Arc of Alchemist là tựa game hành động nhập vai khá thú vị, giống như một thử nghiệm mới từ Complile Heart, nhà phát triển vốn đã khá quen thuộc với series JRPG Hyperdimension Neptunia “cà khịa” cả ngành công nghiệp game.
Trước tiên, phải nói ngay cho rõ là Arc of Alchemist hoàn toàn không liên quan gì đến series JRPG Atelier dù đọc lên có phần hao hao. Không chỉ khác biệt nhà phát triển mà ngay cả nội dung cũng không có chút liên hệ gì với nhau. Thậm chí, nếu đã từng trải nghiệm qua tựa game này, bạn sẽ có cảm giác “ngạc nhiên chưa” vì cái tựa “có gì đó sai sai” dường như chẳng liên quan gì đến trải nghiệm game. Về cơ bản, trò chơi mang đến trải nghiệm hành động nhập vai với lối chơi chặt chém, thu thập chiến lợi phẩm quen thuộc của thể loại này. Tất nhiên trải nghiệm game không thể thiếu yếu tố nâng cấp party đặc trưng, đi kèm với một số ý tưởng gameplay thú vị khi kết hợp với yếu tố xây dựng căn cứ tưởng chừng chẳng hề liên quan.
Arc of Alchemist đưa người chơi đến với cuộc phiêu lưu của nữ thiếu tá (Major) Quinn Bravesford. Trò chơi lấy bối cảnh trái đất sau chiến tranh đã biến hành tinh xanh này thành bình địa, khắp nơi chỉ còn lại những tàn tích đổ nát. Nhân vật chính cùng đồng đội được giao sứ mệnh từ cấp trên (Lord) để tìm Great Power, một thánh tích được cho là có quyền năng cứu rỗi trái đất khỏi sự diệt vong. Phần lớn nội dung được kể lại thông qua các đoạn chuyển cảnh được dựng hoàn toàn bằng game engine. Xen kẽ trong đó là những câu chuyện đời thường, “hoàn cảnh gặp gỡ”, tình thương mến thương hoặc cà khịa nhau của các nhân vật mỗi khi người chơi quay về căn cứ. Đây cũng là các NPC hỗ trợ chiến đấu cho nhân vật chính với ưu và khuyết điểm riêng.
Đáng chú ý, game chỉ có phần lồng tiếng Nhật nên trừ khi có khả năng nghe hiểu ngôn ngữ này, trải nghiệm game sẽ đòi hỏi bạn phải chịu khó đọc phụ đề tiếng Anh để muốn tìm hiểu nội dung. Kỳ thực, nói vậy chứ nội dung của Arc of Alchemist không có gì hấp dẫn, nếu không nói là tái sử dụng chủ đề quen thuộc trong các JRPG: thảm họa tận thế. Tuy nhiên, ngay từ bối cảnh đã khiến tôi cảm thấy “có gì đó sai sai” khi nhiều điểm khá phi lý. Chẳng hạn, trái đất cạn kiệt nguồn nước nhưng số quái vật thi nhau “hành” người chơi không những nhiều, mà còn mang hình thù khổng lồ với khả năng thoắt ẩn thoắt hiện khắp nơi. Phải chăng chúng bị đột biến gen với cây xương rồng nên mới không cần nước để sống chăng?
Đồ họa trong game cũng có cảm giác hơi khác thường. Không còn những nhân vật “hoa ghen thua thắm, liễu hơn kém xanh” như thường thấy từ nhà phát triển Compile Heart nữa. Thay vào đó là dàn nhân vật mang tạo hình khá giống như “body shaming” vậy. Ban đầu nhìn hơi lạ lạ, thấy dị dị nhưng càng về sau không hiểu sao tôi lại thấy rất đáng yêu, nhất là nhân vật chính Major Quinn. Tuy nhiên, điểm trừ khá lớn của Arc of Alchemist là các nhân vật thường rất thụ động trong các đoạn chuyển cảnh, mang cảm giác thiếu sự đầu tư khiến câu chuyện kể có phần trở nên khá tẻ nhạt trong suốt trải nghiệm game. Không hiếm những phân đoạn mà các nhân vật chỉ đứng yên một chỗ trò chuyện với nhau, gần như không có biểu cảm trên khuôn mặt ngoài nhép môi hay đổi tư thế đứng.
Thế nhưng, vấn đề lớn nhất của Arc of Alchemist là hiệu năng game không tốt, dù là trên “người đàn ông mạnh mẽ” PS4 Pro hay “cô gái yếu đuối” Nintendo Switch. Ở góc độ người chơi, tôi nghĩ đây là vấn đề tối ưu hóa hiệu năng game engine của đội ngũ phát triển vì trò chơi có đồ họa không hề nặng, cũng chẳng thuộc dạng đẹp rạng ngời đến mức đòi hỏi sức mạnh phần cứng cao. Trên phiên bản Switch, nếu xét vào khung thời gian trong bối cảnh game, môi trường màn chơi trông khá nhạt nhòa với quan cảnh hoang tàn thường chỉ mang một tông màu với trường nhìn xa khá mờ mịt. Ở vài checkpoint đầu tiên, hiệu năng game rất kém đến mức có độ trễ tương tác đến khoảng nửa giây cực kỳ khó chịu và chỉ cải thiện dần trong trải nghiệm về sau.
Thế nhưng, vấn đề hiệu năng kém tiếp tục “hồi hương” khi quay về căn cứ rất khó hiểu. Đáng nói, khi này không hề có tải đồ họa nặng nhưng trải nghiệm lại bị độ trễ tương tác như trên, nhiều khi rất bực mình. Đã vậy, bản đồ trong game được chia thành nhiều khu vực nhỏ khác nhau, mỗi lần bước sang khu vực mới là hơn chục giây chờ tải dữ liệu. Tuy thời gian này không quá dài, nhưng do không gian mỗi khu vực quá nhỏ nên việc tải dữ liệu diễn ra rất thường xuyên trong suốt trải nghiệm khá khó chịu. Ngay cả khi quay về căn cứ cũng tiếp tục chờ tải dữ liệu, trong khi đây là nơi khá quan trọng trong suốt trải nghiệm. Căn cứ không chỉ là nơi để phục hồi lượt sử dụng vật phẩm, Lunagear và nâng cấp cho party, đây còn là nơi xây dựng và phát triển căn cứ cũng như save game.
Mặc dù về sau, phần lớn “công tác” nói trên có thể thực hiện ở nơi hạ trại (camp), nhưng trước khi đến thời điểm đó thì khả năng cao là bạn đã mất dần kiên nhẫn với “phần trình bày” ban đầu trong trải nghiệm Arc of Alchemist rồi. Mặt khác, game có thời lượng chơi tương đối ngắn chưa tới nửa ngày, được bù đắp lại bằng chế độ chơi NG+ có giá trị chơi lại cao. Thế nhưng, nhiêu đó dường như chưa đủ nhiều để giữ chân người chơi. Nhiều cơ chế gameplay như Lunagear, xây trại và nâng cấp căn cứ tuy là những thiết kế khá hấp dẫn với dòng game nhập vai hành động, nhưng chưa mang đến cảm giác chúng được thiết kế chặt chẽ trong gameplay để tạo nên dấu ấn riêng. Ngay cả hệ thống chiến đấu và khám phá cũng được thiết kế khá đơn giản.
Trải nghiệm chiến đấu trong Arc of Alchemist chỉ xoay quanh các đòn tấn công cơ bản theo kiểu nện nút “tay nhanh hơn não” và phối hợp các Lunagear đúng thời điểm. Mỗi Lunagear đều có công dụng riêng để tương tác với môi trường màn chơi, chủ yếu để giải bài toán mở khóa khu vực tiếp cận mới hay vật phẩm hơn là thiên về khả năng chiến đấu. Đơn cử như lunagear Earth có khả năng tạo các hình khối xếp chồng lên nhau, cho phép Quinn và đồng đội có thể leo lên những khu vực cao hơn không có sẵn lối đi. Điểm thú vị nhất của hệ thống Lunagear là khả năng kết hợp cả hai trang bị này để tạo nên sự kết hợp đặc biệt. Đáng tiếc là nhà phát triển không khai thác hệ thống này để mang đến những cơ chế gameplay có chiều sâu hơn trong trải nghiệm.
Bên cạnh đó, yếu tố khám phá cũng khá hạn chế do thiết kế môi trường màn chơi luôn tạo những bức tường ngăn nhân vật “nhảy lầu tự tử”, buộc bạn phải di chuyển tuyến tính “lên chỗ nào xuống ở đó” trong những phân đoạn nói trên. Ngược lại, Arc of Alchemist có điểm nhấn đáng chú ý với hệ thống xây dựng căn cứ khá thú vị, kết hợp chặt chẽ với các yếu tố gameplay khác. Đây là nơi mà người chơi có thể xây các công trình tác động trực tiếp đến trang bị, giáp, kỹ năng và nhiều thứ khác của nhân vật để nâng cao khả năng chiến đấu cho party. Thế nhưng cũng tương tự như Lunagear, “xây dựng căn cứ” vẫn chỉ dừng ở mức độ cơ bản, chứ không được đầu tư thiết kế hệ thống gameplay này để mang đến trải nghiệm có chiều sâu hơn.
Tuy nhiên, điểm trừ không nhỏ của Arc of Alchemist là làm chưa tốt khâu hướng dẫn người chơi mới. Phần tutorial chỉ đưa ra những hướng dẫn chung chung và để mặc mọi thứ quan trọng khác cho người chơi tự khám phá. Trò chơi thậm chí khuyến khích bạn nên làm thế, nhưng tôi không chắc nó phù hợp với trải nghiệm đặc trưng. Vấn đề ở chỗ, những cơ chế gameplay quan trọng như “quy luật buff” khi xây các công trình liền kề không được đề cập tới, khiến bạn tốn nhiều thời gian loay hoay với trải nghiệm có độ trễ cao trong quá trình xây căn cứ, khác nào thử thách lòng kiên nhẫn của người chơi. Không những thế, kỹ năng của nhân vật đòi hỏi phải nâng cấp các công trình của căn cứ đến cấp độ nhất định, vậy mà cũng không được trò chơi đả động gì đến khiến trải nghiệm game đôi lúc tạo cảm giác phức tạp không cần thiết.
Sau cuối, Arc of Alchemist mang đến một trải nghiệm hành động nhập khá hấp dẫn về gameplay, nhưng lại làm chưa tốt ở khía cạnh hiệu năng. Điều này khiến trò chơi rất dễ bị đánh giá thấp bởi những người chơi khó tính, nhưng kỳ thực cũng khó phủ nhận sự khó chịu không ít thì nhiều của vấn đề này mang đến trong trải nghiệm. Nếu không thuộc mẫu người chơi khó tính, đây vẫn là cái tên đáng cân nhắc với những ai thích “của lạ”. Hy vọng nhà phát triển sẽ sớm giải quyết vấn đề nói trên bằng một bản vá trong tương lai gần để mang đến trải nghiệm tốt và tương xứng hơn cho game.
Arc of Alchemist được phát hành cho PlayStation 4 và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!