gian.
Với một người luôn yêu thích sưu tầm những món đồ hoài cổ như tôi, người viết chỉ có thể mô tả Atari 50: The Anniversary Celebration bằng hai từ xuất sắc với phần trình bày cực kỳ ấn tượng. Thậm chí, khía cạnh này còn vượt trội SNK 40th Anniversary Collection luôn được tôi xem như chuẩn mực của một bộ sưu tầm. Nó có đầy đủ những tài liệu liên quan có tính lịch sử cũng như những câu chuyện và các bản vẽ tư liệu cũ của các hệ máy Atari. Tất cả đều là những gì người viết luôn mong đợi ở một bộ sưu tầm chuẩn không cần chỉnh.
Không những vậy, những yếu tố nói trên giúp bộ sưu tầm dễ cuốn hút nhiều nhóm người chơi, những ai không hề có tuổi thơ với các hệ máy này và luôn tò mò về chúng. Đặc biệt là những người chơi trẻ tuổi vốn chưa từng chạm tay hay thậm chí nghe đến những hệ máy chơi game vô cùng kinh điển này. Dành cho bạn nào không biết, Atari kỳ thực là cánh chim đầu đàn khai phá ngành công nghiệp game. Họ chính là công ty tiên phong trong trò chơi điện tử thùng (arcade), máy chơi game gia đình (console) và cả máy tính cá nhân (PC) từ năm 1972.
Họ cũng là “cha đẻ” của game Pong và máy chơi game gia đình Atari 2600. Đây là hai sản phẩm định hình nên ngành công nghiệp không khói trong khoảng thời gian từ thập niên 70 đến giữa những năm 1980, trước cả khi Nintendo tham gia thị trường béo bở này vào năm 1985. Tình hình xấu đi với cú ngã ngựa của Atari vào năm 1983. Sau hơn một thập niên xưng bá, ngành game trở nên suy thoái quy mô lớn từ năm 1983 đến 1985. Nguyên nhân là do thị trường bão hòa về số lượng máy chơi game và chất lượng trò chơi ngày càng kém cũng như thị hiếu thay đổi.
Các yếu tố thiên thời, địa lợi và nhân hòa đều không có, từ doanh thu ngành đạt đỉnh khoảng 3,2 tỷ USD vào năm 1983 đã lao dốc không phanh chỉ còn khoảng 100 triệu USD vào năm 1985. Thời kỳ hoàng kim của arcade cũng thoái trào khi ngành game suy yếu và rơi vào hỗn loạn, khiến rất nhiều công ty đua nhau phá sản. Atari cũng không ngoại lệ và bị sang tay nhiều chủ quản khác nhau. Ở thời điểm bài viết, họ chỉ là “kim thiền thoát xác” từ những gì còn sót lại của nhà phát triển Infogrames, “cha đẻ” của series game kinh dị sinh tồn Alone in the Dark.
Thú vị hơn, sự phát triển lớn mạnh của Atari cũng khó tránh khỏi những mâu thuẫn với đội ngũ phát triển nội bộ. Đây cũng là tiền đề cho Activision ra đời vào đầu tháng 10/1979, được thành lập bởi một nhóm các nhà phát triển muốn mơ lớn và làm lớn theo cách của họ. Kể đến đây thì tôi thấm mệt rồi. Chính vì vậy mà những mảnh ghép về Atari, người viết mời bạn xem thông tin chi tiết từ các tài liệu và phim tư liệu trong Atari 50: The Anniversary Celebration. Đó kỳ thực là câu chuyện hấp dẫn nhưng ít được biết đến về cánh chim đầu đàn của ngành game.
So với Atari Flashback Collection, số lượng game trong Atari 50: The Anniversary Celebration tuy chỉ bằng 2/3 nhưng chất lượng hơn, cộng với giá trị mà nó mang đến nhiều gấp 7749 lần. Bạn có thể khám phá những game kinh điển tạo nên dấu ấn cho các hệ máy từ Atari 2600 được nhiều người biết tới, cho đến hệ máy chơi game cầm tay Atari Lynx hay thậm chí là mẫu máy Atari Jaguar yểu mệnh. Thế nhưng có lẽ do vấn đề cấp phép bản quyền, khá đáng tiếc khi bộ sưu tầm này chỉ có những game first-party do chính Atari sản xuất và phát hành.
Điều đó đồng nghĩa bạn không thể trải nghiệm những game vô cùng kinh điển từ các nhà phát triển thứ ba, vốn đã trở thành một phần lịch sử của hệ máy Atari 2600 như Pitfall, River Raid, Space Invaders hay “cô em” Ms. Pac-Man. Tôi cũng không thấy nguyên bản Battlezone, tựa game mô phỏng kinh điển vô cùng sáng tạo từng được làm lại không chỉ một mà những hai lần, có lẽ cũng do vấn đề cấp phép từ chủ sở hữu mới hiện tại. Tựa game “tội đồ” E.T. the Extra-Terrestrial được cho là góp công lớn tạo nên sự sụp đổ của đế chế Atari cũng không ngoại lệ.
Tương tự, những cái tên đình đám trên hệ máy Atari Jaguar đắt không xắt ra miếng ngày nào như Doom, Alien vs Predator, Flashback: The Quest for Identity hay Cannon Fodder cũng hoàn toàn biệt tích giang hồ trong Atari 50: The Anniversary Celebration. Hai game “mong ước kỷ niệm xưa” của người viết là Syndicate và Theme Park cũng chung số phận. Mặc dù vậy, đây cũng là lần đầu tiên tôi thấy các game Atari Jaguar xuất hiện trên các hệ máy chơi game hiện đại, bên cạnh game từ những hệ máy quen thuộc hơn như Atari 2600 và Atari 7800.
Dù được xem là khá yểu mệnh với số lượng game khá ít trong suốt vòng đời, nhưng các game Atari Jaguar trong Atari 50: The Anniversary Celebration đều mang đến cho người viết trải nghiệm hoài cổ đầy thú vị. Những cái tên như Atari Karts, Cybermorph hay Fight for Life, ít nhiều đều gợi cảm giác quen thuộc từ một số game sở hữu lối chơi tương tự trên hệ máy Super NES. Tuy nhiên, không thể phủ nhận đồ họa của các game này hầu như đều chưa thể sánh bằng những đối thủ đương thời là Sega Genesis, Super NES và 3DO.
Đáng nói, tuy sở hữu con số hơn 100 game nhưng kỳ thực khoảng chục game có nhiều phiên bản hoặc bản chuyển nền giữa các hệ máy khác nhau như Asteroids, Scrapyard Dog hay Dark Chambers v.v… Đáng chú ý, chất lượng giả lập các game kinh điển trong Atari 50: The Anniversary Celebration rất tốt, hướng đến tái hiện chính xác trải nghiệm retro ở mọi khía cạnh, kể cả lỗi game. Nhà phát triển Digital Eclipse cũng là đội ngũ tài năng đứng đằng sau những bộ retro xuất sắc như Disney Afternoon Collection và Teenage Mutant Ninja Turtles: The Cowabunga Collection.
Đặc biệt, có 7 game trong Atari 50: The Anniversary Celebration là bản làm mới trải nghiệm của một số game kinh điển. Phần lớn các bản làm lại này không chỉ nâng cấp đồ họa lên độ phân giải cao và nhìn sắc nét hơn, mà còn bổ sung một số cơ chế gameplay mới. Chẳng hạn, Haunted House là bản làm lại của một trong những game kinh dị sinh tồn đầu tiên trên thế giới, trước cả Alone in the Dark kinh điển những 10 năm. Trải nghiệm game tuy thiết kế đơn giản nhưng khá hấp dẫn, cho phép bạn thay đổi giữa góc nhìn thứ ba và góc nhìn chéo từ trên cao.
Neo Breakout thì có thêm luật chơi cũng như power-up mới và hình đẹp hơn nhiều so với nguyên bản Breakout. Yars’ Revenge Enhanced cũng tương tự với đồ họa nhiều màu sắc hơn game gốc Yars’ Revenge. Quadratank thì mang đến đến trải nghiệm Tank kinh điển với góc nhìn top-down và hỗ trợ 4 người cùng chơi. Trong khi đó, Swordquest: AirWorld được xây dựng trải nghiệm hoàn toàn mới dựa trên các ý tưởng của ba game kinh điển trong series Swordquest của nhà phát triển Tod Frye. So với game kinh điển Adventure, trải nghiệm phức tạp hơn với mê cung và các mini-game.
Swordquest: AirWorld có một yếu tố khá thú vị là phần chuyển động mở cửa gợi nhớ đến Resident Evil kinh điển, dù trải nghiệm gốc được phát hành trước trước tựa game của Capcom hơn chục năm. Hào hứng không kém là Vctr-Sctr được xây dựng như chế độ chơi boss rush, lấy ý tưởng từ các game retro có đồ họa vector của Atari với lối chơi giao thoa giữa nhiều cái tên kinh điển như Asteroids, Battlezone hay Tempest v.v… Ngoài ra còn có Touch Me với lối chơi rất lạ và khác biệt. Nó kỳ thực là bản sao kỹ thuật số của một thiết bị cầm tay ra mắt năm 1979.
Tôi chưa từng thấy thiết bị cầm tay này ngoài đời nhưng trong Atari 50: The Anniversary Celebration, Touch Me mang đến trải nghiệm với độ khó tăng dần với yêu cầu người chơi lặp lại các thao tác bấm nút khác nhau. Đó là chưa kể một số game chỉ có thể mở khóa khi bạn hoàn thành yêu cầu theo gợi ý được mô tả. Những gợi ý này tuy đơn giản nhưng khá thú vị, vì chỉ những người chơi yêu thích và từng trải nghiệm thế giới game Atari kinh điển mới dễ dàng nhận ra và biết phải làm gì, cũng như với tựa game cụ thể nào.
Sau cuối, Atari 50: The Anniversary Celebration mang đến trải nghiệm tuyệt vời với hơn 90 game kinh điển, vừa xen lẫn một số game được làm mới trải nghiệm. Điểm cộng lớn nhất của bộ sưu tầm này là kho tài liệu đậm dấu ấn lịch sử về những tháng năm thăng trầm của Atari từ góc nhìn người trong cuộc và hơn thế nữa, góp phần làm tăng giá trị cho bộ sưu tầm được xây dựng như viện bảo tàng Atari này. Đó là chưa kể số lượng game đồ sộ, trải dài nhiều thế hệ máy chơi game tự cổ chí kim của đế chế Atari ngày xưa, đủ biến nó thành bộ sưu tầm không thể thiếu trong thư viện game.
Atari 50: The Anniversary Celebration hiện có cho PC (Windows), PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!