Assassin’s Creed Odyssey mang đến một thế giới mở rộng lớn hơn bất kỳ tựa game nào trong series này trước đây, nhưng những nội dung được xây dựng trong đó hoàn toàn không tương xứng và mang nặng tính “cày cuốc”.
Assassin’s Creed Odyssey là phần chơi mới nhất trong series game Assassin’s Creed được rất nhiều người chơi yêu thích. Phần chơi này lấy bối cảnh vào năm 431 trước công nguyên, tức khoảng 400 năm trước khi các sự kiện trong game Assassin’s Creed Origins diễn ra. Theo lịch sử thế giới thì đây là lúc bắt đầu diễn ra chiến tranh Peloponnesus giữa các thành bang thời Hy Lạp cổ đại là Peloponnesus của người Sparta và Delos của người Athens. Tuy nhiên, game này chỉ mượn bối cảnh lịch sử có thật chứ nội dung thì được xây dựng hư cấu.
So với phần chơi các phần chơi Assassin’s Creed trước đây, nội dung trong Assassin’s Creed Odyssey mang hơi hướng là một câu chuyện kể cá nhân nhiều hơn. Người chơi sẽ nhập vai một trong hai nhân vật Alexios và Kassandra vốn là hai anh em có một số phận hết sức éo le với gia đình tan nát, sống nhờ vào những công việc “làm thuê”. Mặc dù vậy, phần chơi của hai nhân vật này hoàn toàn giống hệt nhau về cả nội dung lời thoại lẫn toàn bộ trải nghiệm. Nếu có gì khác biệt thì có lẽ là cách mà mỗi nhân vật thể hiện “thần thái” khi nói chuyện. Một nhân vật sử dụng giọng điệu bỗ bã, xấc xược trong khi nhân vật còn lại thì nói nhẹ nhàng nữ tính hơn.
Nội dung của Assassin’s Creed Odyssey tương đối hấp dẫn. Người chơi sẽ tương tác với các nhân vật khác thông qua hệ thống cây hội thoại, tạo sự thay đổi tình tiết và dẫn đến nhiều kết cục tùy thuộc vào lựa chọn của người chơi. Trong các phân đoạn “tình thương mến thương” cũng được vận dụng cây hội thoại này cho mục đích tương tự, nhưng hầu hết chỉ là chọn “tương tác” với nhân vật nào. Thế nhưng, với một khởi đầu có vẻ thú vị thì mọi thứ lại bị phá hỏng bởi nhịp độ chơi “đáng đánh đòn” của trò chơi.
Có không ít tựa game mà nhà phát triển cố ý tăng độ khó để ép người chơi phải “cày cuốc” cho nhân vật, mục đích có lẽ để tăng giá trị ảo trong trải nghiệm cho trò chơi. Assassin’s Creed Odyssey chính xác cũng lại áp dụng chiêu trò cũ rích mà đang ngày càng trở nên rất “rẻ tiền” đó. Ban đầu, trải nghiệm game thật sự khá hấp dẫn, không đòi hỏi người chơi phải làm nhiệm vụ phụ mà chỉ cần tập trung vào các nhiệm vụ chính là đủ. Thế nhưng càng trải nghiệm về sau, độ chênh lệch cấp độ giữa nhân vật và khuyến cáo của nhiệm vụ càng tăng lên nhanh chóng, nghiêng hẳn sang hướng “cày cuốc” rất nhiều mà bạn không còn lựa chọn nào khác là phải làm những nhiệm vụ phụ chán ngắt.
Thậm chí, từ gần cấp độ 20 trở đi thì điều duy nhất người viết nghĩ trong đầu có lẽ chỉ là làm sao để kiếm được thêm nhiều điểm kinh nghiệm, chứ không phải là một trải nghiệm khám phá cái thế giới rộng lớn và đẹp mắt của Hy Lạp cổ đại mà trò chơi xây dựng nữa. Vấn đề ở chỗ, những nhiệm vụ phụ không những mang tính bắt buộc mà còn nặng cảm giác lặp lại theo các mô típ quen thuộc như: đi đến đây, điều tra cái này, nói với người kia, hành thích người nọ hay chỉ đơn thuần là đi lấy đồ. Đáng nói, yếu tố lặp lại này diễn ra ở mọi nhiệm vụ trong các khu vực khác nhau, tất cả đều giống nhau không sai một ly đi một dặm nào cả.
Mặt khác, trải nghiệm trong Assassin’s Creed Odyssey đặt nặng yếu tố cấp độ, vũ khí, giáp và kỹ năng của nhân vật chứ không coi trọng kỹ năng chơi game của người chơi. Điều này được thể hiện khá rõ nét qua bảng kỹ năng của nhân vật kết hợp với hệ thống chiến đấu đơn giản đến nhàm chán. Cụ thể, hệ thống kỹ năng cho phép người chơi thiết lập chủ yếu là các kỹ năng sử dụng vũ khí cận chiến và tầm xa. Mỗi khi thực hiện thành công các đòn tấn công kẻ thù, một thanh năng lượng sẽ được hồi phục dần và khi đầy sẽ giúp bạn triển khai những chiêu thức có sát thương cao hơn.
Thế nhưng, các đòn tấn công cận chiến lại chỉ gói gọn trong hai nút bấm, cùng với khả năng đỡ đòn của đối phương để thực hiện phản đòn. Nói một cách đơn giản thì chiến đấu trong Assassin’s Creed Odyssey giống như bạn đang đứng múa may quay cuồng giữa kẻ thù để làm sao không bị “ăn đòn” vậy. Trong khi các đòn tấn công tầm xa thì chỉ mang tính màu mè và thể hiện hơn là nặng cảm giác “chặt chém” bằng vũ khí cận chiến. Đáng nói là ngay cả các trận hải chiến tưởng chừng mang đến trải nghiệm mới mẻ hơn cũng lại đơn giản và đáng thất vọng ngoài mong đợi. Hầu hết chỉ là “cuộc chiến tên bay” giữa đôi bên.
Nếu thích “ngầu” thì bạn cũng có thể đâm vào tàu của đối phương và phóng lao để tạo lợi thế cho phe ta. Thích “chặt chém” thì nhảy lên tàu của kẻ thù để quay về với những pha chiến đấu cận chiến nhàm chán nói trên. Còn nếu thích “tàu nhanh” thì nhấn chìm toàn bộ con tàu lẫn thủy thủ đoàn của kẻ thù xuống đáy đại dương bằng hàng loạt “tên bay” mới nữa và thản nhiên nhìn cái kết. Chính điều này biến những trận hải chiến nhanh chóng trở nên nhạt nhẽo chỉ sau vài trận, khiến tôi thường “lơ” kẻ thù cho đỡ mất thời gian.
Một tính năng “cũ người mới ta” có lẽ được Assassin’s Creed Odyssey vay mượn từ game Far Cry 5 là các trận đánh chinh phạt với cuộc chiến quy mô lớn hơn. Nhân vật của người chơi sẽ lao vào “chặt chém”, xuyên thủng hàng phòng ngự của kẻ thù để giành quyền kiểm soát lãnh thổ theo phong cách game Musou. Tuy nhiên, nó đòi hỏi trước đó bạn phải phá căn cứ của kẻ thù, tiêu binh diệt tướng, cướp kho báu và tiêu hủy kho quân nhu của kẻ thù. Khi thanh “chiến sự” ở mỗi khu vực “hạ nhiệt” là lúc người chơi có thể tiến hành chinh phạt.
Đây là cuộc chiến với phần thưởng là rất nhiều điểm kinh nghiệm, nó khá hỗn loạn và hào hứng hơn hẳn các trận chiến thông thường trong trải nghiệm. Phần gameplay này được thiết kế như một dạng nhiệm vụ lặp lại, để người chơi có thể thường xuyên “cày” điểm kinh nghiệm từ nó mỗi khi bị kẻ thù chiếm lại lãnh địa. Ngoài ra, Assassin’s Creed Odyssey có một hệ thống săn thưởng khá thú vị về mặt lý thuyết nhưng lại gây ức chế nhất trong trải nghiệm do thiết kế mang nặng cảm giác bất công.
Về cơ bản, tùy thuộc vào việc bạn giết hại thường dân, cướp bóc hay thậm chí là tiêu diệt kẻ thù ít nhiều ra sao mà nhân vật của người chơi sẽ “được” treo thưởng. Khi đó, bạn sẽ bị truy sát bởi những kẻ thù rất mạnh vượt nhân vật ít nhất 10 cấp. Đáng nói là những kẻ thù này biết rất rõ mọi dấu vết của bạn, luôn truy đuổi và gây phiền nhiễu cho người chơi rất nhiều trong trải nghiệm, tới mức khiến bạn tức điên. Tuy nhiên, những kẻ thù này không phải là thứ duy nhất gây khó chịu mà còn phải kể đến hệ thống hành động lén lút trong game đôi lúc vận hành như “những người thích đùa”.
Không ít lần kẻ thù có thể phát hiện nhân vật của người chơi hết sức vô lý từ những vị trí không thể tin được. Ngược lại, nhiều khi bạn chạy đến sát bên nhưng kẻ thù lại không nghe và phát hiện ra. Có một điều khá thú vị là người chơi cũng có thể tuyển dụng và biến kẻ thù trở thành đồng minh, ra lệnh cho họ tạo những tình huống “dương đông kích tây”, giúp bạn dễ dàng hành động lén lút hơn. Có điều, tính năng này vận hành khá giống trong game Satellite Reign. Đáng tiếc là Assassin’s Creed Odyssey cũng có hàng loạt vấn đề kỹ thuật khá khó chịu, có lẽ phải chờ vài bản cập nhật sau khi phát hành mới khá hơn được.
Đầu tiên phải kể đến là thời gian loading giữa mỗi lần chết và các đoạn chuyển cảnh rất lâu. Chưa kể game thường xuyên “treo hình” ở những đoạn “phụ tải” trong lúc trải nghiệm. Tốc độ khung hình trồi sụt khá thất thường. Nhưng tất cả không dễ điên bằng hệ thống autosave “sớm nắng chiều mưa” còn hơn cả game Shadows: Awakening. Nếu sơ ý để nhân vật chết ngay sau khi vừa hoàn thành nhiệm vụ thì dù đã nhận luôn điểm kinh nghiệm rồi, không hiếm lần bạn sẽ rơi vào trường hợp bị buộc phải chơi lại từ đầu nhiệm vụ hoặc checkpoint gần nhất. Tôi thật sự không hiểu một hệ thống autosave “sai, quá sai” như thế này lại dễ dàng lọt qua khâu kiểm tra chất lượng ban đầu của một tựa game AAA như thế này?
Sau cuối, Assassin’s Creed Odyssey quả thật mang đến một thế giới hết sức mở rộng lớn để người chơi khám phá, nhưng những gì xây dựng bên trong đó mang nặng tính lặp lại và thậm chí có phần phô diễn hơn là tương xứng. Mặc dù game có nội dung cũng khá hấp dẫn và gây ấn tượng với đồ họa đẹp rạng rỡ, nhưng lại đề cao yếu tố “cày cuốc” với hàng đống nhiệm vụ phụ hao hao nhau không có gì hấp dẫn. Nó khiến trò chơi thích hợp với fan cứng của series game Assassin’s Creed, hoặc thích tham quan ngắm cảnh trên nền đồ họa đẹp mắt hơn là những đối tượng người chơi khác. Tuy game có bán vật phẩm ảo toàn “hàng ngon”, nhưng nếu bạn có nhiều thời gian cày cuốc thì cũng không cần móc hầu bao.
Assassin’s Creed Odyssey được phát hành cho Windows, PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch. Tuy nhiên, bản Nintendo Switch là chơi game stream từ nền tảng đám mây và chỉ dành cho thị trường Nhật Bản.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!