Ary and the Secret of Seasons là game nhập vai đầy tham vọng của một studio phát triển nhỏ, nhưng chưa được xây dựng đúng với tiềm năng của nó.
Ary and the Secret of Seasons đưa người chơi đến với câu chuyện mở đầu như phiên bản game của Hoa Mộc Lan. Nhân vật chính Ary là con gái của Mùa Đông, một trong bốn hộ thần mùa màng giữa bối cảnh thế giới đang trong tình trạng thời tiết hỗn loạn. Mặt nước biển thì đóng băng trong khi đỉnh núi bị thiêu đốt dưới ánh dương. Sau khi anh trai mất tích, cha của Ary bị trầm cảm và cô bé quyết định thay gia đình đi “tòng quân”. Ban đầu nhân vật chỉ có khả năng điều khiển băng giá nhưng về sau điều khiển được bốn mùa.
Nội dung trong Ary and the Secret of Seasons được kể lại thông qua các đoạn chuyển cảnh được dựng bằng game engine và lời thoại của các nhân vật. Tuy biểu cảm nhân vật không “đơ như cây cơ” giống diễn xuất của Lưu Diệc Phi, nhưng tựa game của nhà phát triển eXiin và Fishing Cactus mắc phải nhiều vấn đề kỹ thuật, để lại không ít cảm giác trái chiều. Điều này đặc biệt đáng tiếc khi trò chơi sở hữu ý tưởng gameplay gợi nhớ đến một trong những tựa game nhập vai xuất sắc nhất thời đại handheld: Legend of Zelda: Oracle of Seasons.
Điểm cộng lớn nhất của Ary and the Secret of Seasons là khả năng thay đổi mùa của nhân vật chính. Kỹ năng này không chỉ tạo sự hấp dẫn trong khía cạnh phiêu lưu đi cảnh, giải đố, mà còn tác động đến kẻ thù và NPC. Đơn cử như thay đổi sang mùa đông lạnh giá sẽ làm nước đóng băng nhưng ngược lại, cái nóng mùa hè sẽ làm mặt băng “rã đông”. Vận dụng quyền năng này như thế nào là một phần trong trải nghiệm của người chơi, dẫn đến nhiều tình huống giải đố thú vị bất ngờ. Tuy nhiên, vấn đề hiệu năng đã làm cảm giác này giảm đi nhiều.
Ở chế độ gắn dock máy Switch, Ary and the Secret of Seasons có hiệu năng khá tệ đến mức thường xuyên gây ức chế, nhất là những trận đánh boss. Vấn đề sụt giảm tốc độ khung hình diễn ra rất khó chịu mỗi khi người chơi chuyển đổi giữa các mùa. May mắn thay, dù không “miễn nhiễm” với vấn đề hiệu năng, nhưng nhà phát triển tối ưu tốt hơn cho trải nghiệm ở chế độ handheld. Tôi nghĩ thủ phạm làm tốc độ khung hình trồi sụt thất thường ở chế độ dock là do thiết lập độ phân giải cao hơn khả năng phần cứng của Nintendo Switch.
Một lý giải khác nữa là game engine chưa được tối ưu tốt hoặc do “lắm thầy nhiều ma” cùng tham gia phát triển. Về cơ bản, đồ họa của Ary and the Secret of Seasons không nặng và mức độ chi tiết cũng thấp. Nhận định này còn dựa trên vấn đề khác là các lỗi glitch hình ảnh diễn ra không ít trong suốt trải nghiệm về sau, nhất là hang động cuối cùng. Đây là những vấn đề lẽ ra phải được phát hiện và khắc phục trong quá trình kiểm định chất lượng trước khi phát hành, nhưng có vẻ đội ngũ phát triển đã không đủ thời gian.
Ở thời điểm bài viết, mặc dù tôi đã cố chờ bản cập nhật mới khắc phục những vấn đề nói trên, nhưng đáng tiếc là nhà phát triển vẫn không ra mắt cập nhật nào sau hơn hai tuần phát hành. Không những vậy, Ary and the Secret of Seasons có nhịp độ chơi rất bất thường, cảm giác như bị cắt bớt nội dung. Ban đầu, trải nghiệm phiêu lưu khám phá rất hào hứng với môi trường màn chơi rộng lớn và nhiều NPC trao cho bạn hàng đống nhiệm vụ phụ. Tuy đa phần chỉ đi loanh quanh trong thị trấn nhưng không thiếu việc để làm.
Thế nhưng, sau khi qua giai đoạn hào hứng nói trên, trải nghiệm game bất ngờ thu hẹp quy mô cứ như hai mảnh ghép lệch pha vậy. Lúc này, người chơi được yêu cầu thu thập bốn MacGuffin từ các đền thờ, không còn được đi “phá làng phá xóm” và thực hiện nhiệm vụ phụ nữa. Các quả cầu đổi mùa mà bạn phải thu thập cũng mang đến cảm giác nửa vời, thiếu điểm nhấn. Chỉ có mùa đông và mùa xuân tạo sự độc đáo trong khía cạnh khám phá, hai quả cầu còn lại chẳng có gì đặc biệt về cơ chế gameplay khiến tôi không tránh khỏi cảm giác thất vọng.
Chưa kể, việc thu thập các quả cầu điều khiển thời tiết nửa nạc nửa mỡ như bị cắt bớt nội dung, để lại cho người chơi cảm giác không thỏa mãn. Hệ thống chiến đấu của Ary and the Secret of Seasons cũng không có điểm nhấn hay tạo chút thử thách nào. Người chơi chủ yếu chỉ cần khai thác tốt cơ chế cản đòn (parry), khiến kẻ thù “đơ như cây cơ” rồi tấn công là trăm trận trăm thắng. Tuy nhiên, chiến đấu không phải là yếu tố được đặt nặng trong trải nghiệm game. Bạn gần như có thể bỏ qua khi phần thưởng cũng chẳng đáng bỏ công.
Ở góc độ người chơi, tôi có cảm giác xây dựng thế giới trong Ary and the Secret of Seasons vừa thừa lại vừa thiếu. Thừa là vì quy mô ban đầu khá rộng lớn, nhưng thiếu ở chỗ chưa tận dụng hết không gian đó. Nhiều khu vực “trống vắng” chẳng phục vụ cho mục đích gì khác ngoài tạo cảm giác rộng lớn không cần thiết. Lẽ ra nhà phát triển có thể thêm vào đó những chi tiết nhỏ cho trải nghiệm khám phá hào hứng hơn. Đáng tiếc là các khía cạnh khác cũng không được khai thác và phát huy hết tiềm năng game, để lại cảm giác thiếu hoàn chỉnh.
Đáng chú ý, phần cứng hạn chế của máy Switch gây ảnh hưởng không nhỏ đến tầm nhìn của người chơi trong game, khiến bạn rất khó bao quát môi trường khám phá trong nhiều trường hợp. Lúc nào cũng có lớp sương mờ bao phủ che lối phía trước. Vấn đề này dường như chỉ xảy trên trên hệ máy của Nintendo. Đây là điều khá đáng tiếc khi Ary and the Secret of Seasons sở hữu một số cơ chế gameplay khá hấp dẫn so với những cái tên khác trên thị trường. Đơn cử như yếu tố giải đố rất thú vị và để lại dấu ấn rất riêng trong thiết kế.
Sau cuối, Ary and the Secret of Seasons mang đến một trải nghiệm phiêu lưu hành động nhập vai khá trái chiều, chủ yếu vì sự bất nhất trong xây dựng thế giới và nhịp độ chơi. Những vấn đề của trò chơi có thể gây phiền nhiễu hơn bạn tưởng trong trải nghiệm về sau, cần giải pháp khắc phục từ nhà phát triển. Nếu dễ tính, đây vẫn là cái tên khá đáng chú ý vì những gì mà nó mang đến, nhất là khía cạnh giải đố hấp dẫn và hệ thống chiến đấu “dễ như ăn cơm mẹ nấu” hướng đến người chơi casual nhiều hơn.
Ary and the Secret of Seasons được phát hành cho PC (Windows), PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên Nintendo Switch.
[text-blocks id=”game” plain=”1″]